Vai trò của truyền thông chính sách BHTG
Tại Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch truyền thông hằng năm và linh hoạt triển khai hoạt động truyền thông từ khi hoạch định chủ trương, xây dựng, hoàn thiện, ban hành và thực thi chính sách; bố trí bộ phận truyền thông chính sách tham gia góp ý, phản biện trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách; ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thông tin truyền thông để phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi cho công tác chỉ đạo điều hành; nghiên cứu và triển khai các mô hình truyền thông chính sách mới trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế để vận dụng linh hoạt, phù hợp vào hoàn cảnh của Việt Nam.
Nhiệm vụ truyền thông chính sách BHTG của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) được xác định rõ ràng và thống nhất với mục tiêu chính sách công và nghĩa vụ của tổ chức BHTG, đó là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Trải qua gần 25 năm xây dựng và phát triển, với nhiều phương thức tuyên truyền chính sách BHTG được triển khai ngày càng đa dạng nhằm tiếp cận được nhiều đối tượng công chúng, BHTGVN đã đưa chính sách BHTG lan tỏa rộng rãi, đáp ứng được nhu cầu thông tin ngày càng lớn của người gửi tiền và công chúng, góp phần tác động tới các cơ quan chức năng nhằm hoàn thiện chính sách BHTG.
Trong Bộ Nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả, Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) khuyến nghị: Để bảo vệ người gửi tiền và đóng góp vào sự ổn định tài chính, cần đảm bảo công chúng liên tục được thông tin đầy đủ về hệ thống BHTG. Đồng thời, tổ chức BHTG tham gia vào quá trình xây dựng các kế hoạch truyền thông liên quan đến tất cả các thành viên của Mạng an toàn tài chính, nhằm đảm bảo cho chương trình nâng cao nhận thức công chúng và truyền thông được toàn diện và nhất quán.
Trong bối cảnh tiến tới sửa đổi Luật BHTG sau hơn 10 năm đi vào cuộc sống, việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và sự cần thiết, ý nghĩa của việc sửa Luật BHTG là một nhiệm vụ quan trọng của BHTGVN.
Truyền thông chính sách là quá trình chia sẻ thông tin về một chính sách cụ thể đến người dân nhằm thu hút người dân và các bên liên quan vào quy trình chính sách, từ đó tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của công chúng để đạt được mục tiêu chính sách. Truyền thông chính sách có ảnh hưởng rất lớn đến mọi vấn đề của xã hội, tác động đến nhận thức của công chúng, từ nhận thức sẽ tác động đến hành động và ứng xử của công chúng.
Trong quá trình sửa đổi Luật BHTG, truyền thông chính sách góp phần giúp người dân hiểu rõ ý nghĩa, sự cần thiết sửa đổi và các nội dung sẽ sửa của Luật BHTG; từ đó củng cố niềm tin đối với chính sách BHTG cũng như hoạt động ngân hàng; góp phần đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD.
Từng bước gia tăng niềm tin, đạt được sự đồng thuận của toàn xã hội
Về đối tượng truyền thông
Toàn bộ công chúng nói chung, trong đó bao gồm người gửi tiền thuộc nhiều tầng lớp, lĩnh vực hoạt động, trình độ học vấn, độ tuổi, giới tính, địa bàn cư trú... ; các tổ chức tham gia BHTG, nhà hoạch định chính sách, thậm chí cả những người gửi tiền tiềm năng như học sinh, sinh viên. Thông qua quá trình truyền thông của mình, BHTGVN cần đem đến hiểu biết về chính sách BHTG và việc sửa đổi Luật BHTG tới mọi nhóm công chúng có liên quan ở các mức độ khác nhau, giúp họ hiểu được ý nghĩa của việc sửa đổi Luật cũng như có sự tương tác tích cực đối với chính sách.
Về nội dung truyền thông
Tập trung vào sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật BHTG; quan điểm, định hướng xây dựng luật sửa đổi; mục đích, ý nghĩa của việc sửa đổi, bổ sung Luật BHTG; các nội dung chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung; sức lan tỏa, tác động của Luật BHTG mới tới xã hội, hệ thống tài chính - ngân hàng; các sự kiện, hoạt động tiêu biểu của BHTGVN trong quá trình xây dựng luật; các diễn đàn pháp luật về các chính sách đề xuất xây dựng luật; các hội thảo, tọa đàm về sửa đổi, bổ sung Luật BHTG …
Trong đó, tập trung vào các nội dung dự kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung, bao gồm: Nâng cao năng lực tài chính, hoạt động của tổ chức BHTG; bổ sung quyền và nghĩa vụ của tổ chức BHTG; hoàn thiện quy định pháp luật để BHTGVN tham gia có hiệu quả hơn vào quá trình tái cơ cấu TCTD; hoàn thiện quy định về quyền lợi của người được BHTG, đặc biệt là nội dung liên quan đến trả tiền bảo hiểm.
Về hình thức truyền thông
Đa dạng hóa các hình thức truyền thông liên quan đến quá trình sửa đổi Luật BHTG. Tiếp tục sử dụng các kênh truyền thông, các công cụ đa dạng song hành cùng kênh truyền thông chính thức của BHTGVN như website và Bản tin BHTG. Website của BHTGVN có thể gắn banner kết nối Trang thông tin chính thức về việc lấy ý kiến đóng góp dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; trong đó tổ chức lấy ý kiến các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp về Dự thảo Luật BHTG sửa đổi.
