Kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, làm tốt công tác truyền thông chính sách sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực hiện các chính sách. Truyền thông chính sách tốt là giải pháp quan trọng để đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống. Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách nêu rõ: Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, công tác truyền thông chính sách cần được chú trọng, nâng cao tính chuyên nghiệp trong toàn hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc thực thi chính sách.
Trong bối cảnh Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” và Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) đang được tích cực triển khai, vai trò tham gia vào quá trình tái cơ cấu các TCTD của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) được mở rộng hơn, thì tuyên truyền chính sách BHTG khi có TCTD yếu kém, đổ vỡ, cần tái cơ cấu là một vấn đề đáng quan tâm.
Tại Việt Nam, Luật BHTG quy định hoạt động tuyên truyền chính sách BHTG là một nghiệp vụ của BHTGVN. Theo quy định tại Luật BHTG, BHTGVN có nhiệm vụ “tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHTG; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về BHTG”. Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, với nhiều phương thức tuyên truyền chính sách BHTG được triển khai ngày càng đa dạng nhằm tiếp cận được nhiều đối tượng công chúng, BHTGVN đã đưa chính sách BHTG lan tỏa rộng rãi, đáp ứng được nhu cầu thông tin ngày càng lớn của người gửi tiền, góp phần tác động tới các cơ quan chức năng nhằm hoàn thiện chính sách BHTG.
Giữ trọn niềm tin, từ đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền
Vai trò của truyền thông về BHTG là hết sức quan trọng, không chỉ giúp tổ chức BHTG xây dựng hình ảnh của mình với cộng đồng mà còn giúp tăng cường niềm tin và tri thức về tài chính ngân hàng cho người gửi tiền, góp phần duy trì ổn định xã hội.
Thực tế, người dân rất cần tìm hiểu về chính sách BHTG, vì một khi hiểu và có kiến thức, biết được vai trò quan trọng của chính sách này đối với quyền lợi của mình thì sẽ có lợi không chỉ cho bản thân người dân, mà còn có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước cũng như các TCTD. Hiểu biết đầy đủ, chính xác về chính sách BHTG sẽ giúp người dân có trách nhiệm khi lựa chọn và gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG, hạn chế tình trạng một số TCTD dùng biện pháp cạnh tranh bằng lãi suất cao để lôi kéo khách hàng gửi tiền.
Trong nền kinh tế thị trường, lãi suất cao thường đi đôi với rủi ro lớn. Luật Các TCTD năm 2017 đã mở ra hướng cho phép các tổ chức tín dụng phá sản khiến người dân cũng sẽ cân nhắc khi lựa chọn ngân hàng để gửi tiền. Bên cạnh đó, điều này cũng buộc BHTG Việt Nam phải có trách nhiệm với người dân khi TCTD đổ vỡ và tương tự, TCTD nhận tiền gửi của người dân cũng phải có trách nhiệm với đồng tiền người dân gửi vào.
Theo số liệu khảo sát sơ bộ gần đây của BHTGVN, phần lớn người gửi tiền biết tới thông tin chính sách BHTG qua nơi gửi tiền (59%); khoảng 35% thông qua bạn bè, người thân; 25% thông qua truyền hình, phát thanh; 19% qua kênh báo chí, mạng xã hội và 8% qua các sự kiện tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi tại địa phương. Như vậy có thể thấy, các tổ chức nhận tiền gửi đóng vai trò rất lớn trong việc làm cầu nối thông tin giữa chính sách và người gửi tiền, tiếp đó là qua các mối quan hệ xã hội như bạn bè, gia đình. Truyền hình, phát thanh cũng là những kênh truyền thông mang lại hiệu quả tích cực trong việc phổ biến kiến thức về chính sách BHTG đến người gửi tiền.
Cũng theo khảo sát, người gửi tiền cho biết họ muốn được tiếp cận thông tin qua các kênh theo thứ tự như sau: Truyền hình (50,5%), mạng xã hội (44%), các ứng dụng trên điện thoại di động (36,9%), báo điện tử (34,9%), website BHTGVN (34,2%), sự kiện truyền thông do BHTGVN tổ chức (32%), phát thanh (19,6%), báo giấy (13,9%), loa phát thanh tại nơi cư trú (13,2%), tờ rơi (10,4%). Như vậy, nhu cầu của người gửi tiền tập trung cao nhất ở các kênh như truyền hình, mạng xã hội, ứng dụng trên điện thoại di động, báo điện tử, website BHTGVN và sự kiện truyền thông do BHTGVN tổ chức.
