Vai trò của Tổ chức BHTG
Tính đến nay hoạt động BHTG trên thế giới đã có lịch sử trên 70 năm. Hậu quả để lại sau cuộc Đại suy thoái những năm 1929-1933 đặt ra nhu cầu cần thiết phải xây dựng một tổ chức tài chính có vai trò chuyên biệt trong việc bảo vệ, duy trì niềm tin của người gửi tiền cũng như phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước góp phần ổn định hệ thống tài chính.
Tổ chức BHTG với tư cách là một tổ chức bảo hiểm, hoạt động theo nguyên lý của bảo hiểm. Tuy nhiên, trong kinh tế hiện đại, tổ chức BHTG không chỉ là một tổ chức bảo hiểm đơn thuần, làm nhiệm vụ thu phí của số đông tổ chức tham gia bảo hiểm để bù đắp, khắc phục hậu quả cho một số ít tổ chức bị rủi ro. Tổ chức BHTG có vai trò quan trọng trong việc tham gia giám sát hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG để phòng ngừa rủi ro, góp phần bảo đảm an toàn của hệ thống tài chính - tiền tệ quốc gia. Xuyên suốt quá trình phát triển của hệ thống tài chính hiện đại, các nhà hoạch định chính sách coi BHTG là một công cụ quan trọng nhằm bảo vệ người gửi tiền và góp phần duy trì ổn định hệ thống tài chính. Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính, vai trò của tổ chức BHTG càng trở nên đặc biệt quan trọng với việc xử lý ngân hàng đổ vỡ, ngăn ngừa hiện tượng hoảng loạn rút tiền hàng loạt và đổ vỡ hệ thống.
Xu hướng thiết lập và điều chỉnh nâng cao vai trò tổ chức BHTG trên thế giới sau khủng hoảng
Nhìn lại lịch sử phát triển hoạt động BHTG trên thế giới cho thấy xu hướng thiết lập các hệ thống BHTG thường trở nên mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong các giai đoạn trong và sau khủng hoảng tài chính. Trong hai thập kỷ 1960-1970, hệ thống BHTG đã được thành lập và phát triển ở một loạt các nước như Na Uy (1961), Ấn Độ, Philippin (1963), Đức (1966), Canada (1967), Nhật Bản (1971). Ở Châu Á, trong giai đoạn trong và sau khoảng hoảng tài chính, một làn sóng mạnh mẽ thiết lập hệ thống BHTG ở các quốc gia như Đài Loan 1985, Hàn quốc 1996, Indonesia, Hong Kong 2004, Việt Nam 2000. Đặc biệt, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua 2007-2010, khối BRICS (gồm 5 quốc gia đang phát triển hàng đầu thế giới) Nga, Ấn Độ và Brazil đã thiết lập hệ thống BHTG trong khi Nam Phi cũng đang rục rịch triển khai. Việc số lượng các quốc gia thành lập hệ thống BHTG tăng mạnh trong thời gian qua khẳng định các nhà hoạch định chính sách đã nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động BHTG.
Bên cạnh xu thế thiết lập mới hệ thống BHTG, thế giới cũng chứng kiến những cuộc cải cách hệ thống BHTG mạnh mẽ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 – 2010. Một số quốc gia có hệ thống BHTG đã đưa ra biện pháp nhằm tăng cường năng lực cho tổ chức BHTG như: thông qua việc ban hành, sửa đổi bổ sung luật, chính sách BHTG; nâng hạn mức chi trả BHTG; điều chỉnh tỉ lệ phí; … Qua đó, bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền cũng như tham gia tích cực vào quá trình củng cố hệ thống ngân hàng, duy trì sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống tài chính.
Cơ quan lập pháp Macao đã phê chuẩn trên nguyên tắc Luật về Chương trình bảo vệ người gửi tiền vào tháng 10/2011 sau khi đã áp dụng Chương trình BHTG tạm thời được áp dụng trong khủng hoảng (10/2008). Theo dự thảo Luật, người gửi tiền có thể nhận được số tiền chi trả BHTG lên mức 500.000 MOP (tiền Macao) tương đương với 63.000 USD theo tỉ giá hiện hành cho mỗi tài khoản khi một ngân hàng bị đổ vỡ. Theo cơ quan quản lý tài chính Macao, khoảng 95% tổng tiền gửi tại các ngân hàng ở Macao sẽ được Chương trình này bảo vệ.1
Ở Úc, hạn mức BHTG ở mức 1 triệu đô la Australia (được áp dụng trong thời gian khủng hoảng tài chính toàn cầu) để đối phó với tình hình bất ổn của nền kinh tế thế giới. Sau đó, hạn mức này được điều chỉnh xuống 250.000 đô la Australia áp dụng từ 1/2/2012. Hạn mức mới vẫn ở mức cao đủ để đảm bảo toàn bộ 99% số tài khoản và 82% tổng giá trị tiền gửi.2
Tại Mỹ, Tổng công ty BHTG Liên bang Mỹ (FDIC) cũng thực hiện hàng loạt các biện pháp để bảo vệ người gửi tiền nhằm đem lại sự ổn định cho thị trường tài chính nước này. Chính quyền tổng thống Mỹ đã chính thức công bố mua lại 1000 tỷ USD tài sản xấu để giúp các ngân hàng phục hồi lại bảng cân đối kế toán. Các biện pháp của FDIC được sử dụng kết hợp một cách linh hoạt, thực thi để giải cứu và ổn định hệ thống ngân hàng, chẳng hạn như FDIC không chỉ được trao quyền lực đảm bảo tiền gửi ngân hàng, bảo vệ người gửi tiền, kiểm tra và giám sát hoạt động của các tổ chức tài chính, trực tiếp xử lí đổ vỡ ngân hàng và sắp xếp các đợt mua bán sáp nhập… mà còn quy định thêm chức năng quản lý và giải cứu khủng hoảng.
