Theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đến năm 2020 các ngân hàng thương mại cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực Basel II. Đến 2025, tất cả ngân hàng thương mại áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, triển khai thí điểm Basel II theo phương pháp nâng cao. Đến 2030, thực hiện đồng bộ các giải pháp tiến tới xóa bỏ cơ bản tình trạng đô la hóa nền kinh tế. Và vì vậy, năm 2019 là hạn chót để 10 ngân hàng thí điểm áp dụng Basel II theo lộ trình của NHNN.
Triển khai rộng rãi Basel II để lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng
Tiến trình xây dựng một ngành ngân hàng Việt Nam lành mạnh đã đánh dấu được những bước tiến đáng kể trong việc tái cấu trúc ngành ngân hàng, giảm số lượng ngân hàng yếu kém, nâng cao năng lực của các ngân hàng thương mại, đặc biệt là về chất lượng tài sản, khả năng sinh lời, hệ số an toàn vốn và năng lực quản trị. Trong khuôn khổ đó, NHNN đã chủ động xây dựng lộ trình triển khai và áp dụng Basel II đối với hệ thống ngân hàng thương mại từ năm 2014.
Cụ thể, NHNN đã ban hành thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với tổ chức tín dụng (phương pháp tiêu chuẩn của Basel II) và thông tư số 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại nhằm tạo khung pháp lý để các ngân hàng thực hiện Trụ cột I, Trụ cột II và Trụ cột III của Basel II.
Trụ cột I yêu cầu các ngân hàng phải duy trì tỷ lệ vốn tự có tối thiểu 8% bao gồm tính vốn yêu cầu cho rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Vì vậy, NHNN đã định hướng các ngân hàng xây dựng các chiến lược kinh doanh phù hợp với năng lực huy động vốn tự có thông qua việc phân loại các phân khúc khách hàng và sản phẩm dịch vụ theo các mức độ rủi ro khác nhau.
Ngoài Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định về cách tính toán vốn yêu cầu theo phương pháp tiêu chuẩn, NHNN đã xác định lộ trình ban hành thông tư hướng dẫn về việc triển khai tính toán Tỷ lệ an toàn vốn theo phương pháp xếp hạng nội bộ (Internal rating base), trước mắt là phương pháp xếp hạng tín dụng nội bộ cơ bản (FIRB), dự kiến sẽ lấy ý kiến tổ chức tín dụng trong năm 2019.
Với những ngân hàng có mức độ rủi ro thấp thì sẽ có thể được hưởng lợi thông qua việc xác định vốn tự có ở mức độ thấp hơn.
Trụ cột II của Basel II bao gồm rất nhiều nội dung định tính và định lượng, tóm tắt thành 2 cấu phần lớn: (1) Các chuẩn mực cơ quan quản lý yêu cầu đối với hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng; (2) Đánh giá mức độ đủ vốn của từng ngân hàng.
Hướng dẫn triển khai các nội dung này, NHNN đã ban hành Thông tư 13/2018/TT-NHNN, trong đó có một số thay đổi lớn.
Theo đó, đối với các chỉ tiêu định tính, cơ quan quản lý chỉ ban hành các nguyên tắc và để ngân hàng tự lượng hóa thành các chỉ tiêu nội bộ phù hợp với trình độ phát triển và khẩu vị rủi ro của từng ngân hàng.
Đối với các chỉ tiêu định lượng quy định tại Trụ cột II, NHNN cũng để mở hướng tiếp cận cho các ngân hàng tự quyết phù hợp với trình độ phát triển của từng ngân hàng. Tuy nhiên, ngân hàng thương mại có thể lựa chọn áp dụng cùng phương pháp tính toán vốn cho các loại rủi ro được quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN hoặc tiếp cận theo phương pháp riêng của ngân hàng.
Toàn bộ quá trình triển khai Trụ cột II Basel 2 tại ngân hàng thương mại sẽ được NHNN thực hiện thẩm định và đánh giá lại.
Trụ cột III nhằm mục đích tăng cường kỷ luật thị trường thông qua tăng cường công khai thông tin của các ngân hàng.
Tại Thông tư 41, NHNN đã quy định các yêu cầu về nội dung và hình thức công bố thông tin đảm bảo tính công khai và tiếp cận thuận tiện cho các cá nhân, tổ chức có lợi ích liên quan.