Hiện nay, BHTGVN đang tích cực sử dụng website của mình như một kênh thông tin hữu hiệu, bởi 60% người gửi tiền tham gia khảo sát cho biết họ có truy cập vào website www.div.gov.vn để tìm kiếm thông tin. Điều này cho thấy nhu cầu thông tin về BHTG và tài chính – ngân hàng của người gửi tiền là rất lớn. Trong thời gian qua, BHTGVN đã tập trung khai thác, xây dựng, phổ biến các thông tin đa dạng, phong phú về cả BHTG và tài chính - ngân hàng trên website của mình để đáp ứng nhu cầu của người gửi tiền.
Khác với những loại hình bảo hiểm thương mại khác, mục tiêu cốt lõi mà BHTGVN hướng tới không phải là “bán” một loại sản phẩm cụ thể nào, mà nhằm xây dựng và giữ trọn niềm tin của người gửi tiền, để từ đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Trên cơ sở kết quả khảo sát cũng như quá trình triển khai tuyên truyền thực tế, BHTGVN đã nắm bắt được nhu cầu thông tin cũng như mong muốn tiếp cận thông tin chính sách BHTG của người gửi tiền nên đã và đang triển khai đồng bộ, hiệu quả các hình thức tuyên truyền qua nhiều kênh phương tiện khác nhau.
Tại Việt Nam, BHTGVN đã và đang dần đa dạng hóa, hiện đại hóa các hoạt động tuyên truyền chính sách BHTG. Bên cạnh các hình thức tuyên truyền truyền thống, BHTGVN cũng chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thông qua website của BHTGVN, các thông tin về BHTG trong và ngoài nước được cập nhật liên tục, nội dung đa dạng, phong phú, hướng đến nhiều đối tượng công chúng khác nhau. Năm 2021, BHTGVN phối hợp tuyên truyền trên chương trình “Tay hòm chìa khóa” với hình thức thể hiện sinh động dưới dạng đồ họa đã góp phần lan tỏa chính sách BHTG đến gần hơn với công chúng.
Bên cạnh đó, BHTGVN tiếp tục thực hiện lồng ghép tuyên truyền trong các sự kiện Đại hội thường niên QTDND, trong hoạt động thường kỳ, sinh hoạt chuyên đề của các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội tại địa phương như Hội nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc…qua đó đáp ứng nhu cầu tuyên truyền trực tiếp tới người gửi tiền ở khu vực nông thôn, người gửi tiền tại các QTDND.
Song song với kênh truyền thông này, QTDND cũng triển khai tuyên truyền những nội dung cốt lõi của chính sách BHTG một cách linh hoạt qua các kênh truyền hình có độ phủ sóng rộng rãi, qua các kênh hệ VOV quốc gia dưới nhiều hình thức thể hiện khác nhau, như: chương trình đối thoại trường quay, gameshow, phát phóng sự và tiểu phẩm tuyên truyền… Đây cũng là sự đổi mới trong phương thức tuyên truyền chính sách BHTG những năm gần đây, mang lại hiệu ứng tuyên truyền rất tích cực tới nhiều đối tượng người gửi tiền tại mọi vùng, miền đất nước.
Cùng với việc triển khai đồng bộ các phương thức tuyên truyền, những năm gần đây, BHTGVN cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền chính sách BHTG tới lãnh đạo và cán bộ của các tổ chức tham gia BHTG, đặc biệt là QTDND để các đối tượng này có hiểu biết chính xác về BHTG, qua đó có thể tư vấn cho người gửi tiền tại quầy giao dịch. Đây là con đường ngắn nhất, thiết thực nhất giúp củng cố niềm tin người gửi tiền.
Không chỉ vậy, tuyên truyền chính sách BHTG thông qua hệ thống Bưu điện Việt Nam (đặt standee, dán poster có các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG, liên quan trực tiếp tới quyền lợi của người gửi tiền tại các điểm giao dịch bưu điện,…) đã được BHTGVN triển khai, nhờ đó tiếp cận với số lượng lớn người gửi tiền tại nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa...
