Loại hình TCTD quy mô nhỏ ở Việt Nam gồm có quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) và tổ chức tài chính vi mô (TCTCVM). Hiện nay, BHTGVN đang bảo vệ tiền gửi cho người gửi tiền tại 1.181 QTDND và 4 TCTCVM.
Các TCTD quy mô nhỏ, bằng việc cung cấp dịch vụ tín dụng, tiết kiệm, bảo hiểm, các dịch vụ tài chính khác và các dịch vụ phi tài chính… không chỉ giúp người nghèo tiếp cận được các dịch vụ tài chính chính thức mà còn tạo dựng công việc, sản xuất kinh doanh, góp phần giúp người nghèo tránh, giảm rủi ro về kinh tế và cuộc sống, tăng thu nhập.
Những năm gần đây, Chính phủ đã quan tâm, đầu tư nhiều biện pháp, kể cả sửa đổi chính sách và luật pháp nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích các TCTD quy mô nhỏ hoạt động hiệu quả và an toàn hơn. Đặc biệt, năm 2005, việc ban hành Nghị định 28/2005/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ ở Việt Nam đã đánh dấu cho sự công nhận chính thức của Chính phủ đối với TCTCVM. Tiếp đó, ngày 15/11/2007 Chính phủ ban hành Nghị định 165/2007/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 28/2005/NĐ-CP nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp cho hoạt động của TCTCVM. Đáng chú ý, Luật Các tổ chức tín dụng 2010 đã khắc phục bất cập cơ bản của Luật các TCTD 1997, đó là chính thức công nhận TCTCVM là một trong các loại hình TCTD. Đây được xem là một bước tiến, tạo nền tảng pháp lý vững chắc để củng cố và phát triển ổn định các TCTCVM trong hệ thống tài chính quốc gia.
Nhận thức được quy mô phát triển của loại hình TCTD này, ngay từ khi BHTGVN được thành lập, QTDND đã là loại hình TCTD bắt buộc phải tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG). Đối với TCTCVM, Luật BHTG và Nghị định số 68/2013/NĐ-CP quy định và hướng dẫn chi tiết “TCTCVM phải tham gia BHTG đối với tiền gửi của cá nhân, bao gồm cả tiền gửi tự nguyện của khách hàng tài chính vi mô, trừ tiền gửi tiết kiệm bắt buộc theo quy định của TCTCVM”. Như vậy, giống như các TCTD khác, quyền lợi của người gửi tiền tại các TCTCVM cũng được bảo vệ, giúp tổ chức này có thêm lợi thế cạnh tranh trong việc cung cấp sản phẩm tiết kiệm thuận lợi để huy động và mở rộng quy mô nguồn vốn.
Thời gian qua, BHTGVN đã triển khai chính sách BHTG kịp thời đến các TCTD quy mô nhỏ thông qua các hoạt động nghiệp vụ như: cấp, thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG; giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ và tham gia xử lý các QTDND yếu kém; tuyên truyền chính sách BHTG… đảm bảo đồng bộ, quyết liệt và tuân thủ quy định của pháp luật.
Theo đó, trên cơ sở tăng hạn mức trả tiền BHTG lên 125 triệu đồng theo Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 12/12/2021, đến nay BHTGVN đã hoàn thành 100% việc cấp Chứng nhận tham gia BHTG theo hạn mức mới cho 1.282 tổ chức tham gia BHTG (bao gồm 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 QTDND, 1 ngân hàng hợp tác xã và 4 TCTCVM) và cấp 12.282 bản sao Chứng nhận tham gia BHTG theo đề nghị của các tổ chức tham gia BHTG. Việc thực hiện đảm bảo chính xác, đầy đủ thông tin theo quy định của pháp luật và Quy chế cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG, phục vụ tốt công tác giám sát, nâng cao niềm tin của người gửi tiền vào các chính sách BHTG.
