qua đó góp phần giữ vững được niềm tin của công chúng, của người gửi tiền đối với hệ thống ngân hàng, từ đó duy trì sự ổn định, an toàn hoạt động ngân hàng.
Tại Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách nêu rõ: Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, công tác truyền thông chính sách cần được chú trọng, nâng cao tính chuyên nghiệp trong toàn hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc thực thi chính sách.
Từ đầu năm 2023 đến nay, bối cảnh kinh tế, địa chính trị trên thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Lạm phát toàn cầu tăng cao, đồng đôla Mỹ mất giá mạnh, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất với tốc độ nhanh và mạnh, đồng tiền nhiều nước trên thế giới đã mất giá, xu hướng của việc tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương, căng thẳng địa chính trị kéo dài, ảnh hưởng hậu Covid-19 tác động khó khăn mọi mặt đời sống người dân; đặc biệt sự đổ vỡ của nhiều định chế tài chính lớn trên thế giới…
Trong nước, sự khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản…đã ảnh hưởng đến niềm tin công chúng với hệ thống tài chính ngân hàng. Trong bối cảnh đó, việc nâng cao niềm tin công chúng, trong đó có người gửi tiền đối với hệ thống tài chính ngân hàng được các quốc gia, đặc biệt ngân hàng trung ương các nước rất quan tâm. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Truyền thông góp phần đưa chính sách vào cuộc sống
Ngân hàng Trung ương các nước trên thế giới đều coi truyền thông là một hoạt động quan trọng, góp phần thực hiện các chức năng, nhiệm vụ như công bố, minh bạch chính sách, nâng cao nhận thức, niềm tin công chúng với hệ thống ngân hàng và kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ. Chiều sâu về hiểu biết tài chính, niềm tin của cộng đồng có ý nghĩa quan trọng góp phần ổn định, phát triển hệ thống tài chính ngân hàng của mỗi quốc gia. Trong bối cảnh diễn biến tình hình kinh tế, địa chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường hiện nay, các quốc gia trên thế giới đều đặc biệt quan tâm đến việc truyền thông giáo dục tài chính.
Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020. Trong đó, một nội hàm quan trọng là tăng cường hiểu biết tài chính cho người dân nhằm mục tiêu thay đổi nhận thức, hành vi và tạo thói quen tài chính tốt trong cộng đồng.
Thời gian qua, hoạt động truyền thông chính sách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều đổi mới theo hướng chủ động, chuyên nghiệp, hỗ trợ đắc lực vào hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Đồng thời, truyền thông đã khẳng định vai trò và tầm quan trọng của mình như một phần không thể tách rời của hoạt động xây dựng và thực thi các chính sách của NHNN. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới và trong nước thay đổi nhanh chóng, đặt áp lực không nhỏ lên công tác điều hành chính sách tiền tệ - ngân hàng, đòi hỏi hoạt động truyền thông chính sách của NHNN cần được tăng cường hơn nữa, thích ứng với tình hình mới, qua đó, đáp ứng yêu cầu và thách thức ngày càng tăng trong lĩnh vực thông tin tiền tệ - ngân hàng.
Theo đó, NHNN đã thực hiện nghiêm túc việc công khai thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin, Luật phổ biến giáo dục pháp luật… Hoạt động truyền thông đã có sự đổi mới cả về nội dung và hình thức, phương thức truyền thông tới công chúng.
NHNN đã có nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hoạt động truyền thông chính sách để thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả niềm tin công chúng; nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và truyền thông giáo dục tài chính, phổ biến pháp luật theo quy định của pháp luật và các Đề án của Chính phủ. Chú trọng công tác truyền thông trước, trong và sau khi ban hành chính sách để đảm bảo hiệu quả, hiệu lực của chính sách pháp luật. Bên cạnh đó, việc xác định nhóm công chúng giúp NHNN lựa chọn kênh và phương thức truyền thông phù hợp, hướng tới mục tiêu thông điệp cần truyền tải sẽ đến được đối tượng cần tiếp nhận thông tin.
Về nội dung truyền thông, ngành Ngân hàng thực hiện truyền thông trên cơ sở những vấn đề người dân và doanh nghiệp quan tâm, trong đó đặc biệt tập trung vào các chính sách mới, các chính sách tác động trực tiếp đến người sử dụng dịch vụ ngân hàng như tỷ giá, tín dụng, lãi suất, tiết kiệm, quy trình vay vốn, thanh toán...
