Chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) khu vực Tây Bắc Bộ được thành lập theo Quyết định số 290/QĐ-BHTG, ngày 19/5/2016 của Hội đồng quản trị BHTGVN và chính thức khai trương đi vào hoạt động ngày 10/10/2016. Hiện nay, Chi nhánh được giao nhiệm vụ quản lý 101 tổ chức tham gia BHTG (100% là QTDND) trên địa bàn 8 tỉnh, bao gồm: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Lai Châu.
Ngay từ những ngày đầu hoạt động, với tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, Ban lãnh đạo và tập thể cán bộ làm công tác giám sát đã không ngừng nỗ lực, vượt mọi khó khăn, từng bước đáp ứng yêu cầu công việc, thực hiện mục tiêu chuyên môn hóa các nghiệp vụ đi đôi với việc tư vấn và hỗ trợ các QTDND trên địa bàn quản lý. Phòng Giám sát tại Chi nhánh đã chủ động đề xuất, xây dựng các chỉ tiêu giám sát trên cơ sở các quy định của BHTGVN.
Từ 99 QTDND ban đầu, đến nay Chi nhánh đã và đang chịu trách nhiệm quản lý 101 quỹ. Chi nhánh đã thực hiện tốt công tác giám sát định kì 100% QTDND trên địa bàn quản lý, hàng tháng, quý, trên cơ sở số liệu tại bảng cân đối kế toán nhận được, mỗi cán bộ tại phòng Giám sát thực hiện lập báo cáo chi tiết về tình hình hoạt động đối với từng đơn vị được phân công quản lý kết hợp với các thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng, thông tin trao đổi từ NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố để thực hiện đánh giá chi tiết đối với từng đơn vị QTDND.
Qua phân tích, đánh giá tình hình hoạt động của các đơn vị, Phòng đã phát hiện một số QTDND có biểu hiện yếu kém, vi phạm các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng. Phòng Giám sát cũng tham mưu cho BGĐ thành lập các đoàn công tác đi khảo sát và làm việc, trao đổi với NHNN Chi nhánh các tỉnh về tình hình hoạt động của một số đơn vị thuộc diện cảnh báo của BHTGVN và các đơn vị Chi nhánh phát hiện có những thay đổi đột biến về số liệu hoạt động. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát các QTDND xếp loại rủi ro từ nhóm 3 trở lên và các QTDND thuộc địa bàn cần quan tâm, nhằm ngăn ngừa và hạn chế rủi ro có thể xảy ra.
Từ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban lãnh đạo Chi nhánh và từ những việc làm cụ thể, công tác giám sát đã đạt thu được nhiều kết quả tốt, góp phần quan trọng vào sự phát triển của các QTDND. Các đơn vị vi phạm quy định của BHTGVN cũng như vi phạm các quy định của NHNN đã giảm dần, số đơn vị thực hiện đúng theo quy định tăng dần. Ý thức và trách nhiệm của các QTDND đã từng bước chuyển biến, tự giác thực hiện các quy định của Nhà nước về BHTG và chấp hành các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng. Điều này thể hiện hoạt động giám sát của Chi nhánh đã góp phần đưa chính sách BHTG của Nhà nước thực sự đến được với các QTDND trong khu vực, củng cố lòng tin của người gửi tiền đối với hệ thống QTDND. Từ đó, vốn huy động tiền gửi của hệ thống QTDND thuộc địa bàn Chi nhánh quản lý liên tục tăng trưởng hàng năm với mức tăng bình quân từ 12-25%; từ mức 6.280 tỷ đồng năm 2017, đến nay tổng vốn huy động của toàn địa bàn đã đạt 12.118 tỷ đồng. Cùng với sự tăng trưởng quy mô về vốn huy động, phí BHTG cũng có mức tăng trưởng hàng năm với tốc độ từ 12-24% với số phí thu được hằng năm từ 2017, 2018, 2019, 2020, 2021 lần lượt là 6,4 tỷ đồng, 9,8 tỷ đồng, 11 tỷ đồng, 13 tỷ đồng và 16,2 tỷ đồng.
Đối với công tác Cấp và thu hồi chứng nhận tham gia BHTG, trong 5 năm qua, Phòng Giám sát đã chủ động thông báo, hướng dẫn chi tiết, đồng thời hỗ trợ các QTDND trên địa bàn quản lý về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy chứng nhận tham gia BHTG, đảm bảo công tác này được thực hiện đúng quy trình, tiến độ và thời hạn. Thông qua việc cấp Chứng nhận tham gia BHTG, ý thức chấp hành quy định pháp luật về BHTG của các tổ chức tham gia BHTG được nâng lên, nhận thức của công chúng về quyền lợi của người gửi tiền được nâng cao.
