Michael Spence, Hội đồng quan hệ đối ngoại
Nền kinh tế toàn cầu 2014 có thể sẽ thấy chiều hướng tăng trưởng khá cao sau khủng hoảng xuất hiện trở lại ở các nền kinh tế đang phát triển, tăng trưởng thực tiếp tục ở Mỹ và châu Âu vẫn rất thấp.
Nền kinh tế Mỹ hiện đang có tỷ lệ tăng trưởng thực từ 1,5% đến 2%, chủ yếu nhờ khu vực tư nhân linh hoạt hướng sang đáp ứng cầu nước ngoài trong các ngành xuất nhập khẩu. Những lực đẩy tích cực sẽ là mức tăng trưởng ở các thị trường mới trỗi dậy, đặc biệt là Trung Quốc, trong ngành năng lượng chi phí thấp từ khí đốt đá phiến và mức độ giảm đòn bẩy tài chính đáng kể ở hộ gia đình và ngành tài chính. Sức cản do chính sách tài khóa của chính phủ vẫn chưa hết, nên vẫn còn chiều hướng đầu tư không đúng mức của khu vực công, làm giảm tiềm năng tăng trưởng dài hạn.
Ở châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã bình ổn các thị trường nợ công quốc gia và rủi ro hệ thống hiện đã giảm đáng kể. Phần lớn khu vực Nam Âu có đơn phí lao động danh nghĩa cao hơn nhiều so với các mức sau cải cách của Đức, quá trình tái hội tụ với một tỷ giá hối đoái chung còn chậm và khó khăn, những cải cách để chuyển đổi cơ cấu sang các ngành xuất nhập khẩu vẫn còn hạn chế. Kết quả là sự tái cân đối cơ cấu ở châu Âu sẽ mất thời gian và mức tăng trưởng sẽ thấp trong và sau năm 2014.
Robert Kahn, Hội đồng quan hệ đối ngoại
Có lẽ thách thức nghiêm trọng nhất đối với châu Âu trong năm 2014 là khó khăn chính trị. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, chính sách thắt lưng buộc bụng đang gây phương hại đến khả năng người châu Âu sẵn sàng chấp nhận liên hiệp sâu rộng hơn, vốn là điều cần thiết để xử lý những vấn nạn kinh tế của châu Âu.
Mức tăng trưởng của khu vực dùng đồng euro có khả năng đạt 1% trong năm tới, sau hai năm giảm. Việc các ngân hàng tiếp tục giảm đòn bẩy tài chính sẽ tạo ra các rào cản đáng kể cho hồi phục kinh tế. Cần có cầu mạnh hơn để đẩy mạnh tăng trưởng và việc nới lỏng chính sách thắt lưng buộc bụng sẽ đáng hoan nghênh về mặt này. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng sẽ cần làm nhiều hơn để kích thích lượng vốn cho vay mới, đặc biệt là cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các nước thành viên nhỏ của khu vực này và cân nhắc nới lỏng cung tiền triệt để.
Liên hiệp ngân hàng sẽ là trọng tâm của các nỗ lực chính sách để xúc tiến liên hiệp tiền tệ trong năm 2014. Tiến trình do ECB dẫn đầu để kiểm tra khả năng chịu căng thẳng tài chính, nhất là trong các nỗ lực khôi phục lòng tin ở các ngân hàng của Châu Âu, sẽ cần luồn lách qua con đường hẹp để đạt mục tiêu.
Ernesto Talvi, Viện Brookings
Châu Mỹ La tinh, nhất là các nước như Brazil và Argentina vốn xuất khẩu hàng nguyên liệu và tài nguyên, ít phụ thuộc vào chu kỳ kinh tế Mỹ, đã có gần một thập niên tăng trưởng xuất sắc, với tăng gấp đôi mức trung bình dài hạn của khu vực này. Thời kỳ khả quan này được hỗ trợ bằng các chính sách kinh tế vĩ mô đúng đắn, nhưng chủ yếu được thúc đẩy bằng nguồn vốn rẻ nước ngoài dồi dào, giá cao của nguyên liệu và tài nguyên. Gần đây, tình hình tài chính quốc tế đã thắt chặt, do đó các nguồn tài chính và vốn quốc tế dự kiến sẽ trở nên hiếm hơn và đắt hơn.