Ví dụ, liên quan đến chính sách tín dụng, thời điểm này, truyền thông giúp công chúng hiểu nguyên nhân tín dụng tăng trưởng thấp do cầu tín dụng suy giảm, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu. Với các doanh nghiệp sản xuất, đầu ra tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, dẫn đến nhu cầu vay vốn mới để sản xuất giảm mạnh. Đặc biệt, với doanh nghiệp nhỏ và vừa, tình hình tài chính suy yếu, thiếu phương án kinh doanh khả thi nên chưa đáp ứng điều kiện vay vốn. Trong khi đó, ngân hàng phải đảm bảo an toàn tiền gửi, không thể hạ chuẩn cho vay, để tránh hệ lụy về sau như nợ xấu, thậm chí vướng vào lao lý nếu cho vay không đúng quy định…Trên thị trường bất động sản, nhiều dự án bất động sản gặp khó khăn về pháp lý, ít dự án mới triển khai, dẫn đến nhu cầu tín dụng bất động sản tăng chậm so với thời gian trước đây. Đây cũng là những nguyên nhân chính khiến tăng trưởng tín dụng thấp 6 tháng đầu năm 2023. Do đó, cần sự phối hợp đồng bộ các chính sách, giải pháp vĩ mô khác sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng sức cầu cho nền kinh tế, khơi thông dòng chảy tín dụng.
Đặc biệt, thời điểm xảy ra sự cố người dân rút tiền tại các chi nhánh của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), thông điệp truyền thông đưa ra là “quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền luôn được đảm bảo theo quy định pháp luật”; đồng thời truyền thông chính sách BHTG, nâng cao niềm tin công chúng với hệ thống ngân hàng, từ đó ngăn ngừa được hiệu ứng lan truyền trên hệ thống.
Để đưa các chủ trương, chính sách của NHNN đến với công chúng, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, không thể không kể tới vai trò của các cơ quan báo chí. Thời gian qua, NHNN đã chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí trong việc cung cấp thông tin về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành. Với các chính sách mới, NHNN cũng đã phối hợp với các cơ quan báo chí để thực hiện truyền thông trước, trong và sau khi ban hành các chính sách.
Về hình thức truyền thông, NHNN đã không ngừng đổi mới, sáng tạo trên nguyên tắc đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ lan tỏa. Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số và xu hướng tiếp cận thông tin hiện nay, ngành Ngân hàng đã lựa chọn các hình thức truyền thông thu hút nhiều công chúng, tiêu biểu như các chương trình truyền thông giáo dục tài chính với hình thức phong phú, sáng tạo và dễ tiếp cận thông tin, trực quan sinh động như “Tiền khéo tiền khôn”, “Tay hòm chìa khóa”, “Đồng tiền thông thái”… trên VTV (Đài Truyền hình Việt Nam).
Để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, tạo ra một cộng đồng tài chính tốt, NHNN đã tổ chức các chương trình giáo dục tài chính hướng tới nhóm công chúng mục tiêu là giới trẻ, tiêu biểu phải kể tới các chương trình “Hiểu đúng về tiền” hay chuỗi sự kiện truyền thông giáo dục tài chính “Nhà ngân hàng tương lai”…
Lãnh đạo Vụ Truyền thông - NHNN cho biết, cơ quan truyền thông của NHNN đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai một cách có trách nhiệm, sáng tạo, đổi mới các chương trình giáo dục tài chính cộng đồng, với mong muốn thay đổi nhận thức, hành vi, hình thành thói quen tài chính tốt trong cộng đồng, trọng tâm hướng tới đồng bào vùng sâu, vùng xa, nhóm công chúng ít thông tin về tài chính và giới trẻ để góp phần bảo vệ người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng.
Giữ trọn niềm tin, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền
Góp phần nâng cao niềm tin công chúng, trong đó có người gửi tiền với hệ thống tài chính ngân hàng không thể không nhắc đến vai trò của truyền thông chính sách BHTG.
Tại Việt Nam, Luật BHTG quy định hoạt động tuyên truyền chính sách BHTG là một nghiệp vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN). Theo quy định tại Luật BHTG, BHTGVN có nhiệm vụ “tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHTG; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về BHTG”. Trải qua hơn 22 năm xây dựng và phát triển, với nhiều phương thức tuyên truyền chính sách BHTG được triển khai ngày càng đa dạng nhằm tiếp cận được nhiều đối tượng công chúng, BHTGVN đã đưa chính sách BHTG được lan tỏa rộng rãi, đáp ứng được nhu cầu thông tin ngày càng lớn của người gửi tiền, góp phần tác động tới các cơ quan chức năng nhằm hoàn thiện chính sách BHTG.
Trong bối cảnh Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” và Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) đang được tích cực triển khai, vai trò tham gia vào quá trình tái cơ cấu các TCTD của BHTGVN được mở rộng hơn, thì tuyên truyền chính sách BHTG khi có TCTD yếu kém, đổ vỡ, cần tái cơ cấu là một vấn đề đáng quan tâm.