Đối với công tác kiểm tra tại các TCTD quy mô nhỏ tiềm ẩn nhiều rủi ro, BHTGVN đảm bảo được tính đồng bộ, thống nhất theo quy định tại Quy chế kiểm tra đã được HĐQT BHTGVN phê duyệt, góp phần phát hiện nhiều thiếu xót, hạn chế trong quản trị điều hành, kiểm soát nội bộ, huy động vốn, cho vay, hạch toán, thu chi tiền mặt, quản lý giấy tờ, hồ sơ, sổ sách…cũng như trong việc thực hiện các chính sách, quy định của pháp luật về BHTG. Đối với từng sai phạm, thiếu xót và hạn chế, BHTGVN đều xác định rõ nguyên nhân, kiến nghị các biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, qua đó nâng cao nhận thức của các đơn vị về chính sách BHTG, ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật và các hướng dẫn của BHTGVN, từ đó góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD.
BHTGVN xác định tuyên truyền chính sách BHTG là một nghiệp vụ quan trọng cần đẩy mạnh. Tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi người dân, người gửi tiền ít có điều kiện tiếp cận thông tin, cần có sự quan tâm đặc biệt. Nhận thức được điều ấy, BHTGVN đã áp dụng các chính sách thông tin tuyên truyền hai chiều về BHTG, giúp các TCTD quy mô nhỏ hiểu rõ về hạn mức trả tiền bảo hiểm, phí BHTG, phạm vi tiền gửi được bảo hiểm…; đồng thời, lắng nghe các TCTD quy mô nhỏ trực tiếp nói lên tiếng nói của mình, nêu những ý kiến, góp ý về chính sách cũng như các hoạt động nghiệp vụ của BHTGVN. Qua đó, BHTGVN có thể tiếp thu, phản hồi, giải thích. Việc đưa chính sách BHTG tới các khu vực này không chỉ giúp củng cố niềm tin của công chúng, thúc đẩy sự phát triển các TCTD quy mô nhỏ nói riêng và hệ thống các TCTD nói chung, mà còn góp phần khơi thông dòng vốn phát triển kinh tế địa phương, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chính sách nông nghiệp, nông thôn, nông dân của Đảng và Nhà nước.
Mặc dù chủ trương và định hướng phát triển các TCTD quy mô nhỏ đã ra đời từ lâu nhưng vẫn còn nhiều bất cập, hoạt động của các tổ chức này còn tiềm ẩn rủi ro, tỷ lệ nghịch giữa quy mô phát triển và tính bền vững, đặc biệt là đối với hệ thống QTDND. Bên cạnh đó, tiến trình chính thức hóa các TCTCVM còn chậm. Tính đến thời điểm hiện tại, các TCTCVM hoạt động dưới hai hình thức là TCTCVM được cấp phép (đã chuyển đổi thành TCTCVM chính thức) và TCTCVM chưa được cấp phép (TCTCVM bán chính thức hay các chương trình, dự án tài chính vi mô). Hiện mới có 4 TCTCVM được cấp phép hoạt động theo Luật Các TCTD, còn lại hơn 30 tổ chức tham gia hoạt động tài chính vi mô trên khắp Việt Nam.
Để BHTGVN tiếp tục thực hiện tốt vai trò trong thực thi chính sách BHTG đối với TCTD quy mô nhỏ, cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước có liên quan như NHNN, đặc biệt là NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố đối với BHTGVN trong việc cung cấp, trao đổi thông tin liên quan đến việc cấp giấy phép thành lập và hoạt động đối với các TCTD quy mô nhỏ; hoàn thiện cơ chế chính sách đối với TCTCVM; tăng cường công tác thanh tra, giám sát đối với các TCTD nói chung và TCTD quy mô nhỏ nói riêng để đảm bảo thực thi các quy định của pháp luật về BHTG một cách toàn diện.
Với việc triển khai hiệu quả chính sách BHTG thời gian qua, BHTGVN đã cho thấy sự cố gắng không ngừng trong việc thực thi chính sách BHTG. Đồng thời, từ thực tiễn hoạt động, BHTGVN đã và đang tham gia góp ý, đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo chính sách BHTG luôn song hành cùng sự phát triển của các TCTD; góp phần quan trọng vào quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD; đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại các TCTD quy mô nhỏ này.