Truyền thông hiệu quả đem lại nhiều lợi ích thiết thực
Theo Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI), để xây dựng hệ thống BHTG hiệu quả, công chúng phải được cung cấp thông tin về các lợi ích và hạn chế của hệ thống BHTG thông qua các chương trình truyền thông thường xuyên, liên tục.
Các chương trình truyền thông hiệu quả đem lại lợi ích cho cả công chúng và tổ chức BHTG. Cụ thể: Phổ biến thông tin tạo điều kiện thúc đẩy nhận thức của công chúng về khái niệm BHTG, các đặc điểm chính của hệ thống BHTG. Công chúng cần phải biết về quyền và lợi ích hợp pháp của mình được tổ chức BHTG bảo vệ như thế nào, phạm vi tiền gửi được bảo hiểm, hạn mức trả tiền bảo hiểm, thông tin cơ bản về tổ chức BHTG, từ đó hạn chế những kỳ vọng thái quá làm ảnh hưởng đến hệ thống BHTG và ổn định tài chính.
Truyền thông hiệu quả giúp phục hồi và củng cố niềm tin vào hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), đặc biệt khi hệ thống tài chính đổ vỡ. Nếu người gửi tiền có niềm tin vào sự an toàn của khoản tiền gửi tại các TCTD tham gia BHTG, quá trình phục hồi của nền kinh tế nói chung và hệ thống tài chính nói riêng diễn ra nhanh hơn, ổn định tài chính cũng được nâng cao hơn.
Bên cạnh đó, truyền thông hiệu quả còn cung cấp thông tin trọng yếu cho người gửi tiền khi xảy ra rủi ro đối với các tổ chức tham gia BHTG. Tổ chức BHTG cần đảm bảo tính an toàn của các khoản tiền được bảo hiểm, đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ người gửi tiền thực hiện các thủ tục, hồ sơ pháp lý để nhanh chóng nhận được khoản tiền bồi thường. Việc cung cấp thông tin kịp thời, chính xác thể hiện khả năng thực hiện đầy đủ chức năng của BHTG, giúp duy trì niềm tin của công chúng.
Hoạt động truyền thông về vai trò của BHTG cũng góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện. Nhờ vào các hoạt động truyền thông, nhận thức của công chúng về rủi ro và sự đảm bảo bồi thường thiệt hại trong hoạt động gửi tiền tại ngân hàng được nâng lên. Người dân sẽ tin tưởng vào hoạt động gửi tiền nói riêng và các sản phẩm, dịch vụ khác của ngân hàng nói chung, hạn chế tham gia sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính phi chính thức. Nguồn tiết kiệm chung của nền kinh tế cũng được gia tăng, thúc đẩy thu hút vốn đầu tư toàn xã hội.
Ngoài ra, các hoạt động truyền thông cũng giúp tổ chức BHTG xây dựng hình ảnh vững chắc, chuyên nghiệp, hiệu quả, đáng tin cậy trước công chúng, đáp ứng được nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền và chi trả tiền bảo hiểm kịp thời khi xảy ra đổ vỡ.
Hoạt động truyền thông về BHTG có vai trò quan trọng, tuy nhiên chưa được nhìn nhận một cách thích đáng. Nguyên nhân là do vai trò, chức năng của BHTG trong việc góp phần đảm bảo an toàn thị trường tài chính – ngân hàng thường chỉ rõ nét khi xảy ra đổ vỡ hệ thống. Do đó, các chương trình truyền thông cần được xây dựng với tầm nhìn dài hạn, song hành cùng với quá trình hình thành và phát triển của hệ thống BHTG.
Truyền thông chính sách cần được đặc biệt quan tâm
Luật BHTG quy định hoạt động tuyên truyền chính sách BHTG là một nghiệp vụ của BHTGVN, theo đó BHTGVN có nhiệm vụ: “tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHTG; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về BHTG”. Bên cạnh đó, trong bối cảnh Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, Quyết định số 689/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” và Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) đang được tích cực triển khai, vai trò tham gia vào quá trình tái cơ cấu các TCTD của BHTGVN được mở rộng hơn, thì tuyên truyền chính sách BHTG là một vấn đề đáng quan tâm.
