Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội. Theo quy định tại Nghị quyết 43, về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh: hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM) cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi…
Chuẩn bị sẵn sàng triển khai hỗ trợ phục hồi kinh tế
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện là đơn vị đầu mối xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chính sách hỗ trợ lãi suất từ Ngân sách nhà nước đối với khoản vay thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực kinh tế. Việc thực hiện chính sách cần có sự phối hợp giữa các Bộ, ngành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong xác định đối tượng hỗ trợ; Bộ Tài chính trong xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước; NHNN trong hướng dẫn các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay có hỗ trợ lãi suất.
Tại buổi thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại NHNN nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022, NHNN đã đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với NHNN để triển khai gói hỗ trợ 40 nghìn tỷ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo triển khai sớm, hiệu quả, đúng đối tượng, đúng mục tiêu.
Hiện nay, NHNN vẫn đang tích cực phối hợp các Bộ liên quan để tổ chức triển khai các nội dung Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời cũng chuẩn bị sẵn sàng các nội dung hướng dẫn TCTD trong triển khai cho vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thời gian qua, nhằm chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, NHNN đã nhiều lần giảm lãi suất điều hành (năm 2020, NHNN đã 3 lần giảm các mức lãi suất điều hành) và là ngân hàng trung ương có mức giảm lãi suất nhiều nhất trong khu vực. Năm 2021, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh. Theo Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), mặt bằng lãi suất huy động và cho vay cuối tháng 12/2021 giảm tương ứng 0,58% và 0,82% so với tháng 12/2020, như vậy mức giảm lãi suất cho vay cao hơn so với mức giảm lãi suất huy động. Lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của NHTM trong nước ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,3-3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,2-5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,3-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,1-6,9% đối với kỳ hạn trên 24 tháng; lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,3%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4,5%/năm).
Về tình hình giảm, hạ lãi suất cho vay, cho vay mới lãi suất thấp hơn trước dịch đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, theo báo cáo nhanh từ các TCTD, đến 27/12/2021, các TCTD đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 2,26 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,9 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt trên 7,6 triệu tỷ đồng cho khoảng 1,32 triệu khách hàng. Tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến 31/12/2021 của 16 ngân hàng là 21.244 tỷ đồng, đạt 105,13% so với cam kết. Như vậy, về tổng thể 16 ngân hàng đã tích cực thực hiện giảm lãi suất theo chỉ đạo của NHNN, vượt tổng số tiền cam kết đề ra.
Tại buổi thăm và chúc Tết ngành Ngân hàng Xuân Nhâm Dần 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đánh giá cao vai trò của ngành Ngân hàng đối với những thành tựu của đất nước. Ông nhận định: Những thành tựu và kết quả đạt được của đất nước có sự đóng góp trực tiếp và quan trọng của ngành Ngân hàng - một trong những ngành quan trọng, huyết mạch của nền kinh tế. Hoạt động của ngành góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối; phục vụ, bảo đảm cho các hoạt động, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân; góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Ngành đã triển khai các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh; ban hành chính sách hoãn giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí.
Thủ tướng đề nghị, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị trong ngành ngân hàng phải quyết tâm, nỗ lực, phấn đấu hơn nữa khi triển khai những nhiệm vụ hết sức chiến lược là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
"Đã đổi mới phải tiếp tục đổi mới, đã tiên phong phải tiếp tục tiên phong, ngành ngân hàng có hoạt động tốt thì nền kinh tế mới hoạt động tốt, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc và sự ấm no, hạnh phúc của người dân để chúng ta làm việc. Làm sao để mọi người dân, mọi doanh nghiệp được hưởng lợi từ hoạt động của ngành ngân hàng"- Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng đề nghị, thời gian tới, ngành Ngân hàng phải tiếp tục góp phần quan trọng, đắc lực cho việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, phục vụ hoạt động thông suốt của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là phục vụ hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, chương trình tổng thể phòng chống dịch, triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận thuận lợi nguồn vốn ngân hàng để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng lưu ý, cần có giải pháp phù hợp, hiệu quả để đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho xây dựng và phát triển đất nước; phải tập trung làm tốt công tác nghiên cứu chiến lược, dự báo, phân tích, bám sát tình hình, có giải pháp phù hợp, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững, đây là vấn đề hết sức chiến lược mà ngành ngân hàng phải làm tốt thì Đảng, Nhà nước, nhân dân mới có thể yên tâm.
