Mô hình, chức năng, nhiệm vụ
DPS hoạt động với mô hình chi trả, có các chức năng chủ yếu gồm: Tính và thu phí BHTG, quản lý quỹ BHTG, chi trả và thu hồi. Hiện tại, quỹ BHTG chỉ phục vụ cho mục đích chi trả mà không được sử dụng để xử lý.
Cụ thể, các chức năng hợp pháp của DPS theo Pháp lệnh về cơ chế BHTG gồm: Thiết lập và duy trì cơ chế BHTG; Quản lý và điều hành quỹ BHTG; Tính và thu phí BHTG; Quyết định quyền chi trả cho người gửi tiền và và các cá nhân khác theo Mục 2 Phần 5 của Pháp lệnh về BHTG; Chi trả cho người gửi tiền theo Pháp lệnh về BHTG; Thu hồi từ các tài sản của tổ chức nhận tiền gửi đổ vỡ để bù lại số tiền đã chi trả cho người gửi tiền và các khoản lãi phát sinh; và các chức năng khác được áp dụng theo Pháp lệnh về BHTG.
Cơ cấu tổ chức
Tổng thư ký tài chính và ngân sách (Financial Secretary) có trách nhiệm bổ nhiệm nhân sự của DPS trên cơ sở ủy quyền của Giám đốc điều hành Cơ quan quản lý đặc khu Hồng Kông (HKSAR), bao gồm nhân sự các lĩnh vực kế toán, ngân hàng, bảo vệ người tiêu dùng, pháp lý (mất khả năng thanh toán), đầu tư, công nghệ thông tin, hành chính công và có kinh nghiệm làm việc trong ngành dịch vụ công. Hội đồng quản trị của DPS hiện có 9 thành viên, bao gồm 2 thành viên đương nhiên đại diện cho Cơ quan quản lý tiền tệ Hồng Koong (HKMA) và Tổng thư ký tài chính và ngân sách. Ngoại trừ các thành viên đương nhiên, tất cả các nhân sự khác được bổ nhiệm với nhiệm kỳ cố định không vượt quá 6 năm. Chủ tịch hiện nay của DPS là ông Michael Hui King-man.
DPS có thẩm quyền bổ nhiệm nhân sự các Ủy ban và Ban cố vấn để thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn theo pháp luật quy định. Hiện có các Ban đầu tư, Ban cố vấn về truyền thông và giáo dục tài chính, Ban cố vấn về BHTG.
Ban đầu tư có chức năng đề xuất các chiến lược và chính sách đầu tư Quỹ BHTG, giám sát việc đầu tư Quỹ BHTG và kiểm soát rủi ro hợp lý các hoạt động đầu tư của DPS, thực hiện các hoạt động đầu tư khác theo chỉ đạo của DPS. Nhân sự của Ban đầu tư là những người có kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và đầu tư, đa số thuộc DPS.
Ban cố vấn về truyền thông và giáo dục tài chính gồm các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông, quan hệ công chúng, chiến lược giáo dục truyền thông, có chức năng cố vấn cho DPS về các vấn đề như: Phát triển chiến lược truyền thông, tăng hiệu quả nghiệp vụ truyền thông.
Ban cố vấn về BHTG: DPS đã thành lập Ban cố vấn về BHTG với 13 thành viên đại diện trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Ban cố vấn đóng vai trò như một diễn đàn hiệu quả cho DPS và ngành ngân hàng, cung cấp những quan điểm về các vấn đề lợi ích chung của các thành viên.
Cơ cấu tổ chức của Ủy ban bảo vệ tiền gửi Hông Kông
Nguồn: Báo cáo thường niên 2016-2017
Hạn mức:
DPS bảo hiểm cho các loại tiền gửi tại ngân hàng tham gia BHTG với hạn mức lên đến HK$500,000 (tương đương khoảng USD 64,000) trong trường hợp ngân hàng đổ vỡ.
Các khoản tiền gửi thuộc pham vi bảo hiểm đều được bảo vệ (bất kể đồng nội tệ hay ngoại tệ). Tiền gửi thuộc phạm vi bảo hiểm bao gồm các loại tiền gửi thông thường như tài khoản vãng lai, tài khoản tiết kiệm, tiền gửi được đảm bảo và tiền gửi có kỳ hạn không quá 5 năm. Đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn dài hơn 5 năm, các khoản tiền gửi có cấu trúc (như tiền gửi có liên quan đến ngoại hối và liên kết vốn), các công cụ ký quỹ (như chứng chỉ tiền gửi ký quỹ) và tiền gửi ở nước ngoài không được DPS bảo hiểm.