Ngoài ra, một xu thế mới hình thành khi liên minh Châu Âu nhất trí hình thành cơ chế BHTG xuyên quốc gia (Cross-border Deposit Insurance) thông qua việc lập ra quy chế giám sát chung nhằm giám sát những ngân hàng trong khu vực EU và các tổ chức tín dụng khác.
Điều này thể hiện sự gắn kết, hợp tác và thống nhất giữa các thành viên trong mạng lưới an toàn tài chính quốc gia bao gồm Ngân hàng Trung ương, Bộ tài chính, Cơ quan giám sát và tổ chức BHTG.
Như vậy, có thể thấy BHTG là một trong những giải pháp được đa số các quốc gia quan tâm và vận dụng trong giai đoạn trong và sau khi xảy ra khủng hoảng, nhằm hạn chế và giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến nền kinh tế và người dân cũng như phòng tránh rủi ro có thể xảy ra.
Nhu cầu thiết lập hệ thống BHTG ở Trung Quốc
Trung Quốc là quốc gia được đánh giá có sự tăng trưởng nhanh chóng và những bước phát triển mạnh mẽ trong suốt hai thập niên qua. Song, chính sức tăng trưởng nhanh và quá nóng này đang ẩn chứa những rủi ro tiềm tàng.
Đối với nền kinh tế nói chung: Trung Quốc đang đối mặt với rủi ro ngày càng lớn về một cuộc khủng hoảng tài chính mang tính chất hệ thống. Chính sách tiền tệ lỏng lẻo có khả năng đẩy lạm phát tăng cao và tình trạng vay nợ tràn lan trong nền kinh tế, khiến quy trình giảm nợ về sau tiềm ẩn những khả năng “công phá” nền kinh tế mạnh hơn. Mức độ vay nợ, một chỉ số hàng đầu về mức độ căng thẳng tài chính và được xác định bằng tỷ lệ giữa dư nợ tín dụng trong nước với tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đã đạt mức cao nhất kể từ khi các số liệu được ghi chép vào năm 1978. Tỷ lệ này đạt mức 121% vào thời điểm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Đến năm 2012, chỉ số này tăng lên mức 155% do chính sách tài khóa và tiền tệ của Bắc Kinh nhằm hỗ trợ tăng trưởng3. Nếu làm một phép so sánh, “mức độ vay nợ của Trung Quốc đã tăng thêm 34% GDP trong vòng 5 năm, trong khi đó mức độ vay nợ của Mỹ đã tăng khoảng 30% GDP trong vòng 5 năm trước khi khủng hoảng bùng nổ. Điều này cho thấy đây là một tín hiệu đáng ngại”, theo báo cáo của Nomura. 4
Thêm nữa, kinh tế Trung Quốc đang phải đương đầu với một số vấn đề mất cân bằng. Trước tiên là sự mất cân đối giữa kinh tế nông thôn và thành thị. Sau 3 thập niên cải cách, khoảng cách giữa hai khu vực này ngày càng bị nới rộng. Tỷ trọng của kinh tế nông thôn trong hoạt động kinh tế tổng thể bao giờ cũng nhỏ hơn. Thứ hai là sự mất cân đối giữa các vùng miền. Càng đi sâu vào đất liền, kinh tế càng lạc hậu, chất lượng kinh tế mỗi nơi vẫn khác biệt rất lớn. Sự mất cân đối thứ ba là trong phân phối thu nhập. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng. Tất cả những điểm trên cho thấy kinh tế Trung Quốc đang trong xu thế tăng trưởng kém cân bằng, khủng hoảng kinh tế trong tương lai gần có thể xảy ra.
