Cơ sở pháp lý về kiểm soát đặc biệt
Luật Các TCTD năm 1997 đã tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho việc thành lập tổ chức bảo hiểm tiền gửi và xây dựng các văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động tổ chức bảo hiểm tiền gửi, trong đó Khoản 1 Điều 17 nhấn mạnh: “Tổ chức tín dụng có trách nhiệm tham gia tổ chức bảo toàn hoặc bảo hiểm tiền gửi”. Do đó, ngày 09/11/1999, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 218/1999/QĐ-TTg thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN).
Khoản 13 Điều 13 Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định Quyền và nghĩa vụ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi “Tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; tham gia quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Chính phủ”. Theo đó, BHTGVN chính thức được tham gia vào quá trình KSĐB các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của NHNN.
Tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD số 17/2017/QH14 ngày 20/11/2017 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 15/01/2018, BHTGVN được giao thêm một số nhiệm vụ cũng như tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu lại TCTD được KSĐB như: Cho vay đặc biệt đối với TCTD được KSĐB; Mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ; Tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính; Tham gia xây dựng phương án phá sản TCTD được KSĐB; Miễn phí bảo hiểm tiền gửi cho TCTD được KSĐB. Như vậy, BHTGVN đã được tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu lại TCTD được KSĐB.
Để triển khai các nhiệm vụ tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD số 17/2017/QH14 ngày 20/11/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND, trong đó yêu cầu “Phát huy vai trò Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong việc liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính và xử lý khó khăn của các Quỹ tín dụng nhân dân, tăng cường vai trò tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với các Quỹ tín dụng nhân dân”, và “Tăng cường vai trò và giao nhiệm vụ Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong việc phối hợp tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với các Quỹ tín dụng nhân dân; thực hiện tốt vai trò trách nhiệm đầu mối liên kết hệ thống của Ngân hàng Hợp tác xã trong điều hòa vốn, hỗ trợ cho vay đối với Quỹ tín dụng nhân dân gặp khó khăn về tài chính, thanh khoản; tích cực tham gia xử lý các Quỹ tín dụng nhân dân yếu kém hoặc có dấu hiệu mất an toàn trong hoạt động; nghiên cứu việc đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi để sử dụng nguồn tiền kết dư phí bảo hiểm tiền gửi để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém”.
Trước đó, NHNN đã có Quyết định 209/QĐ-NHNN ngày 31/1/2019 về việc phê duyệt Đề án củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 để xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và giữ vững ổn định hệ thống tài chính-ngân hàng.
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để BHTGVN tham gia KSĐB các TCTD và tham gia có hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém.
Chủ động triển khai công tác tham gia KSĐB theo nhiệm vụ mới
Để triển khai công tác tham gia KSĐB theo Luật Bảo hiểm tiền gửi và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD, BHTGVN đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quản trị và điều hành về KSĐB để phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD số 17/2017/QH14 ngày 20/11/2017 và để hướng dẫn cán bộ khi thực hiện tham gia KSĐB như: Hội đồng quản trị BHTGVN đã ban hành Quy chế về cho vay đặc biệt đối với TCTD được KSĐB kèm theo Quyết định số 593/QĐ-BHTG ngày 7/9/2018; Tổng giám đốc đã ban hành Hướng dẫn thực hiện Quy chế về cho vay đặc biệt đối với TCTD được KSĐB số 1327/HD-BHTG ngày 29/10/2019; Hướng dẫn tạm thời về việc BHTGVN tham gia vào quá trình KSĐB đối với QTDND; Quy định tạm thời về Tổ xử lý đột biến đối với QTDND có vấn đề; dự kiến đầu Quý III/2020 ban hành Hướng dẫn tạm thời đánh giá tính khả thi phương án phục hồi QTDND và tổ chức tài chính vi mô được KSĐB.
Trên cơ sở phân công, nhiệm vụ của Trưởng Ban KSĐB, văn bản hướng dẫn của BHTGVN, các cán bộ BHTGVN tham gia Ban KSĐB đã phối hợp với các thành viên Ban KSĐB thực hiện giám sát tình hình hoạt động và thực hiện phương án củng cố, chấn chỉnh QTDND, đặc biệt là giám sát số liệu chi tiết, biến động tài sản của QTDND, số dư tiền gửi, tiền gửi được bảo hiểm, tình hình phân loại nợ, khả năng thu hồi nợ của QTDND để đánh giá khả năng chi trả tiền gửi đến hạn thanh toán.
Trong quá trình tham gia KSĐB, BHTGVN đã chủ động, tích cực phối hợp với Ban KSĐB, Chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố để xử lý các tình huống phát sinh. Tham gia ý kiến đối với phương án xử lý QTDND được KSĐB, đặc biệt là các QTDND yếu kém không có khả năng phục hồi khi có yêu cầu của NHNN. Đối với các QTDND được KSĐB thuộc diện ngân hàng thương mại tham gia xử lý, cán bộ BHTGVN đã thực hiện đối chiếu, xác minh, lập danh sách người gửi tiền, tham gia tuyên truyền, hỗ trợ đối với các QTDND thực hiện theo phương án ngân hàng thương mại tham gia xử lý.
Hàng năm, BHTGVN xây dựng mức vốn dự phòng cho vay đặc biệt đối với TCTD được KSĐB để chủ động nguồn lực tài chính, sẵn sàng cho vay đặc biệt đối với TCTD được KSĐB đủ điều kiện vay vốn.