Nguồn vốn tài chính nước ngoài ít hơn và đắt hơn nghĩa là các nước như Brazil – hiện đang chi nhiều hơn thu và dùng các nguồn nhập vốn nước ngoài với chi phí thấp để tài trợ cho mức bội chi đó – sẽ sớm phải điều chỉnh các tỷ lệ tăng tiêu dùng, đầu tư và chi tiêu công cộng. Điều đó sẽ hạn chế tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế. Những nước quản lý kinh tế yếu kém hơn, như Argentina và Venezuela, hiện đã ở trong trạng thái khủng hoảng.
Yukon Huang, Quỹ Carnegie về Hòa bình quốc tế
Hội nghị lần thứ 3 của TƯĐCS Trung Quốc đã vạch ra một khuôn khổ chính sách táo bạo để tiến đến con đường tăng trưởng bền vững hơn. Trong tương lai, nếu muốn tránh được “bẫy” thu nhập trung bình và duy trì tăng trưởng ở mức 7% cho những năm còn lại của thập niên này, Trung Quốc sẽ phải xử lý vấn đề nợ đang tăng và tăng đáng kể năng suất.
Gói kích thích kinh tế trị giá 600 tỷ Mỹ kim vào năm 2008 của Trung Quốc đã khiến tổng mức nợ của nước này tăng 50 điểm phần trăm, lên đến 200% GDP. Do Trung Quốc có tỷ lệ tiết kiệm cao và mức dự trữ khổng lồ, gánh nặng này có thể kham được miễn là tỷ lệ tăng trưởng kinh tế chỉ tiêu có thể được duy trì. Do vậy, một mối quan ngại lớn được nêu ra trong Hội nghị 3 là việc củng cố hệ thống tài khóa để các chính quyền địa phương không còn dựa vào tín dụng ngân hàng để có nguồn tài chính đáp ứng các nhu cầu chi tiêu căn bản của họ.
Nhưng thách thức lớn hơn là tăng năng suất, vì Trung Quốc trước đây dựa vào tỷ lệ đầu tư ngày càng tăng và khả năng dễ tiếp cận lao động chi phí thấp nhưng nay thì điều đó không còn phù hợp nữa. Hai lĩnh vực đầy hứa hẹn nhất của cải cách tăng năng suất là nguồn cung lao động dồi dào vẫn kẹt trong những hoạt động kinh tế nông thôn hay ở các thành phố nhỏ có năng suất thấp và tăng vai trò của các doanh nghiệp tư nhân có suất sinh lợi đầu tư gấp hai lần các doanh nghiệp nhà nước.
Mark Zandi, Moody’s Analytics
Xin đưa một dự báo táo bạo: Năm 2014, nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng nhanh nhất trong một thập niên do việc giảm dần chính sách tài khóa thắt lưng buộc bụng. Theo luật hiện hành – Quốc hội không có những thay đổi lớn về thuế và chi tiêu – những khó khăn do chính sách tài khóa sẽ nhanh chóng lắng xuống. Giới lập pháp sẽ lại cần nhất trí về việc giữ cho chính phủ tiếp tục hoạt động và nâng mức trần nợ công.
Sự hồi phục của thị trường nhà cũng sẽ góp phần tạo nên tăng trưởng sản lượng cao hơn. Sự tăng tốc của thị trường nhà phụ thuộc vào khả năng của Fed trong việc làm cho tốc độ tăng lãi suất trong tương lai phù hợp với thị trường việc làm đang cải thiện. Doanh số bán nhà sẽ không bị ảnh hưởng bởi lãi suất vay thế chấp (mortgage) cao hơn nếu mức thuê mướn lao động tăng mạnh và tỷ lệ thất nghiệp giảm đi giúp tăng thu nhập và sự lạc quan của người mua nhà.
Trên hết thảy, tâm lý lạc quan về năm 2014 dựa trên tình hình tài chính rất khả quan của các công ty, ngân hàng và hộ gia đình Mỹ. Các doanh nghiệp đã giảm chi phí của họ và đang có lợi nhuận ở mức kỷ lục. Các ngân hàng đã tái cấp vốn và có tính thanh khoản cao. Và các hộ gia đình đã giảm các mức nợ nần của mình và vay được vốn với lãi suất cố định ở mức thấp kỷ lục.