NHTW Trung Quốc (PBOC) vừa có động thái giảm lãi suất lần thứ ba trong 6 tháng gần đây, trong nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế đang bị đe dọa bởi núi nợ treo lơ lửng, thị trường bất động sản xuống dốc và tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ.
Theo thông báo từ PBOC, lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm sẽ giảm 0,25 điểm phần trăm, xuống còn 5,1%. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm cũng giảm tương đương, xuống còn 2,25%. Lãi suất mới có hiệu lực từ hôm nay (11/5).
Trong một bước tiến khác nhằm tự do hóa lãi suất, PBOC sẽ nâng mức trần lãi suất mà các ngân hàng có thể trả cho người gửi tiền tiết kiệm.
Tuần trước cơ quan thống kê của Trung Quốc đã công bố các báo cáo cho thấy lạm phát của nước này chỉ bằng một nửa mục tiêu trong khi cả xuất khẩu và nhập khẩu đều sụt giảm trong tháng 4. Những số liệu này nhấn mạnh những khó khăn mà kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt trên con đường vươn tới mục tiêu tăng trưởng 7% mà Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đề ra.
Với dòng vốn chảy ra nước ngoài ngày càng nhiều và các chính quyền địa phương đang ở trong quá trình dọn sạch nợ đầy phức tạp, các chuyên gia kinh tế dự báo PBOC sẽ phải nới lỏng chính sách hơn nữa.
“Nền kinh tế cần đến những biện pháp kích thích để quay trở lại quỹ đạo”, Frederic Neumann – chuyên gia kinh tế đến từ ngân hàng HSBC – nhận định. “Tuy nhiên nới lỏng tiền tệ cũng không thể giải quyết vấn đề hoàn toàn, Trung Quốc cũng cần đến một lực đẩy về tài khóa để tạo ra lực cầu bền vững”.
PBOC vẫn còn nhiều dư địa để sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ, tờ China Securities Journal bình luận trên trang nhất.
Kể từ đầu năm đến nay, ít nhất 30 quốc gia trên toàn thế giới đã thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ do giá hàng hóa giảm tạo dư địa để kích thích kinh tế. Động thái mới nhất của Trung Quốc cũng thể hiện sự lệch pha giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giớ khi Cục dự trữ liên bang Mỹ được dự báo trong năm nay sẽ nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2006.