Vai trò của truyền thông về BHTG rất quan trọng, không chỉ giúp tổ chức BHTG xây dựng hình ảnh của mình với cộng đồng mà còn giúp tăng cường niềm tin và tri thức về tài chính ngân hàng cho người gửi tiền, góp phần duy trì ổn định xã hội.
Thực tế, người dân rất cần tìm hiểu chính sách BHTG, vì một khi người dân hiểu và có kiến thức, biết được vai trò quan trọng của chính sách này đối với quyền lợi của mình thì sẽ có lợi không chỉ cho bản thân họ, mà còn có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước cũng như các TCTD. Hiểu biết đầy đủ, chính xác về chính sách BHTG sẽ giúp người dân có trách nhiệm khi lựa chọn và gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG.
Khác với những loại hình bảo hiểm thương mại khác, mục tiêu cốt lõi mà BHTGVN hướng tới không phải là “bán” một loại sản phẩm cụ thể nào, mà nhằm xây dựng và giữ trọn niềm tin của người gửi tiền, để từ đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Trên cơ sở kết quả khảo sát cũng như quá trình triển khai tuyên truyền thực tế, BHTGVN đã nắm bắt được nhu cầu thông tin cũng như mong muốn tiếp cận thông tin chính sách BHTG của người gửi tiền nên đã và đang triển khai đồng bộ, hiệu quả các hình thức tuyên truyền qua nhiều kênh, phương tiện khác nhau.
Công tác thông tin tuyên truyền được BHTGVN tích cực triển khai theo hướng đa dạng về nội dung, hình thức, mở rộng các kênh truyền thông, tập trung nội dung truyền thông về Chiến lược phát triển BHTG và các chính sách trong sửa đổi, bổ sung luật BHTG.
Bên cạnh đó, BHTGVN tích cực phối hợp với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, tổ chức tham gia BHTG, tổ chức đoàn thể địa phương tuyên truyền trực tiếp chính sách BHTG đến người gửi tiền tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, thu hút được sự quan tâm, tin tưởng của người dân trên địa bàn.
BHTGVN đã và đang dần đa dạng hóa, hiện đại hóa các hoạt động tuyên truyền chính sách BHTG. Bên cạnh các hình thức tuyên truyền truyền thống, BHTGVN cũng chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thông qua website của BHTGVN, các thông tin về BHTG trong và ngoài nước được cập nhật liên tục, nội dung đa dạng, phong phú, hướng đến nhiều đối tượng công chúng khác nhau.
Năm 2021, BHTGVN phối hợp tuyên truyền trên chương trình “Tay hòm chìa khóa” với hình thức thể hiện sinh động dưới dạng đồ họa đã góp phần lan tỏa chính sách BHTG đến gần hơn với công chúng. Đồng thời, BHTGVN tiếp tục thực hiện lồng ghép tuyên truyền trong các sự kiện Đại hội thường niên QTDND, trong hoạt động thường kỳ, sinh hoạt chuyên đề của các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội tại địa phương như Hội nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc…qua đó đáp ứng nhu cầu tuyên truyền trực tiếp tới người gửi tiền ở khu vực nông thôn, người gửi tiền tại các QTDND.
Song song với kênh truyền thông này, BHTGVN cũng triển khai tuyên truyền những nội dung cốt lõi của chính sách BHTG một cách linh hoạt qua các kênh truyền hình có độ phủ sóng rộng rãi, qua các kênh hệ VOV quốc gia dưới nhiều hình thức thể hiện khác nhau, như: chương trình đối thoại trường quay, gameshow, phát phóng sự và tiểu phẩm tuyên truyền…
Cùng với triển khai đồng bộ các phương thức tuyên truyền, những năm gần đây, BHTGVN cũng đẩy mạnh tuyên truyền chính sách BHTG tới lãnh đạo và cán bộ của các tổ chức tham gia BHTG, đặc biệt là QTDND để các đối tượng này có hiểu biết chính xác về BHTG, qua đó có thể tư vấn cho người gửi tiền tại quầy giao dịch. Đây là con đường ngắn nhất, thiết thực nhất giúp củng cố niềm tin người gửi tiền.
Đối tượng công chúng tiềm năng được BHTGVN tích cực tiếp cận và đã bước đầu mang lại hiệu quả truyền thông mạnh mẽ là sinh viên các trường đại học, cao đẳng, đặc biệt là sinh viên các khoa kinh tế - ngân hàng. Công tác truyền thông tới đối tượng này giúp các em có cái nhìn đúng, chính xác về BHTG, qua đó, các em có thể tư vấn được cho gia đình, người thân cũng như là tiền đề kiến thức cho quá trình hoạt động tại các tổ chức tài chính trong tương lai...
