Truyền thông chính sách thúc đẩy xã hội trở nên công bằng, dân chủ hơn
Truyền thông chính sách là quá trình liên tục trao đổi thông tin về chính sách của Nhà nước nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các chủ thể trong xã hội, góp phần thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh hành vi và thái độ phù hợp với nhu cầu phát triển của cá nhân, của nhóm, của cộng đồng và của toàn xã hội. Khi truyền thông hiệu quả, chính sách sẽ tự đi vào đời sống một cách sâu rộng.
Theo đó, truyền thông chính sách đóng vai trò rất quan trọng trong các hoạt động chính trị và thúc đẩy cho xã hội trở nên công bằng, dân chủ hơn. Khả năng phản biện xã hội của truyền thông chính sách, ảnh hưởng của truyền thông chính sách và các phương tiện truyền thông chính sách mới đến nhận thức chính trị của người dân... sẽ là những vấn đề nhận được sự quan tâm của giới nghiên cứu truyền thông chính sách trên thế giới.
Truyền thông chính sách là kênh giúp Nhà nước xây dựng hình ảnh của mình để không bị “hòa tan” trong quá trình toàn cầu hóa. Đối với Nhà nước, truyền thông chính sách giúp các cơ quan nhà nước đưa thông tin đến người dân về các chính sách, thuyết phục công chúng thay đổi về nhận thức và hành xử đúng pháp luật. Đối với người dân, truyền thông chính sách giúp cho người dân cập nhật thông tin; giúp người dân phản hồi, nói lên tiếng nói của mình, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Cùng với đó, truyền thông chính sách góp phần phát huy quyền, vai trò và trí tuệ của xã hội trong nhận diện các vấn đề chính sách và cân nhắc các giải pháp chính sách… Lắng nghe ý kiến là một nhiệm vụ bắt buộc trong xây dựng chính sách, pháp luật. Đây cũng là phương thức có tính hệ thống để bảo đảm quyền của công dân, tiếp tục phát huy dân chủ, cung cấp cơ hội cho quyền biết, quyền bàn và quyền giám sát của người dân, hướng tới thay đổi thái độ, hành vi của công dân, cộng đồng, xã hội trong tuân thủ và xây dựng pháp luật.
Truyền thông chính sách còn góp phần định hướng dư luận. Một chủ trương, chính sách chỉ hiệu quả khi nó được xã hội chấp thuận và khả thi trên thực tiễn để tạo ra các kết quả như mong đợi.
Bên cạnh đó, truyền thông chính sách cung cấp thông tin giúp chủ thể chính sách tự rà soát các phương pháp, công cụ, cách tiếp cận và cách hành xử của mình đối với các vấn đề xã hội; nhờ đó, hỗ trợ quá trình cải cách thủ tục hành chính, đổi mới bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ. Đặc biệt, để giám sát thực hiện, phát hiện vấn đề, bất cập, lợi dụng thẩm quyền… đưa Nhà nước, Chính phủ hay chính quyền nói chung đến gần công chúng hơn, tạo dựng và duy trì sự tin cậy của xã hội đối với Nhà nước nói chung hay các chủ thể chính sách nói riêng.
Là công cụ sắc bén trong tạo sự đồng thuận xã hội, truyền thông chính sách phải đi trước một bước, luôn đổi mới và đa dạng phương thức thực hiện. Bên cạnh đó, tính chủ động trong thực hiện truyền thông chính sách cần được đẩy mạnh ở tất cả các cấp, các ngành.
Thực tiễn hoạt động truyền thông chính sách của BHTGVN
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) là một tổ chức tài chính nhà nước đặc thù. Những đặc thù ấy thể hiện ở cơ chế, khuôn khổ pháp lý, mục đích, mô hình hoạt động, ở lĩnh vực hoạt động, cũng như chức năng, nhiệm vụ được giao. Hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Luật BHTG quy định rõ nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHTG của BHTGVN. Do đó, trong công tác truyền thông chính sách mà BHTGVN thực hiện, dù không nằm ngoài các nguyên lý truyền thông cơ bản, song cũng có những điểm riêng điển hình.
Trong suốt hơn 20 năm hoạt động, BHTGVN luôn đa dạng hóa các hoạt động truyền thông để chính sách BHTG đến với công chúng.
Theo đó, BHTGVN có website chính thức (http://div.gov.vn/) với hai phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh, cập nhật thông tin chính sách về tài chính, ngân hàng, BHTG, về các hoạt động chính của BHTGVN. BHTGVN còn xuất bản Bản tin BHTG hàng quý – là một diễn đàn để trao đổi, cập nhật thông tin, kiến thức về BHTG và là cầu nối giữa người gửi tiền, các tổ chức tham gia BHTG, các tổ chức tài chính quốc tế cũng như các nhà hoạch định chính sách.
Hoạt động truyền thông chính sách BHTG được BHTGVN đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng có tính lan tỏa cao như: báo chí, phát thanh, truyền hình. Đối với báo in, báo mạng, BHTGVN thực hiện chuyên trang, bài viết có nội dung liên quan đến chính sách BHTG trên các báo có lượng độc giả truy cập lớn, có tầm ảnh hưởng cao. Thông qua các kênh phát thanh, truyền hình quốc gia, BHTGVN xây dựng nhiều nội dung phóng sự, phim tài liệu, tiểu phẩm tuyên truyền chính sách BHTG. BHTGVN còn phối hợp với VNPOST in thông tin về chính sách BHTG trên phong bì chi trả lương hưu; đặt standy, poster tại các điểm giao dịch của VNPOST...