Đối với công tác thông tin báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm, ngay từ những ngày đầu triển khai Quy chế thông tin báo cáo 2252 (năm 2018), Phòng Giám sát đã nghiên cứu phương pháp kết xuất số liệu, soạn thảo thành tài liệu hướng dẫn cụ thể phục vụ cho công tác triển khai hiệu quả Quy chế. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tham gia BHTG trên địa bàn triển khai hiệu quả Quy chế TTBC 2252 của BHTGVN. Song song với việc chủ động phối hợp với các đơn vị tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc triển khai Quy chế TTBC, Chi nhánh đã nhận được sự ủng hộ, hợp tác chặt chẽ của các đơn vị như: Cục Công nghệ tin học, NHNN Chi nhánh các tỉnh thuộc địa bàn Chi nhánh quản lý; các phòng ban liên quan BHTGVN và các đơn vị QTDND trên địa bàn. Từ những công việc và cách làm cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế công tác triển khai Quy chế TTBC 2252 của HĐQT BHTGVN tại Chi nhánh đã đạt được kết quả theo đúng yêu cầu mà Ban lãnh đạo BHTGVN đặt ra. Kết quả cho thấy, 100% các QTDND trên địa bàn đều chấp hành tốt việc gửi thông tin báo cáo. Ngoài ra, đối với các đơn vị thực hiện chưa tốt việc gửi thông tin báo cáo, phòng giám sát còn đề xuất đi thực tế nhằm hỗ trợ các đơn vị gặp khó khăn trong việc gửi và lập báo cáo, từ đó khắc phục tình trạng các QTDND gửi báo cáo không chính xác. Qua đó, chất lượng báo cáo ngày càng được nâng cao, số lượng báo cáo sai của các QTDND trên địa bàn quản lý giảm đáng kể. Nhìn chung, nhờ công tác giám sát từ xa và công tác kiểm tra tại chỗ, các đơn vị gửi báo cáo đã ý thức được trách nhiệm của mình trong việc lập và gửi báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm.
Đối với công tác thu phí, Phòng đã triển khai tốt Quy chế phí mới 1166/QĐ-BHTG, đồng thời chủ động hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện theo đúng quy định; chú trọng tăng cường hỗ trợ đối với các quỹ có sai phạm, giúp cán bộ quỹ hiểu rõ quy định về tính phí BHTG, đặc biệt là quy định về các đối tượng tiền gửi phải loại trừ và phương thức nộp phí. Kể từ khi thành lập và đi vào hoạt động cho dến nay, trong tất cả các kỳ thu phí hàng quý, tại Chi nhánh Tây Bắc Bộ không có tình trạng nộp chậm phí hay thiếu phí BHTG.
Trong 5 năm hoạt động, Phòng Giám sát Chi nhánh đã có 03 năm đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, được Chủ tịch HĐQT BHTGVN tặng giấy khen, Thống đốc NHNNVN và Chủ tịch UBND tỉnh phú Thọ tặng bằng khen, góp phần tích cực vào thành tích chung của Chi nhánh.
Để đạt được kết quả như trên,Phòng Giám sát Chi nhánh BHTGVN khu vực Tây Bắc Bộ đã rút ra những kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, việc lập kế hoạch giám sát: Được Phòng thực hiện theo nguyên tắc tập trung thống nhất nên tạo được sự nhất quán, đồng bộ cao.
Thứ hai, trong công tác tổ chức thực hiện giám sát từ xa: Nội dung giám sát được phòng thực hiện tốt, đã phát hiện được nhiều vi phạm và có hướng xử lý kịp thời. Số lượng vi phạm của các tổ chức tham gia BHTG cũng giảm dần trong những năm gần đây chứng tỏ hiệu quả giám sát từ xa ngày càng được nâng cao, phát huy tác dụng trong việc cảnh báo nguy cơ mất an toàn đối với QTDND. Việc nhận số liệu trực tiếp từ NHNN giúp Chi nhánh chủ động trong vấn đề tiếp nhận và xử lý nguồn thông tin của mình, cập nhật được các dữ liệu thông tin và chủ động kiểm tra tính chính xác của thông tin. Việc nhận các thông tin từ nhiều nguồn khác như NHNN, Trụ sở chính BHTGVN, các phương tiện truyền thông giúp cho việc đối chiếu, đảm bảo tính khách quan trong quá trình giám sát từ xa. Chất lượng báo cáo giám sát ngày càng được chi tiết hơn, cập nhật kịp thời ngững biến động bất thường của các QTDND để có biện pháp ứng phó kịp thời, phù hợp.