Trải qua 23 năm hình thành và phát triển, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã dần đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền chính sách BHTG tới công chúng, hướng dẫn đào tạo các nghiệp vụ liên quan, trao đổi thông tin phục vụ cho hoạt động của BHTGVN, hướng truyền thông về sự đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng; tuyên truyền về điều chỉnh hạn mức BHTG, thí điểm thực hiện khảo sát trực tuyến đánh giá mức độ nhận thức của người gửi tiền đối với chính sách BHTG...
BHTGVN cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025 có 45% và phấn đấu đến năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG.
Ngoài ra, BHTGVN cũng tích cực phối hợp với NHNN và các TCTD triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan góp phần đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng. Người gửi tiền có thể yên tâm gửi tiền tại bất kỳ tổ chức tham gia BHTG nào.
Để truyền thông đồng bộ, kịp thời, hiệu quả về BHTG thì một kế hoạch truyền thông đơn lẻ của riêng hệ thống BHTG là chưa đủ. Hệ thống tài chính bao gồm các yếu tố quan hệ hữu cơ rất cao, do vậy truyền thông về BHTG cần một chiến lược truyền thông bài bản, đồng bộ. Điều này giúp kế hoạch truyền thông được xây dựng một cách bài bản, không chồng chéo, thông điệp được truyền tải tới công chúng một cách thống nhất, xuyên suốt, công khai và minh bạch hơn, tránh nhầm lẫn, mâu thuẫn trong nội dung thông tin; qua đó, tăng cường mối quan hệ giữa hệ thống BHTG và công chúng, tăng cường nhận thức cho người dân, nhất là người dân ở vùng nông thôn và ít hiểu biết về tài chính.
Để nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách BHTG, trước hết việc khẳng định và nâng cao vai trò của truyền thông về BHTG là hết sức quan trọng, không chỉ giúp tổ chức BHTG nâng cao hình ảnh, vị thế trong công chúng mà còn củng cố và tăng cường niềm tin, hiểu biết tài chính cho người gửi tiền và công chúng, góp phần duy trì sự an toàn và ổn định của hệ thống tài chính.
Đồng thời, cần xây dựng Chiến lược truyền thông của BHTG dựa trên Chiến lược phát triển của ngành Ngân hàng nói chung và Chiến lược phát triển BHTG nói riêng. Hoạt động truyền thông cần được thực hiện thường xuyên, định kỳ, đẩy mạnh theo hướng đa dạng về nội dung và cách thức thực hiện, phù hợp với đối tượng truyền thông mục tiêu và giai đoạn phát triển của BHTGVN. Định kỳ khảo sát, đánh giá mức độ nhận thức của công chúng về chính sách BHTG, kết hợp với đánh giá hiệu quả của hoạt động truyền thông nhằm cập nhật, bổ sung các giải pháp phù hợp cho từng giai đoạn.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị để tuyên truyền thích hợp, lồng ghép các nội dung về BHTG để gia tăng nhận thức của công chúng về chính sách BHTG; nâng cao năng lực truyền thông chính sách cho BHTG: Về nhân lực, cần bổ sung đội ngũ nhân sự phù hợp với quy mô và yêu cầu công việc, đặc biệt là nhân sự có chuyên môn cao; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng báo chí, truyền thông, kinh nghiệm truyền thông về chính sách, xử lý thông tin cho đội ngũ cán bộ truyền thông. Về công nghệ, cần tiếp tục đổi mới, kết hợp giữa hình thức truyền thống với hình thức trực tuyến, áp dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống tương tác tự động (chatbot) để triển khai các hoạt động tuyên truyền một cách chủ động, thông minh và tự động, phối hợp linh hoạt, tận dụng ưu thế của mạng xã hội, phương tiện truyền thông đại chúng.
Chiến lược truyền thông, các quy trình thông tin đến công chúng, hay đơn giản như thông cáo báo chí, thông báo chính thức kịp thời đến người gửi tiền giúp công chúng hiểu biết đúng đắn về BHTG và yên tâm gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Trong bối cảnh hiện nay, công tác truyền thông nói chung và truyền thông về BHTG nói riêng không chỉ là trách nhiệm của BHTGVN mà còn là trách nhiệm chung của các cơ quan trong mạng lưới an toàn tài chính.