Bên cạnh các nội dung tuyên truyền về chính sách, một đối tượng công chúng tiềm năng được BHTGVN tích cực tiếp cận và đã bước đầu mang lại hiệu quả truyền thông mạnh mẽ là sinh viên các trường đại học, cao đẳng, đặc biệt là sinh viên các khoa kinh tế - ngân hàng. Công tác truyền thông tới đối tượng này giúp các em có cái nhìn đúng, chính xác về BHTG, qua đó, các em có thể tư vấn được cho gia đình, người thân cũng như là tiền đề kiến thức cho quá trình hoạt động tại các tổ chức tài chính trong tương lai...
Có thể thấy, nỗ lực đổi mới trong công tác phổ biến chính sách của BHTGVN đang ngày một đáp ứng được nhu cầu tăng dần thông tin chính sách BHTG của người dân, góp phần củng cố lòng tin của người gửi tiền qua nhiều phương thức truyền thông đa dạng và những hoạt động nghiệp vụ được triển khai thường xuyên. Điều này góp phần quan trọng trong hành vi, thói quen ứng xử của người gửi tiền khi có những thông tin mang hướng tiêu cực trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Nếu truyền thông chính sách BHTG hiệu quả sẽ giúp người gửi tiền bình tĩnh, sáng suốt trước những tin đồn thất thiệt, giúp họ hiểu được các kỹ năng gửi tiền an toàn, có niềm tin vào chính sách của Nhà nước, tránh nguy cơ rút tiền hàng loạt, nhờ đó góp phần vào sự ổn định hệ thống, an toàn hoạt động ngân hàng.
Cần xây dựng chiến lược truyền thông bài bản phù hợp Chiến lược phát triển BHTG
Chiến lược truyền thông đóng vai trò quan trọng để ngăn ngừa khủng hoảng, bảo vệ người gửi tiền và ổn định hệ thống tài chính - ngân hàng. Bản thân sự hiện diện của tổ chức BHTG và các hoạt động truyền thông của họ là công cụ giúp tăng niềm tin của người dân vào các TCTD, tránh hiện tượng rút tiền hàng loạt. Khi xảy ra khủng hoảng hệ thống, tổ chức BHTG cần đảm bảo rằng người gửi tiền nắm bắt và hiểu rõ về các giải pháp mà cơ quan có thẩm quyền - trong đó có tổ chức BHTG - triển khai để xử lý khủng hoảng và bảo vệ họ. Người gửi tiền cần được biết nhiều thông tin hơn về an toàn tiền gửi, nguyên nhân và chính sách xử lý khủng hoảng, cũng như vai trò của tổ chức BHTG. Do đó, tổ chức BHTG cũng cần xây dựng kế hoạch truyền thông dự phòng riêng, trong đó nêu rõ khả năng ứng phó thực tế khi xảy ra khủng hoảng, đảm bảo nội dung truyền thông thống nhất và tần suất cập nhật thông tin chính xác, liên tục cho người gửi tiền.
Để ngăn ngừa trường hợp rút tiền hàng loạt, việc truyền tải thông điệp tích cực và cung cấp thông tin chính xác cho công chúng là một nhân tố thiết yếu của quản lý khủng hoảng. Khi ấy, chính sách truyền thông phải đáp ứng mục đích nhanh chóng, kịp thời, giảm bớt tâm lý tiêu cực của người gửi tiền. Các chiến dịch truyền thông cần triển khai rộng và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tham gia BHTG, các cơ quan thông tấn báo chí.
Trong bối cảnh hiện nay, khi niềm tin của người dân bị ảnh hưởng liên quan đến thị trường trái phiếu và bán bảo hiểm qua ngân hàng, vai trò của công tác truyền thông BHTG càng quan trọng, qua đó giúp củng cố và nâng cao niềm tin người gửi tiền, trang bị cho người dân thêm kiến thức, kỹ năng trong tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính-ngân hàng, lựa chọn kênh đầu tư phù hợp, đặc biệt là gửi tiết kiệm an toàn. Để phát huy hơn nữa vai trò của truyền thông BHTG, tổ chức BHTG cần có chiến lược truyền thông bài bản, hướng đến nhiều đối tượng công chúng (trong đó có người yếu thế, người dân vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn, giới trẻ…), cần cách thức thể hiện dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng, dễ lan tỏa. Đặc biệt, cần có kế hoạch truyền thông cho từng thời điểm, giai đoạn đảm bảo phù hợp, hiệu quả.
