Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 10/2021/TT-NHNN quy định về tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để người sử dụng lao động được vay vốn trả lương ngừng việc cho người lao động.
Theo Quyết định số 23, các doanh nghiệp sẽ được vay vốn với lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương ngừng việc cho người lao động và vay vốn trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, tổng số tiền tái cấp vốn tối đa 7.500 tỷ đồng, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất quá hạn là 0%/năm, thời hạn tái cấp vốn là 364 ngày, tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày NHNN giải ngân tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội và được áp dụng đối với từng lần giải ngân. Thời hạn giải ngân tái cấp vốn từ ngày ký khế ước nhận nợ đầu tiên đến hết ngày 31/3/2022 hoặc đến khi giải ngân hết 7.500 tỷ đồng tùy theo điều kiện nào đến trước.
NHNN tái cấp vốn không có tài sản bảo đảm đối với Ngân hàng Chính sách xã hội. Khi khoản vay tái cấp vốn đến hạn, Ngân hàng Chính sách xã hội phải trả hết nợ gốc vay tái cấp vốn cho Ngân hàng Nhà nước từ tiền trả nợ của người sử dụng lao động vay.
Trường hợp đến hết ngày 5/4/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội không giải ngân hết số tiền đã nhận giải ngân thì trước ngày 15/4/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội phải trả NHNN số tiền không giải ngân hết.
Theo đó, đối với cho vay trả lương ngừng việc, người sử dụng lao động có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc đến tháng liền kề trước thời điểm người lao động ngừng việc, phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định tại khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022; không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.
Đối với cho vay trả lương phục hồi sản xuất. Đối tượng 1, người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Coivd-19 trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022; có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn; có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.
Đối tượng 2, người sử dụng lao động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn; có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài và đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn.
Mức cho vay, người sử dựng lao động được vay vốn một hoặc nhiều lần để trả lương ngừng việc, trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất với thời gian tối đa 03 tháng/người lao động. Trong đó, vay vốn trả lương ngừng việc, mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng. Vay vốn trả lương phục hồi sản xuất: mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động (mức tiền lương tối thiểu vùng căn cứ theo quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động).
Lãi suất cho vay 0%/năm. Lãi suất nợ quá hạn 12%/năm. Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay và người sử dụng lao động thỏa thuận dưới 12 tháng, kể từ ngày giải ngân món vay đầu tiên. Người sử dụng lao động không phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay trực tiếp đến người sử dụng lao động.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 12/2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Con số này bao gồm người bị mất việc, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Trong đó, 69,2% người bị giảm thu nhập, 39,9% phải giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá, việc triển khai chính sách, thực hiện các gói hỗ trợ đã góp phần khắc phục những khó khăn trong đời sống của nhân dân, người lao động và hoạt động của doanh nghiệp.
Tính đến ngày 27/5, gói hỗ trợ tiền mặt thực hiện được khoảng 13.100/35.880 tỉ đồng, tương ứng với 36,5% quy mô gói hỗ trợ. Gói hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc thông qua chính sách cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội với quy mô 16.000 tỉ đồng đã giải ngân cho 245 người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc cho 11.276 người lao động với số tiền 41,8 tỉ đồng, tương ứng với 0,26% quy mô gói hỗ trợ.