Do đặc thù hoạt động, các nghiệp vụ của BHTGVN không tiếp xúc trực tiếp với đối tượng thụ hưởng chính sách BHTG là người gửi tiền để thông tin, tuyên truyền, nên thời gian qua, BHTGVN tập trung vào việc phối hợp với các tổ chức tham gia BHTG, đặc biệt là các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), các tổ chức đoàn thể, hiệp hội tại địa phương, các trường đại học và các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền chính sách BHTG, cụ thể:
BHTGVN chủ động phối hợp với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tổ chức các sự kiện tuyên truyền chính sách BHTG đến các tổ chức, đoàn thể, các hiệp hội tại địa phương, trong đó tập trung vào các địa bàn có các tổ chức tín dụng yếu kém đang hoạt động.
Phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, hiệp hội tại địa phương để tuyên truyền chính sách BHTG đến cán bộ, viên chức, người lao động, hội viên các hiệp hội.
Phối hợp với các QTDND tổ chức tuyên truyền chính sách BHTG cho cán bộ của đơn vị và người dân thông qua các hội nghị khách hàng, tọa đàm, các buổi giao lưu giữa chuyên gia kinh tế và QTDND để tuyên truyền chính sách BHTG; tham gia tuyên truyền tại các đại hội thường niên hoặc các sự kiện do QTDND tổ chức.
Tăng cường tham gia các hoạt động cộng đồng của địa phương, qua đó mang hình ảnh của BHTGVN đến gần với cộng đồng, hòa nhập trong cộng đồng, khuyến khích cộng đồng tìm hiểu, quan tâm đến chính sách BHTG, nắm bắt được chính sách BHTG của Đảng và Nhà nước.
Tăng cường sự tiếp cận và tích cực tuyên truyền chính sách BHTG hướng tới sinh viên khối kinh tế các trường đại học - những người trẻ đang được đào tạo về kinh tế, đồng thời đã, đang và sẽ là những người gửi tiền là một hình thức tuyên truyền tích cực, hiệu quả được BHTGVN triển khai thời gian qua. Đây được coi là thế hệ mới, bằng hành động của mình, sẽ tạo nên xu hướng hành vi tài chính hiện đại, có sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.
Ngoài ra, BHTGVN luôn chú trọng tạo lập và duy trì tốt mối quan hệ với các cơ quan Bộ, Ban, Ngành, Quốc hội, Cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia kinh tế, lập pháp… để phối hợp tổ chức hội nghị, hội thảo trao đổi về chính sách BHTG và các sự kiện mang tính cộng đồng.
Nhìn chung, hoạt động truyền thông chính sách của BHTGVN đã góp phần truyền tải thông điệp về BHTG tới công chúng nói chung, người gửi tiền nói riêng. BHTGVN đã tổ chức truyền thông với nhiều hình thức, công cụ đến người gửi tiền, giúp mang hình ảnh của tổ chức BHTG đến với công chúng, thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách BHTG đã được quy định tại Luật BHTG. BHTGVN đã xây dựng được đội ngũ cộng tác viên là những chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý uy tín, đội ngũ nhân viên có trình độ và thường xuyên được được tập huấn nghiệp vụ về báo chí và truyền thông, dần tiến tới nghiên cứu, áp dụng công nghệ hiện đại vào truyền thông chính sách BHTG đến người gửi tiền. Đánh giá tại chỗ đối với các sự kiện tuyên truyền cho thấy, việc truyền thông chính sách BHTG là cần thiết, phương thức tuyên truyền đang được triển khai là phù hợp.
Giải pháp phát huy vai trò truyền thông chính sách của BHTGVN
Để phát huy hơn nữa vai trò của truyền thông chính sách, BHTGVN cần thực hiện quyết liệt và đồng bộ những giải pháp cụ thể sau đây:
Thứ nhất, để thực hiện hiệu quả việc truyền thông chính sách BHTG, trước hết cần xây dựng một chiến lược truyền thông phù hợp với từng thời kỳ, dựa theo đó quyết định đối tượng, thông điệp, công cụ và ngân sách truyền thông kèm theo đánh giá định kỳ, tối thiểu là hàng năm, nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn triển khai.
Thứ hai, cần đa dạng hóa và cụ thể hóa các đối tượng truyền thông mục tiêu và các công cụ, giải pháp tương ứng.
Thứ ba, cần xây dựng các phương án truyền thông mô phỏng cho các tình huống để đảm bảo công chúng nắm bắt được thông tin kịp thời, tránh các thông tin sai lệch, gây hoang mang trong dư luận khi xảy ra các tình huống như: rút tiền hàng loạt, đổ vỡ tổ chức tham gia BHTG, các vấn đề xuyên biên giới…
Thứ tư, tổ chức đánh giá định kỳ hiệu quả của hoạt động truyền thông chính sách BHTG thông qua nhiều hình thức như khảo sát, phỏng vấn... nhằm sửa đổi, bổ sung các giải pháp truyền thông chính sách cho phù hợp.
Thứ năm, bên cạnh những phương thức truyền thống, BHTGVN cần ứng dụng công nghệ thông tin, các công cụ số hóa vào việc truyền thông chính sách đến công chúng. Tận dụng và đẩy mạnh kênh truyền thông chính sách trên mạng xã hội; có chiến lược nghiên cứu, thay đổi phương thức quản lý truyền thông chính sách... Đi cùng với đó là nghiên cứu và tìm kiếm giải pháp an ninh truyền thông chính sách hiệu quả.
Trong xu thế hiện đại hóa của hoạt động truyền thông chính sách trên thế giới và ảnh hưởng không nhỏ của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, BHTGVN cần nỗ lực hoàn thiện hoạt động truyền thông chính sách nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền, góp phần ổn định tài chính - ngân hàng và an sinh xã hội.