Thủ tướng lưu ý một số nhiệm vụ như tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát rủi ro, kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất-kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ việc mua trái phiếu doanh nghiệp của các TCTD…
Tích cực phối hợp triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Năm 2022, bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế thế giới dự kiến tiếp tục phục hồi nhưng nhiều bất trắc và có sự phân hóa mạnh giữa các khu vực, phụ thuộc vào quá trình phổ quát vắc-xin. Giá hàng hóa cơ bản và lạm phát thế giới dự báo ở mức cao. Thị trường tài chính, tiền tệ thế giới có thể biến động phức tạp khi Fed dự kiến kết thúc các gói nới lỏng định lượng (QE) vào tháng 7/2022 và bắt đầu nâng lãi suất từ cuối năm 2022; xu hướng tăng lãi suất dự kiến được đẩy mạnh tại các nước đang phát triển khi kinh tế phục hồi và mở cửa trở lại.
Trong nước, tăng trưởng kinh tế dự kiến phục hồi nhờ các yếu tố quốc tế và trong nước, cụ thể các đối tác thương mại lớn phục hồi khá vững, việc tích cực thúc đẩy tiêm chủng trong nước giúp kiểm soát cơ bản dịch bệnh, tạo điều kiện mở cửa kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công và phát huy lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do. Mặc dù vậy, dịch bệnh khó lường với sự xuất hiện của biến chủng mới, nguồn cung vắc-xin hạn chế, tình trạng thiếu hụt lao động sẽ gây rủi ro, bất trắc đối với triển vọng tăng trưởng. Có thể nói, năm 2022, rủi ro lạm phát có nguy cơ tăng cao khi giá nguyên, nhiên, vật liệu của thế giới vẫn ở mức cao (chi phí đẩy) và áp lực phục hồi kinh tế trong nước nửa cuối năm 2022 (cầu kéo); xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia, độ trễ của các gói kích thích kinh tế khá lớn 2 năm qua sẽ tác động tới diễn biến lạm phát, thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước, nhất là khi nền kinh tế của chúng ta có độ mở cửa cao.
Để góp phần thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, NHNN cho biết:
Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế;
Điều hành chủ động linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước;
Ổn định thị trường tiền tệ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng, khuyến khích các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Điều hành các giải pháp tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng. Kiểm soát chặt chẽ cho vay ngoại tệ, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục đánh giá hoạt động tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, vai trò, khả năng phục hồi, phát triển bền vững của các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế để chỉ đạo các TCTD có chính sách ưu tiên, hỗ trợ và tập trung tín dụng nhằm góp phần khôi phục và phát triển kinh tế. Phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời tiếp tục theo dõi, đôn đốc các TCTD triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch và tổng hợp, theo dõi kết quả thực hiện Thông tư 01/TT/2020-NHNN và các chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội theo dõi, chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục đẩy mạnh triển khai cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất - kinh doanh; Chỉ đạo các TCTD tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”; Tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp; Đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng trong các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xây dựng nông thôn mới, CTMTQG giảm nghèo bền vững, CTMTQG phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền. Hỗ trợ và tạo điều kiện để các TCTD, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH0 thực hiện tốt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Phối hợp các bộ, ngành trong triển khai các nội dung của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại buổi làm việc của Thủ tướng với ngành Ngân hàng nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã đề nghị các Thủ trưởng các đơn vị thuộc NHNN luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu đơn vị trong việc triển khai, tổ chức nhiệm vụ được giao; thường xuyên theo dõi sát các diễn biến vĩ mô trong và ngoài nước, để chủ động tham mưu, đề xuất Ban Lãnh đạo các biện pháp, chỉ đạo kịp thời, đảm bảo đạt được các mục tiêu đề ra, đảm bảo thực hiện tốt vai trò chức năng của ngân hàng trung ưowng, cơ quan quản lý tiền tệ và hoạt động ngân hàng, thực hiện đúng yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các TCTD, Thống đốc đề nghị Chủ tịch Hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc chỉ đạo nhiệm vụ kinh doanh của tổ chức mình đảm bảo chủ trương, chính sách, quy định pháp luật, đặt an toàn hoạt động ngân hàng là ưu tiên hàng đầu, là cốt lõi, tạo nên hệ thống TCTD an toàn, hiệu quả, từ đó thực hiện tốt vai trò trung gian tài chính, trung chuyển vốn trong nền kinh tế, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ đa dạng tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19, cũng như tiếp tục chung tay cùng cả nước đảm bảo an sinh xã hội, ủng hộ công tác phòng chống dịch. Các đơn vị, cá nhân trong hệ thống dù ở bất cứ cương vị, nhiệm vụ công tác nào cũng cần phải cố gắng hết sức mình để thực hiện nhiệm vụ một cách xuất sắc, đóng góp chung vào những thành quả, dấu ấn của ngành ngân hàng để góp phần vào sự phát triển của đất nước.