Về hoạt động tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi, BHTGVN nói chung, các chi nhánh BHTGVN nói riêng đã chủ động, tích cực phối hợp với ban KSĐB, Chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi khi được yêu cầu, đề xuất Chi nhánh NHNN tỉnh lựa chọn phương án xử lý phù hợp với quy định của Luật TCTD 2017.
Đồng thời, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tham gia KSĐB, Tổng giám đốc BHTGVN đã ban hành Quyết định số 731/QĐ-BHTG ngày 15 tháng 8 năm 2019 về việc phê duyệt đề án đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ BHTGVN tham gia KSĐB tổ chức tín dụng giai đoạn 2019 – 2021. Định hướng của đề án đào tạo, bồi dưỡng là phát triển đội ngũ cán bộ tham gia quá trình KSĐB có trình độ phù hợp với điều kiện phát triển của BHTGVN; sau khi hoàn thành các khóa đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ được trang bị kiến thức cơ bản và chuyên sâu để tham gia có hiệu quả vào quá trình KSĐB theo yêu cầu của NHNN và của BHTGVN.
Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng là toàn bộ cán bộ đã và đang tham gia các ban KSĐB, cán bộ dự nguồn tham gia KSĐB, cán bộ thuộc danh sách dự nguồn tham gia xử lý đột biến tại chi nhánh và Trụ sở chính BHTGVN, cán bộ các phòng nghiệp vụ có liên quan đến KSĐB ở các chi nhánh BHTGVN và các phòng, ban tại Trụ sở chính được lựa chọn tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng. Nội dung và chương trình đào tạo, bồi dưỡng được thiết kế nhằm cung cấp đầy đủ các kiến thức nghiệp vụ từ cơ bản đến chuyên sâu, nâng cao cho cán bộ tham gia công tác KSĐB. Phương pháp đào tạo kết hợp giữa giảng dạy lý thuyết và thực hành thông qua việc trao đổi, thảo luận, trình bày xử lý tình huống thực tế trong quá trình tham gia KSĐB tổ chức tín dụng để giúp cán bộ nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Đến nay, BHTGVN đã tổ chức thành công 02 khóa đào tạo, bồi dưỡng cơ bản cho cán bộ BHTGVN tham gia kiểm soát đặc biệt TCTD, dự kiến Khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao cho cán bộ BHTGVN tham gia KSĐB – Khóa I sẽ diễn ra từ ngày 17 đến 22/8/2020 và tổ chức tiếp các khóa cơ bản, nâng cao khác theo kế hoạch.
Đề xuất, kiến nghị
BHTGVN đã tham gia vào quá trình KSĐB đối với QTDND ngày một chủ động và tích cực hơn nhằm góp phần giúp các QTDND trở lại hoạt động bình thường hoặc đề xuất phương án xử lý phù hợp, từ đó góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, bảo vệ quyền, lợi ích của người gửi tiền. Việc xử lý các tình huống phát sinh tại các QTDND được KSĐB luôn đảm bảo đúng quy trình nghiệp vụ, nhanh chóng kịp thời, góp phần vào việc ổn định hoạt động của quỹ, niềm tin của người gửi tiền, từ đó nâng cao vị thế của BHTGVN trong việc tham gia xử lý các QTDND yếu kém.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện BHTGVN cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc như: Chưa có quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ BHTGVN khi tham gia Ban KSĐB; Việc cung cấp thông tin giữa NHNN và BHTGVN theo đúng quy định tại Thông tư 34/2016/TT-NHNN về trao đổi thông tin về thanh tra giám sát và phối hợp xử lý các QTDND yếu kém giữa NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố và BHTGVN chưa được kịp thời; Công ty tài chính là một trong những đối tượng được vay đặc biệt của BHTGVN theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD số 17/2017/QH14 ngày 20/11/2017 nhưng công ty tài chính không phải là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. BHTGVN không được kiểm tra, giám sát, không được cung cấp thông tin về tình hình hoạt động của Công ty tài chính. Mặt khác, Công ty tài chính không phải nộp phí bảo hiểm tiền gửi nhưng lại được cho vay đặc biệt từ quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTGVN (nguồn hình thành quỹ dự phòng nghiệp vụ chủ yếu từ khoản thu phí bảo hiểm tiền gửi). Vì vậy, việc quy định BHTGVN cho vay đặc biệt đối với Công ty tài chính là không phù hợp với quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi.
Do vậy để công tác tham gia KSĐB theo Luật Bảo hiểm tiền gửi và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017 đạt hiệu quả cao hơn nữa góp phần đảm bảo an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng, cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, nhóm nghiên cứu đề xuất:
Thứ nhất, BHTGVN kiến nghị NHNN có quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ BHTGVN khi tham gia Ban kiểm soát đặc biệt.
Thứ hai, có văn bản yêu cầu các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện việc cung cấp thông tin giữa NHNN và BHTGVN theo đúng quy định tại Thông tư 34/2016/TT-NHNN để việc trao đổi thông tin về thanh tra giám sát và phối hợp xử lý các QTDND yếu kém giữa NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố và BHTGVN được kịp thời.
Thứ ba, có văn bản hướng dẫn cụ thể để BHTGVN đủ cơ sở triển khai thực hiện cho vay đặc biệt đối với Công ty tài chính khi phát sinh.
Thứ tư, BHTGVN có cơ chế hỗ trợ đối với cán bộ làm trực tiếp công tác tham gia Ban KSĐB tại các QTDND được KSĐB ở địa bàn xa trung tâm do gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại, thực hiện nhiệm vụ.