Có thể thấy, nỗ lực đổi mới trong công tác phổ biến chính sách của BHTGVN đang ngày một đáp ứng được nhu cầu tăng dần thông tin chính sách BHTG của người dân, góp phần củng cố lòng tin của người gửi tiền qua nhiều phương thức truyền thông đa dạng và những hoạt động nghiệp vụ được triển khai thường xuyên. Điều này góp phần quan trọng trong hành vi, thói quen ứng xử của người gửi tiền khi có những thông tin tiêu cực trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Nếu truyền thông chính sách BHTG hiệu quả sẽ giúp người gửi tiền bình tĩnh, sáng suốt trước những tin đồn thất thiệt, giúp họ hiểu được các kỹ năng gửi tiền an toàn, có niềm tin vào chính sách của Nhà nước, tránh nguy cơ rút tiền hàng loạt, nhờ đó góp phần vào sự ổn định hệ thống, an toàn hoạt động ngân hàng.
Tiếp tục đổi mới đế lan tỏa chính sách, nâng cao niềm tin công chúng
Truyền thông chính sách của NHNN sẽ ngày càng đổi mới, sáng tạo để phù hợp với tình hình mới. Theo Lãnh đạo Vụ Truyền thông NHNN, cách thức truyền thông sẽ ngày càng đa dạng, trong đó ứng dụng công nghệ và các nền tảng mảng xã hội để tăng tính lan tỏa, đồng thời vẫn đảm bảo dễ hiểu - dễ nhớ - dễ vận dụng, giúp người dân hiểu rõ quyền lợi của mình cũng như hiểu được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng; đảm bảo cung cấp thông tin minh bạch theo đúng quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế; đẩy mạnh các chương trình truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định hệ thống. Đối tượng mà truyền thông NHNN hướng tới tiếp tục là công chúng rộng rãi, trong đó các đối tượng mục tiêu như giới trẻ, người dân vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn, người yếu thế, người chưa có tài khoản ngân hàng…
Không chỉ NHNN mà hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng như báo chí trong ngành cần tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, đóng góp chung vào sự phát triển của ngành Ngân hàng nói riêng và kinh tế-xã hội của đất nước nói chung.
“NHNN sẽ tiếp tục triển khai các chương trình giáo dục tài chính hướng tới các nội dung được dư luận quan tâm, đặc biệt là các kiến thức chiều sâu về tài chính ngân hàng như về các loại hình sản phẩm trái phiếu, tiết kiệm, bảo hiểm, chứng khoán, các sản phẩm tài chính đầu tư và sự khác nhau giữa các loại hình này… Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và bảo vệ người tiêu dùng tránh các rủi ro khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính – ngân hàng” – bà Lê Thị Thúy Sen – Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN chia sẻ.
Đối với truyền thông chính sách BHTG, để phát huy hơn nữa vai trò, nâng cao niềm tin công chúng với hệ thống tài chính ngân hàng, BHTGVN cần có chiến lược truyền thông bài bản, hướng đến nhiều đối tượng công chúng (trong đó có đối tượng người yếu thế, người dân vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn, giới trẻ…), cách thức thể hiện dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng, dễ lan tỏa. Đặc biệt, cần có kế hoạch truyền thông cho từng thời điểm, giai đoạn đảm bảo phù hợp, hiệu quả.
Hơn nữa, BHTGVN cần xây dựng một chiến lược truyền thông về BHTG phù hợp với Chiến lược phát triển BHTG. Trong đó, bao gồm kế hoạch truyền thông dự phòng cho giai đoạn tái cơ cấu TCTD. Ngoài ra, cần định kỳ đánh giá chiến lược tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTG và thực hiện khảo sát mức độ nhận thức của người gửi tiền nhằm cập nhật, bổ sung các giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn.
Để hòa nhập vào làn sóng chuyển đổi số, BHTGVN cần nghiên cứu xây dựng và gia tăng sự hiện diện trên các môi trường số như mạng xã hội, các kênh truyền thông số, qua đó gia tăng độ nhận biết. Việc xây dựng kho dữ liệu số về người gửi tiền - đối tượng công chúng mục tiêu và công chúng nói chung là cơ sở quan trọng để triển khai các chương trình truyền thông hiệu quả. Bên cạnh đó, môi trường số cho phép BHTGVN lắng nghe tích cực, chủ động theo dõi dư luận nhằm xác định phương hướng, thông điệp truyền thông. Ứng dụng tốt chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền thông chính sách BHTG sẽ là động lực để tăng cường nhận thức về chính sách, qua đó nâng cao niềm tin cho công chúng.