PV: Thưa ông, Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Vậy làm thế nào để thúc đẩy mục tiêu này được như kế hoạch đặt ra, thưa ông?
Ông Bùi Quang Tiên: Ngày 30/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020, trong đó có mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Đây là một chỉ tiêu tổng hợp, cần phải kết hợp nhiều giải pháp khác nhau. Do vậy, Đề án đã đề ra 10 nhóm giải pháp nhằm đạt được mục tiêu chung của Đề án, cũng như mục tiêu về tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán. Để đạt được mục tiêu trên, cần triển khai đồng bộ cả 10 nhóm giải pháp đã đặt ra cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương và của cả hệ thống chính trị.
PV: Ông có thể cho biết thực trạng thanh toán qua các thiết bị chấp nhận thẻ toàn thị trường hiện nay như thế nào?
Ông Bùi Quang Tiên: Vừa qua, NHNN đã tập trung chỉ đạo phát triển thanh toán thẻ qua POS để nâng cao số lượng, giá trị giao dịch, đồng thời góp phần vào thúc đẩy TTKDTM. Đến nay, nhận thức chung của xã hội về thanh toán thẻ qua POS, nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn, một số tỉnh có lợi thế về du lịch đã có chuyển biến rõ nét và tích cực; số lượng, giá trị thanh toán qua POS tăng nhanh, hiệu quả và chất lượng hơn.
Đến cuối tháng 11/2016, toàn thị trường có khoảng trên 265.500 POS được lắp đặt (tăng khoảng trên 410% so với đầu 2011). Số lượng giao dịch qua POS đạt gần 86,5 triệu giao dịch (tăng khoảng 660% so với năm 2011), giá trị giao dịch đạt trên 225 nghìn tỷ đồng (tăng 293% so với năm 2011), chưa kể một số lượng lớn các giao dịch chấp nhận thẻ trực tuyến.
PV: Tại các đô thị, thế mạnh lớn nhất các dịch vụ qua thẻ, tuy nhiên, đối với các các dịch vụ như điện, nước, viễn thông, truyền thông... thì tỷ lệ thanh toán vẫn còn rất thấp. Theo ông đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
Ông Bùi Quang Tiên: Để đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân, nhiều ngân hàng thương mại đã bước đầu triển khai hiệu quả dịch vụ thanh toán tiền điện, tiền nước, cước phí điện thoại, viễn thông, truyền hình cáp, mua xăng dầu, phí bảo hiểm, thu học phí, phí giao thông không dừng, thu viện phí, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ... qua ngân hàng, giảm dần việc nhân viên các tổ chức cung ứng dịch vụ phải trực tiếp thu bằng tiền mặt.
Việc triển khai đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng và chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Thói quen, tâm lý sử dụng tiền mặt của người dân vẫn còn khá phổ biến. Một số yếu tố khác gây cản trở, e ngại, hạn chế sử dụng TTKDTM vẫn còn tồn tại như: lừa đảo qua mạng, trình độ văn minh thương mại, tâm lý ngại tiếp cận với công nghệ mới, lo ngại về an ninh an toàn….
PV: Đặt mục tiêu phát triển một số phương tiện và hình thức thanh toán mới hiện đại phục vụ cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhưng hiện nay, đa số người dân vẫn giao dịch buôn bán ở các chợ truyền thống, khoảng cách từ nhà đến các địa điểm chấp nhận thẻ rất xa. Vậy, để tăng tỷ lệ sử dụng hình thứcTTKDTM, theo ông, cần có những giải pháp cụ thể như thế nào?
Ông Bùi Quang Tiên: Mục tiêu, giải pháp phát triển một số phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại, phục vụ cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã được đặt ra tại Quyết định 2453/QĐ-TTg, NHNN cũng đã chỉ đạo xây dựng, triển khai Đề án thí điểm một số hình thức TTKDTM ở khu vực nông thôn và đã đạt được những kết quả khả quan ban đầu.
Đối với giai đoạn 2016-2020 (tại Quyết định 2545/QĐ-TTg), cần tập trung phát triển TTKDTM ở khu vực nông thôn để tăng cường tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính của người dân, nhất là khu vực chưa được tiếp cận các dịch vụ tài chính góp phần thúc đẩy Tài chính Toàn diện (Financial Inclusion) - một chủ đề đang được thế giới rất quan tâm, cũng như nhiều nước đang phát triển thực hiện thành công. Các nhóm giải pháp chính đươc đưa ra trong Đề án gồm:
- Ban hành các quy định pháp lý về hoạt động ủy thác thanh toán, cho phép các tổ chức không phải là ngân hàng tham gia vào việc cung ứng các dịch vụ thanh toán mới, mở rộng mạng lưới cung ứng dịch vụ ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa để thúc đẩy việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán;
- Đẩy mạnh phát triển, ứng dụng các phương tiện và mô hình thanh toán/chuyển tiền hiện đại, dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện ở nông thôn (thanh toán qua điện thoại di động, thiết bị kỹ thuật số…) nhằm thúc đẩy TTKDTM ở những khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và cả đối với những đối tượng chưa có tài khoản ngân hàng trên cơ sở sử dụng mạng lưới sẵn có của các tổ chức tín dụng, mạng lưới bưu điện, mạng lưới của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, một số tổ chức không phải ngân hàng khác, gắn với việc xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thúc đẩy Tài chính Toàn diện tại Việt Nam;
- Nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp xác thực, nhận biết khách hàng (KYC) hiện đại bằng phương thức điện tử phù hợp với địa bàn nông thôn để thúc đẩy việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán bán lẻ. Một giải pháp quan trọng khác nữa là tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn về TTKDTM đối với người dân, kể cả việc sử dụng các điểm bưu điện - văn hóa xã..., đặc biệt là tại các khu vực nông thôn, miền núi.
PV: Vậy, lộ trình của Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt sẽ được triển khai ra sao trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Bùi Quang Tiên: Tại Quyết định 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phân công, đề ra lộ trình cụ thể cho các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu nhằm đảm bảo triển khai có hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong Đề án. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành liên quan, các địa phương lồng ghép nhiệm vụ phát triển thanh toán không dùng tiền mặt vào các đề án, dự án, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bộ, ngành mình trong thời gian tới.
Về phía NHNN, Thống đốc NHNN sẽ ban hành kế hoạch triển khai Quyết định 2454/QĐ-TTg trong ngành ngân hàng, trong đó phân công nhiệm vụ, lộ trình cụ thể cho các Vụ, Cục, đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ được phân công trong Đề án.