Theo Luật NDIC, ngoài chi trả BHTG, tổ chức BHTG được giao nhiệm vụ là cơ quan thanh lý. Vì vậy, sau khi thu hồi tài sản của ngân hàng bị phá sản, NDIC tiếp tục thực hiện chi trả cho người gửi tiền không được bảo hiểm. Do đó, khoản chi trả 118,71 tỷ Naira nói trên bao gồm cả tiền chi trả bảo hiểm tiền gửi và chi trả sau quá trình thanh lý ngân hàng. Qua đó, NDIC đã góp phần đảm bảo hệ thống ngân hàng Nigeria hoạt động ổn định và bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.
Tính đến cuối tháng 6/2021, NDIC đã chi trả 8,27 tỉ Naira cho người gửi tiền được bảo hiểm tại các ngân hàng nhận tiền gửi (DMBs), 3,38 tỉ Naira cho người gửi tiền được bảo hiểm tại Ngân hàng tài chính vi mô (MFBs) và 0,11 tỉ Naira cho người gửi tiền được bảo hiểm tại Ngân hàng thế chấp (PMBs). Số tiền chi trả tương đương lần lượt là 60,71%, 46,94% và 18,10% tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm của mỗi loại hình ngân hàng trên. Ngoài ra, NDIC đã trả 100,85 tỉ Naira cho người gửi tiền không được bảo hiểm, 1,27 tỉ Naira cho các chủ nợ và 4,83 tỉ Naira cho các cổ đông tại các ngân hàng nhận tiền gửi.
Về quy trình thanh lý tại Nigeria, khi ngân hàng bị thu hồi giấy phép, NDIC sẽ thực hiện các bước để đảm bảo ngân hàng đó rút khỏi hệ thống theo trật tự và nhanh chóng chi trả các khoản tiền gửi được bảo hiểm, sau đó chi trả cho các cổ đông, chủ nợ và các khoản tiền gửi không được bảo hiểm.