Nội dung công bố thông tin gồm cả nội dung định tính và định lượng, từ thông tin về cơ cấu vốn, mức độ đầy đủ về vốn đến những thông tin liên quan đến mức độ nhạy cảm của ngân hàng với rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động và quy trình đánh giá của ngân hàng đối với từng loại rủi ro này.
Ban hành các Thông tư hướng dẫn triển khai Basel II là định hướng của NHNN trong việc nâng cao năng lực quản lý rủi ro và chuẩn mực an toàn trong hoạt động ngân hàng theo thông lệ quốc tế. Điều này tạo ra nền tảng giúp các ngân hàng tiếp cận với thị trường vốn quốc tế một cách dễ dàng, với chi phí thấp và tăng mức độ tin cậy của các định chế tài chính toàn cầu, các nhà đầu tư, tổ chức ngoài nước khác đối với Việt Nam.
Bảo đảm tốt hơn quyền lợi người gửi tiền
Lộ trình áp dụng Basel II tại Việt Nam được NHNN đưa ra gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là thí điểm áp dụng tại 10 ngân hàng từ tháng 2/2016, gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Sacombank, Techcombank, ACB, VPBank, VIB và Maritime Bank. Giai đoạn 2 là cơ bản các ngân hàng thương mại có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó có ít nhất 12-15 ngân hàng áp dụng thành công toàn bộ tiêu chuẩn này.
Sau quá trình nỗ lực triển khai và áp dụng Basel II của các ngân hàng thương mại, NHNN vừa công bố quyết định áp dụng tiêu chuẩn Basel II cho 3 ngân hàng, gồm Ngân hàng Quân Đội (MB), Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng Tiên Phong (TPBank). Ba ngân hàng này chịu trách nhiệm hoàn thành các nội dung, đảm bảo tuân thủ quy định tại Thông tư 41/2016 kể từ ngày 1/5/2019. Trước VPBank, TPBank và MB, 3 ngân hàng khác đã được cơ quan điều hành công nhận áp dụng Basel II thành công là Vietcombank, VIB và OCB. Như vậy tính đến thời điểm này đã có 6 ngân hàng được công nhận áp dụng Basel II thành công.
Theo các chuyên gia tài chính, triển khai Basel II giúp các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn hơn, lành mạnh do trình độ quản trị rủi ro được tăng cường, các biện pháp quản trị rủi ro, đặc biệt là mô hình rủi ro và xếp hạng nội bộ được chủ động áp dụng, đồng thời nguồn vốn được quản lý một cách hiệu quả hơn. Chính vì vậy, các tổ chức tín dụng sẽ phải chuyển hướng tập trung vào đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng, thay vì dựa chủ yếu vào tài sản đảm bảo. Từ đó, củng cố uy tín của hệ thống ngân hàng trong lòng người gửi tiền; giảm thiểu tình trạng mất khả năng thanh toán của ngân hàng, góp phần duy trì hoạt động bình thường của hệ thống ngân hàng.Đối với tổ chức BHTG, việc kiểm soát tốt rủi ro của các tổ chức tham gia BHTG sẽ giúp bảo đảm tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền thông qua triển khai các hoạt động nghiệp vụ về BHTG như giám sát, kiểm tra, thu phí BHTG... Điều 20 Luật BHTG quy định “Căn cứ vào khung phí BHTG, NHNN quy định mức phí BHTG cụ thể đối với tổ chức tham gia BHTG trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại các tổ chức này”. Như vậy, mức độ an toàn, lành mạnh của từng tổ chức tham gia BHTG sẽ là cơ sở để NHNN xếp hạng, đánh giá và đưa ra khung phí BHTG phù hợp đối với từng tổ chức. Khi Basel II được triển khai rộng rãi, việc đánh giá rủi ro và xếp hạng TCTD sẽ được thực hiện trên cơ sở tốt hơn, từ đó làm căn cứu để có thể sớm triển khai hệ thống phí BHTG trên cơ sở rủi ro của TCTD.
Một điểm quan trọng hơn nữa là khi các tổ chức tín dụng áp dụng Basel II, khả năng đổ vỡ sẽ có xu hướng giảm đi. Từ đó, xác suất phải chi trả tiền gửi được bảo hiểm của tổ chức BHTG cũng sẽ giảm, quỹ BHTG sẽ được bảo toàn. Bên cạnh đó, khi xác suất đổ vỡ ngân hàng giảm, khả năng xảy ra khủng hoảng cũng sẽ giảm, từ đó, chi phí xử lý khủng hoảng giảm, giảm áp lực lên ngân sách Nhà nước và các nguồn lực xã hội khác.