Kênh báo chí như báo giấy, báo mạng, phát thanh, truyền hình chính thống, có sức lan tỏa và mức độ ảnh hưởng lớn đến công chúng mục tiêu cũng cần được tăng cường đẩy mạnh.
Ngoài ra, cân nhắc tới các kênh truyền thông xã hội, truyền thông số để đem tới cơ hội tiếp cận số đông công chúng với mức chi phí thấp hơn so với truyền thông truyền thống và là môi trường để tương tác, trao đổi thông tin, thêm một địa chỉ để tiếp nhận những phản hồi trong quá trình sửa đổi Luật BHTG, kịp thời nắm bắt nguyện vọng của người gửi tiền, tổ chức tham gia BHTG – những đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của Luật, xu hướng dư luận để thúc đẩy truyền thông đúng hướng, đúng đối tượng, đúng thông điệp.
Đồng thời, thông qua các tổ chức chính trị - xã hội địa phương như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức hành nghề về pháp luật (như Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam), đội ngũ nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn...để góp phần nâng cao nhận thức, cung cấp thông tin, kiến thức một cách đơn giản, dễ hiểu về chính sách BHTG và việc sửa đổi Luật BHTG. Tích cực phối hợp với các Chi nhánh NHNN, Hiệp hội Ngân hàng, Hiệp hội QTDND để đưa thông tin về quá trình sửa đổi Luật BHTG tới các cán bộ ngân hàng, QTDND. Đây có thể coi là những kênh truyền thông thiết thực, hiệu quả và đảm bảo tính lan tỏa nhanh đến công chúng.
Lựa chọn thời điểm truyền thông
Thực hiện thường xuyên theo thực tiễn và xác định cao điểm truyền thông giai đoạn trước, trong và sau khi Quốc hội thảo luận, thông qua Luật BHTG (sửa đổi).
Việc truyền thông từ trước khi Luật được ban hành tạo điều kiện để công chúng được thể hiện vai trò trung tâm, đảm bảo dân chủ, phát huy quyền lợi của mình. Từ đó, có cơ sở tạo sự đồng thuận cao trong xã hội đối với các nội dung liên quan đến vấn đề sửa đổi, bổ sung Luật BHTG thông qua tương tác đa chiều giữa công chúng – người gửi tiền, các TCTD, BHTGVN, NHNN và các bộ, ban ngành liên quan nhằm đáp ứng kịp thời, đầy đủ và thực chất hơn nữa yêu cầu về chất lượng và tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực BHTG tại Việt Nam.
Trên thực tế, từ năm 2020, các sự kiện tuyên truyền về hoạt động của BHTGVN và chính sách BHTG đều được lồng ghép nội dung thể hiện kết quả triển khai Luật BHTG, những vướng mắc trong thực thi Luật cũng như tính cấp thiết của việc sửa đổi, bổ sung Luật BHTG nhằm tăng cường vai trò của BHTGVN trong quá trình cơ cấu lại các TCTD, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống tài chính – ngân hàng. Qua đó, BHTGVN đã ghi nhận được những phản hồi từ đối tượng thụ hưởng chính sách như người gửi tiền, tổ chức tham gia BHTG và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời, các đối tượng công chúng đã nhận thức được vai trò của chính sách BHTG, tổ chức BHTG cũng như sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung Luật BHTG.
BHTG luôn gắn với hoạt động ngân hàng – vốn là một lĩnh vực có tính nhạy cảm cao, do đó truyền thông về chính sách BHTG cũng cần cẩn trọng, chính xác, kịp thời bởi mọi thông tin được đưa ra đều có thể tác động tới tâm lý của người gửi tiền nói riêng, công chúng và toàn bộ hệ thống ngân hàng nói chung.
Trong quá trình sửa đổi Luật BHTG, cần chú trọng truyền thông nhằm từng bước xây dựng niềm tin, sự hiểu biết và từ đó đạt được đồng thuận xã hội.Để đạt được điều đó, trách nhiệm truyền thông không chỉ của các cơ quan như Ngân hàng Nhà nước, BHTGVN, mà còn cần sư tham gia tích cực của cán bộ BHTGVN - mỗi cán bộ trong hệ thống BHTG đều phải là một tuyên truyền viên về chính sách BHTG.
Hơn thế nữa, việc tổ chức truyền thông chính sách BHTG phải được thực hiện một cách bài bản, có hệ thống. Cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của BHTGVN về thông tin truyền thông từ Trụ sở chính tới các chi nhánh BHTG khu vực, nhằm định hướng thông tin truyền thông chính sách xuyên suốt, thống nhất và cùng tạo ra hiệu ứng trong quá trình sửa đổi Luật. Mặt khác, BHTGVN cần phối hợp với các cơ quan, tổ chức, các bên có liên quan để truyền thông tạo sự lan tỏa, tiếp cận được đến đông đảo người dân.
Ngoài ra, cần đảm bảo giữ được vai trò chủ đạo của BHTGVN trong truyền thông về sửa Luật BHTG; có các cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và báo chí - những kênh truyền thông uy tín. Đồng thời, tận dụng triệt để ưu thế truyền thông 4.0, trong đó ứng dụng công nghệ và các nền tảng mạng xã hội để tăng tính lan tỏa, đồng thời vẫn đảm bảo dễ hiểu - dễ nhớ - dễ vận dụng, giúp người dân hiểu rõ quyền lợi của mình cũng như chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về BHTG và việc sửa đổi Luật BHTG.
Phòng TTTT