“Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã nỗ lực trong nhiều năm qua để thành lập hệ thống BHTG. Hiện nay, chúng tôi chỉ đợi thời điểm để công bố”, ông Pan khẳng định như vậy tại phiên thảo luận của Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc thường niên (CPPCC). Chính sách cho phép các ngân hàng được phá sản (cơ chế rời bỏ thị trường) có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang xúc tiến mạnh mẽ những cải cách theo hướng thị trường trong một số lĩnh vực.
BHTG bảo vệ người gửi tiền khỏi những thiệt hại do các ngân hàng bị mất khả năng thanh toán. BHTG là một phần của mạng lưới an toàn tài chính góp phần tăng cường sự ổn định của hệ thống tài chính.
Ngân hàng Trung ương cho rằng cải cách tài chính của đất nước phải được tiến hành một cách phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của hệ thống thương mại và thị trường. Ông An Qilei, Phó Vụ trưởng Vụ ổn định Tài chính Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nhấn mạnh: Hệ thống BHTG sẽ dựa trên mô hình mà Ngân hàng Trung ương đã sử dụng khi xử lý công ty chứng khoán ở Thẩm Quyến đổ vỡ vào năm 2004. Mô hình này thể hiện: bất kỳ gói cứu trợ chính thức cho các ngân hàng gặp khó khăn và người gửi tiền sẽ được dựa trên nguyên tắc “không lãi suất, chiết khấu vốn gốc và hạn chế mua”. Ông Liu Mingkang, nguyên Chủ tịch Ủy ban quản lý ngân hàng Trung Quốc đồng thời là một thành viên của CPPCC mong đợi quá trình tự do hóa lãi suất được thực hiện trong năm nay khi Chính phủ đặt ra nhiệm vụ cải cách tiền tệ trong báo cáo công tác thường niên.