Các sản phẩm tài chính không phải là tiền gửi không được bảo hiểm, bao gồm các sản phẩm đầu tư phổ biến như trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ bảo đảm, quỹ tương hỗ, quỹ ủy thác và hợp đồng bảo hiểm không được DPS bảo vệ. Các khoản tiền gửi của một số đối tượng người gửi tiền không được bảo hiểm bao gồm các cá nhân, tổ chức là ngân hàng và những cá nhân liên quan đến nhân sự thuộc DPS như các công ty liên quan và quản lý cấp cao.
Tóm lại, các loại sản phẩm tài chính sau đây không thuộc phạm vi bảo hiểm của DPS: Tiền gửi cấu trúc, tiền gửi có kỳ hạn vượt quá 5 năm, tiền gửi có khoản hoàn trả được bảo đảm dựa trên tài sản của thành viên DPS, công cụ ký gửi, tiền gửi tại nước ngoài, tiền gửi được khoanh giữ cho tài khoản của Quỹ hoán đổi, tiền gửi của các cá nhân không được bảo hiểm, và các sản phẩm tài chính không phải là tiền gửi.
Quỹ BHTG
Quỹ BHTG được thành lập chủ yếu từ 2 nguồn, đó là phần đóng phí thường niên của các tổ chức tham gia BHTG và phần lãi phát sinh từ các hoạt động đầu tư Quỹ. Tổng số tiền gửi thống kê từ các tổ chức tham gia BHTG và chỉ số xếp hạng giám sát của Cơ quan quản lý Hồng Kông là cơ sở để quyết định phí BHTG năm tiếp theo.
Tổng số phí thu được năm 2017 của Quỹ BHTG lên tới 475 triệu đô la Hồng Kông, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, 95% tổng số phí do các tổ chức tham gia BHTG nằm trong top 20 đóng góp. Để đảm bảo tính chính xác của cơ chế báo cáo đối với các tổ chức tham gia BHTG, kể từ năm 2007, DPS đã yêu cầu các tổ chức tham gia BHTG tiến hành kiểm toán định kỳ số tiền lãi tiền gửi theo chính sách về đánh giá lợi nhuận. DPS lựa chọn 21 tổ chức tham gia BHTG nộp báo cáo kiểm toán về lãi tiền gửi năm 2017 và kết quả thu được rất khả quan khi không có sai sót gây ảnh hưởng đến tổng số phí đóng góp.
Hoạt động đầu tư Quỹ BHTG: Trong bối cảnh tình hình tài chính toàn cầu còn nhiều bất ổn, DPS đã lựa chọn chiến lược thận trọng đối với việc bảo toàn vốn và chính sách đầu tư Quỹ BHTG. Các khoản đầu tư được thực hiện theo đúng theo Pháp lệnh về cơ chế BHTG và chính sách kiểm soát đầu tư Quỹ BHTG, trong đó đưa ra các hướng dẫn rõ ràng về các biện pháp đánh giá rủi ro và phân chia nhiệm vụ cần thiết cho hoạt động đầu tư. Tài sản của Quỹ BHTG được duy trì với các tài sản có tính thanh khoản cao và chủ yếu dưới hình thức tiền gửi bằng đồng đô la Hồng Kông (tính đến cuối tháng 3 năm 2017). Quỹ BHTG đạt được mức lợi tức đầu tư là 0,34% trong năm tài chính 2016-2017 mặc dù môi trường đầu tư còn nhiều bất ổn.
Nguồn: Báo cáo thường niên 2016-2017
Vai trò của DPS trong Mạng an toàn tài chính
DPS và HKMA đều có muc tiêu chung là tăng cường ổn định hệ thống tài chính ngân hàng. Trên cơ sở mục tiêu chung đó, hai tổ chức đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) về việc phối hợp hoạt động theo các chức năng được pháp luật quy định. Theo Pháp lệnh về cơ chế BHTG, DPS thực hiện các hoạt động thông qua HKMA, từ đó DPS và HKMA đã đồng ý thỏa thuận về phạm vi hỗ trợ giữa HKMA và DPS theo tần suất hàng ngày. DPS cũng có nguồn tài chính dự phòng từ Quỹ giao dịch để hỗ trợ thanh khoản trong quá trình chi trả khi ngân hàng đổ vỡ. Ngoài ra, DPS và HKMA có một thỏa thuận hợp tác về hệ thống cảnh báo sớm các trường hợp đổ vỡ ngân hàng tiềm tàng để đẩy nhanh quá trình chi trả.
Phòng NCTH&HTQT
Nguồn:
-
Báo cáo thường niên DPS 2016-17
-
http://www.dps.org.hk/index_EN.html