Chẳng hạn, trong giai đoạn ổn định, việc tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTG cần được triển khai thường xuyên, định kỳ qua nhiều kênh truyền thông đại chúng phù hợp với các đối tượng mục tiêu. Ngoài ra, cần quan tâm đến việc tổ chức các khóa đào tạo nhằm giáo dục tài chính cho người gửi tiền và nâng cao nhận thức cho họ về BHTG.
Trong giai đoạn có TCTD yếu kém, đổ vỡ và phải tái cơ cấu, cần chú trọng vào việc công bố thông tin minh bạch, rộng rãi - nhất là thông tin về việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền. Đồng thời, BHTGVN cần chủ động, tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền đưa ra những kịch bản truyền thông cần thiết trong giai đoạn này nhằm củng cố niềm tin của người gửi tiền.
Hơn nữa, BHTGVN cần xây dựng một chiến lược truyền thông về BHTG phù hợp với Chiến lược phát triển của BHTG. Trong đó, bao gồm kế hoạch truyền thông dự phòng cho giai đoạn tái cơ cấu TCTD. Ngoài ra, cần định kỳ đánh giá chiến lược tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTG và thực hiện khảo sát mức độ nhận thức của người gửi tiền nhằm cập nhật, bổ sung các giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn.
Mặt khác, trên thế giới, ứng dụng sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các công cụ truyền thông BHTG ngày càng được đa dạng hóa, hiện đại hóa, có thể kể đến như phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, phát thanh, báo chí), trang tin điện tử và công cụ số hóa... được các tổ chức BHTG vận dụng ngày càng linh hoạt, sáng tạo. Do đó, để hòa nhập vào làn sóng chuyển đổi số, BHTGVN cần xây dựng và gia tăng sự hiện diện trên các môi trường số như mạng xã hội, các kênh truyền thông số, qua đó gia tăng độ nhận biết. Song song, tăng dần tỷ trọng của các chương trình truyền thông số; tăng khả năng tiếp cận của công chúng tới tổ chức BHTG, nhằm thúc đẩy tương tác số, góp phần giúp tổ chức BHTG củng cố uy tín, phát hiện sớm và xử lý các khủng hoảng truyền thông.
Việc xây dựng kho dữ liệu số về người gửi tiền - đối tượng công chúng mục tiêu và công chúng nói chung là cơ sở quan trọng để xây dựng, triển khai các chương trình truyền thông hiệu quả. Bên cạnh đó, môi trường số cho phép BHTGVN lắng nghe tích cực, chủ động theo dõi dư luận nhằm xác định phương hướng, thông điệp truyền thông.
Trong tương lai, với việc sử dụng Bigdata và AI, tổ chức BHTG có thể tổng hợp, xử lý, phân tích dữ liệu trên cơ sở các thuật toán, qua đó tự động hóa các nghiệp vụ truyền thông số, giảm bớt chi phí nhân lực, đồng thời tăng hiệu quả truyền thông... Để mục tiêu này thành công, BHTGVN chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn; coi đây là giải pháp quan trọng nhất bảo đảm thành công trong quá trình chuyển đổi số.
Ứng dụng tốt chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền thông chính sách BHTG sẽ là động lực để tăng cường nhận thức về chính sách, qua đó nâng cao niềm tin cho công chúng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số cần được thực hiện theo từng bước trong một chiến lược ít nhất 3 - 5 năm và phải liên tục được cập nhật để theo kịp các tiến bộ về khoa học công nghệ hiện đại, đồng thời kiểm nghiệm, đánh giá hiệu quả đối với những hoạt động đã triển khai để kịp thời cải tiến, khắc phục.
Hoạt động truyền thông về BHTG trên thế giới ngày càng có nhiều đổi mới, thích ứng với quá trình hiện đại hóa và phát triển của công nghệ. BHTGVN cần học hỏi kinh nghiệm và xu hướng của các tổ chức BHTG quốc tế trong việc triển khai, cập nhật các chương trình truyền thông nhằm đáp ứng với những thay đổi của đời sống kinh tế - xã hội do quá trình hội nhập và toàn cầu hóa mang lại.
Theo đó, để đảm bảo thực hiện được, tổ chức BHTG cần được đầu tư nguồn lực bao gồm tài chính, nhân lực, công nghệ và cả cơ chế phối hợp với các cơ quan liên quan trong các chương trình lớn mang tính tổng thể.
Hà Linh
Tài liệu tham khảo:
Trang thông tin điện tử BHTGVN: div.gov.vn