Đối với hệ thống Ngân hàng thương mại (NHTM): Các vấn đề hệ thống NHTM Trung Quốc đang phải đối mặt là dư nợ tín dụng cao kỷ lục cùng với nợ xấu gia tăng và sự che đậy thông tin. Việc cải cách cơ cấu tài chính theo định hướng thị trường, khiến sức tăng trưởng chậm lại cùng lợi nhuận và làm tăng các khoản nợ xấu. Theo phân tích của trang tin kinh tế Bloomberg, số nợ xấu của 4 ngân hàng hàng đầu Trung Quốc đã lên tới con số 330 tỷ Nhân dân tệ - mức cao nhất kể từ năm 2010. 5
Để giảm thiểu tác động của nợ xấu, Chính phủ Trung Quốc đã có kế hoạch cắt giảm sản lượng tại các nhà máy, đồng thời yêu cầu ngân hàng tăng cường thêm nguồn vốn dự trữ rủi ro. Nhìn chung, hoạt động các ngân hàng thương mại Trung Quốc cho thấy lợi nhuận sụt giảm và tỷ lệ nợ khó đòi gia tăng, cho dù tình hình hoạt động thực tế hiện nay khá hơn mức trông đợi.
Cùng với mức tăng trưởng tín dụng đã lên mức rất cao, dư nợ của các ngân hàng cho vay đối với lĩnh vực kinh tế tư nhân cũng tương đương với 135,7% GDP tại thời điểm cuối năm 2012, mức cao thứ ba trong số các thị trường mới nổi được tổ chức Fitch xếp hạng.6
Ngoài ra, tổng dư nợ tín dụng trong nền kinh tế, bao gồm các dạng khác nhau của “tín dụng đen”, có thể đã chạm mức 198% GDP của cuối năm 2012, tăng mạnh so với mức 125% GDP thời điểm cuối năm 2008. “Sự mở rộng của các hình thức tín dụng khác ngoài tín dụng ngân hàng chính là một nguồn rủi ro ngày càng lớn đối với nguy cơ bất ổn tài chính”, theo Fitch.7
Về công bố thông tin: những dữ liệu chính thức không nhất quán của chính phủ có thể giải thích vì sao giá các loại hàng hóa như dầu, than và đồng lao dốc cho dù theo các con số thông kê thì kinh tế chỉ giảm tốc rất nhẹ. Nghiên cứu của ngân hàng Mỹ Goldman Sachs cùng các định chế khác những năm qua cho thấy, các nhà thống kê Trung Quốc thường làm đẹp số liệu tăng trưởng các quý, báo cáo tốc độ tăng trưởng thấp hơn thực tế khi kinh tế tăng trưởng nóng và thổi phồng các dữ liệu này khi đối mặt suy giảm. Với hệ thống tài chính nói chung và ngân hàng nói riêng, tính công khai minh bạch là tiêu chí luôn được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy việc ra đời một cơ quan chuyên biệt tham gia vào quá trình giám sát rủi ro hoạt động của các tổ chức tài chính, bảo vệ quyền lợi và nâng cao niềm tin người gửi tiền được cho là càng sớm càng tốt.8
Mặc dù chưa chính thức công bố, song theo ý kiến của chuyên gia Trung Quốc Ngô Tiểu Linh, thành viên Uỷ ban nhân dân quốc gia Thường vụ Quốc hội và là cựu Phó thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết: “Cơ chế BHTG sẽ có vai trò là một trụ cột trong mạng an toàn tài chính. Thành lập hệ thống BHTG là một bước đi quan trọng trong kế hoạch cải tổ ngành ngân hàng. Sự ra đời của một hệ thống BHTG công khai sẽ góp phần vào tiến trình tự do hóa tài chính hơn nữa”.
Tất cả những điều này cho thấy nhu cầu thiết lập một hệ thống BHTG tại Trung Quốc vào thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết. Đây là thời điểm vàng để triển khai cơ chế chính sách nhằm bảo vệ người gửi tiền, thành phần quan trọng của nền kinh tế, góp phần ổn định, duy trì sự phát triển bền vững của kinh tế Trung Quốc nói riêng và toàn Châu Á nói chung.
Nguồn tham khảo:
2..http://english.peopledaily.com.cn/90778/7703124.html
3. www.xinhuanet.com/english/
4. http://www.ba.org.tw/index-eng.aspx
5. www.chinadaily.com.cn/
7. http://www.bloomberg.com/tv/
8. Anginer, Deniz; Asli Demirguc-Kunt and Min Zhu, forthcoming, “How Does Deposit Insurance Affect Bank Risk? Evidence from the Recent Crisis” Journal of Banking and Finance.
9. Demirgüç-Kunt, Asli, Baybars Karacaovali and Luc Laeven, (2005), "Deposit Insurance around the World: A Comprehensive Database," Policy Research Working Paper #3628, Washington, DC: World Bank.
10. http://www.iadi.org/docs/printable%20version_Nov2012.pdf