Xác lập tầm nhìn chiến lược đối với hoạt động BHTG
Luật BHTG (Luật số 06/2012/QH13) đã quy định: tổ chức BHTG chịu trách nhiệm xây dựng chiến lược phát triển BHTG để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện. Bối cảnh kinh tế quốc tế và kinh tế trong nước đặt ra cho ngành ngân hàng Việt Nam nói chung và BHTG Việt Nam (BHTGVN) nói riêng nhiều cơ hội và thách thức. Đặc biệt, xu hướng phát triển của các tổ chức BHTG trên thế giới yêu cầu BHTGVN cần xác định định hướng trong tương lai nhằm đáp ứng tốt hơn Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả.
Do đó, Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành cuối năm 2022 vừa qua là một bước quan trọng nhằm xác định rõ phương hướng triển khai và hoàn thiện hoạt động BHTG. Đây là lần đầu tiên trong suốt gần 25 năm thực hiện chính sách BHTG tại Việt Nam, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đối với từng giai đoạn tương lai được cụ thể hóa trên tầm nhìn trung và dài hạn, mở ra triển vọng mới đối với lĩnh vực chính sách công đặc thù này.
Chiến lược phát triển BHTG nêu rõ 5 quan điểm xuyên suốt trong định hướng phát triển BHTG. Đó là: sự phát triển của BHTGVN góp phần ổn định hệ thống tài chính, ngân hàng Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước. Kiên trì mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Tăng cường vai trò của BHTGVN trong quá trình tham gia tái cơ cấu tổ chức tham gia BHTG yếu kém gắn với xử lý nợ xấu. Tăng cường nghiên cứu và áp dụng các chuẩn mực quốc tế vào hoạt động BHTG cũng như các hoạt động nghiệp vụ liên quan đến các tổ chức tham gia BHTG. BHTGVN từng bước đổi mới theo hướng đáp ứng các nguyên tắc trong Bộ nguyên tắc phát triển tổ chức BHTG hiệu quả của Hiệp hội BHTG quốc tế, phù hợp với định hướng tổng thể Chiến lược ngành Ngân hàng và thực tiễn tại Việt Nam. Nhận thức sâu sắc ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo đi đôi với phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao là những thành tố then chốt cho sự phát triển nhanh và bền vững của BHTGVN.
Để thực hiện các quan điểm định hướng nói trên, Chiến lược phát triển BHTG xác định 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, gồm: hoàn thiện cơ sở pháp lý về BHTG, áp dụng hiệu quả các công cụ chính sách BHTG; triển khai hiệu quả hoạt động BHTG; và phát triển tổ chức BHTG. Cụ thể, trong giai đoạn 2022-2025, Chiến lược phát triển BHTG đã xác định trọng tâm hoàn thiện cơ sở pháp lý là xây dựng Luật BHTG sửa đổi, bổ sung và các luật có liên quan cũng như xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn, thi hành luật. Giai đoạn 2025 – 2030, quá trình xây dựng, bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến BHTG sẽ tiếp tục được thực hiện.
Khuôn khổ pháp lý - điểm đột phá cho quá trình thực thi Chiến lược
Đối với mọi hoạt động có tính chất chiến lược luôn có thứ tự ưu tiên từ tổng thể tới chi tiết, từ bối cảnh vĩ mô tới yếu tố vi mô. Có thể nói, một trong những điểm đột phá để thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành chính là hoàn thiện cơ sở pháp lý. Đây là bối cảnh lớn, bao gồm tất cả các vấn đề mang tính lề lối đối với cả tổ chức BHTG cũng như các hoạt động nghiệp vụ và hoạt động hậu cần.
Luật BHTG sau 10 năm triển khai đã bộc lộ một số vướng mắc, trở ngại cũng như tiềm ẩn những hạn chế đối với triển vọng phát triển hệ thống ngân hàng. Luật BHTG cần được sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn hoạt động, thông lệ quốc tế, nhằm kiến tạo hành lang thông thoáng cho việc triển khai hữu hiệu chính sách BHTG. Ngược lại, nếu Luật BHTG không kịp thời được sửa đổi, bổ sung sẽ là rào cản đối với quá trình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Đơn cử, Chiến lược phát triển BHTG đã xác định mục tiêu “tăng cường vai trò của BHTGVN trong quá trình tham gia tái cơ cấu các tổ chức tham gia BHTG yếu kém gắn với xử lý nợ xấu.”. Song, quá trình tham gia tái cơ cấu sẽ tác động tới không chỉ riêng tổ chức BHTG mà còn có ảnh hưởng tới các TCTD và cơ quan quản lý về tài chính – ngân hàng. Mục tiêu này chỉ có thể được thực hiện thông qua việc trao cho BHTGVN các quyền hạn, trách nhiệm, công cụ, cơ chế phân công, phối hợp cụ thể, được quy định xuyên suốt, thống nhất từ cấp độ Luật, Nghị định, Thông tư, tới các quy chế, quy định nội bộ của tổ chức BHTG. Thiếu đi khuôn khổ pháp lý, tổ chức BHTG dù có đủ năng lực, sẵn sàng tinh thần nhận nhiệm vụ mới cũng không có hành lang thông thoáng để triển khai một cách hữu hiệu.
Do đó, quá trình sửa đổi, bổ sung Luật BHTG sắp tới cần hướng đến hoàn thiện cơ sở pháp lý phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao vị thế, vai trò của BHTGVN; giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai Luật BHTG trong thời gian qua; thống nhất quy định với các luật có liên quan như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD, Luật Phá sản…
Đồng thời, Chiến lược phát triển BHTG cần được sử dụng như một căn cứ tham chiếu nhằm đề xuất các nội dung cụ thể của Luật BHTG sửa đổi, hướng đến mục tiêu thực hiện hiệu quả Chiến lược. Những giải pháp, đề xuất đã được Chiến lược phát triển BHTG nêu phải được tích hợp vào Luật BHTG sửa đổi nhằm đảm bảo duy trì sự thống nhất về quan điểm, định hướng, giải pháp. Như vậy, Luật BHTG sửa đổi sẽ là văn bản khơi sâu, mở rộng những quan điểm, định hướng chủ đạo được xác định trong Chiến lược phát triển BHTG.
Cuối cùng, với việc hoạch định chính sách BHTG phục vụ tầm nhìn dài hạn, cần nghiên cứu, đánh giá và quy định những nội dung mới mang tính chất khai mở, nhằm tạo cơ chế linh hoạt cho tổ chức BHTG kịp thời đáp ứng tình hình có nhiều biến động. Hệ quả đại dịch COVID-19 thời gian qua đã đem lại những thay đổi không thể dự đoán đối với hệ thống ngân hàng – tài chính và nền kinh tế thế giới. Dự phòng giải pháp ứng phó các hiệu ứng “thiên nga đen” là cần thiết, giúp BHTGVN vững vàng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Có thể nói, quá trình triển khai Chiến lược phát triển BHTG và sửa đổi, bổ sung Luật BHTG vừa song hành, vừa tác động lẫn nhau và là động lực của nhau. Vì vậy, cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa hai quá trình. Đây là giai đoạn có tính chất bản lề đối với chính sách BHTG và tổ chức BHTG, hướng tới thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển BHTG, đồng thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách về BHTG sẽ cụ thể hóa quan điểm xuyên suốt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc bảo vệ người gửi tiền và bảo đảm an toàn, lành mạnh hệ thống ngân hàng./.