Thông qua hoạt động giám sát đã góp phần thay đổi theo hướng tích cực về nhận thức và hành vi của các QTDND trong việc chấp hành các quy định của pháp luật. Các QTDND được phân loại dựa trên mức độ an toàn và lành mạnh để từ đó có phương hướng và hình thức theo dõi bám sát tình hình hoạt động của các tổ chức một cách phù hợp.
Thứ ba, trong công tác kiểm tra đánh giá hoạt động giám sát từ xa:
Công tác kiểm tra, đánh giá hoạt động giám sát từ xa QTDND được lãnh đạo phòng cũng như Ban lãnh đạo Chi nhánh đặc biệt quan tâm. Căn cứ vào chỉ tiêu, đánh giá, kết quả thực hiện được báo cáo và cập nhật một cách đầy đủ.
Có thể khẳng định rằng, hoạt động giám sát từ xa của Chi nhánh đã trở thành một kênh thông tin quan trọng, đánh giá một cách khách quan thực trạng hoạt động và tính tuân thủ pháp luật của các hệ thống QTDND trên địa bàn. Những phân tích, đánh giá đó đã giúp tổ chức tham gia BHTG thấy được những vi phạm, yếu kém của mình để từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về BHTG và an toàn trong hoạt động ngân hàng
Thứ tư, phân công công việc rõ ràng và cụ thể cho từng cán bộ phù hợp theo năng lực và sở trường của từng cán bộ.
Việc phân công công việc rõ ràng và cụ thể giúp cán bộ dễ dàng nắm bắt công việc được giao, làm chủ được tình hình công việc và thực hiện có hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân đều được có thế mạnh và hạn chế nhất định, việc phân việc đúng năng lực cá nhân giúp khai thác, phát huy điểm mạnh của từng người và hơn thế giúp mỗi cán bộ thấy được sự đóng góp công sức của mình vào thành công chung của tập thể, tạo động lức tích cực cho mỗi cá nhân và tập thể.
Phân công phù hợp theo năng lực và sở trường của từng cán bộ cũng giúp cán bộ hỗ trợ nhau tốt hơn để thực hiện nhiệm vụ chung của phòng cũng như của Chi nhánh.
Thứ năm, xây dựng kế hoạch tổ chức công việc định kỳ cho từng tháng và quý đảm bảo tính khoa học, phù hợp với nhiệm vụ được giao; có sự kiểm điểm đánh giá kết quả và điều chỉnh thường xuyên và kịp thời.
Thứ sáu, thường xuyên tổ chức họp rút kinh nghiệm và động viên khuyến khích cán bộ chia sẻ, kinh nghiệm làm việc.
Thứ bảy, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban trong Chi nhánh, Trụ sở chính, NHNN tỉnh, thành phố và Chính quyền địa phương để thực hiện tốt công tác giám sát từ xa đối với QTDND trên địa bàn quản lý nhằm bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Chặng đường 5 năm hoạt động đã ghi nhận nhiều cố gắng nỗ lực của tập thể cán bộ, Ban lãnh đạo Chi nhánh nói chung, Phòng Giám sát nói riêng trong việc triển khai hiệu quả công tác giám sát các tổ chức QTDND thuộc địa bàn quản lý. Phát huy các kết quả đã đạt được trong thời gian tới, Chi nhánh BHTGVN khu vực Tây Bắc Bộ nói chung và phòng Giám sát Chi nhánh nói riêng sẽ tiếp tục bám sát định hướng phát triển của BHTGVN trên cơ sở tích cực tham gia góp ý đối với các văn bản hướng dẫn Luật BHTG và văn bản quản trị nội bộ BHTGVN; triển khai hiệu quả các quy trình nghiệp vụ đúng quy định pháp luật. Đồng thời, tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực của cán bộ, đẩy mạnh hoạt động chuyên môn nghiệp vụ nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần duy trì và nâng cao niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế trong quá trình hội nhập.