Đối tượng áp dụng của Quyết định này là người được bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.
Khái niệm hạn mức trả tiền bảo hiểm
Theo Khoản 1 Điều 24 Luật Bảo hiểm tiền gửi, hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.
Hạn mức trả tiền này được Thủ tướng Chính phủ quy định theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ.
Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng Đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.
Tiền gửi không được bảo hiểm bao gồm tiền gửi bằng ngoại tệ, tiền gửi của cơ quan, tổ chức, tiền mua các giấy tờ có giá vô danh và một số tài khoản tiền gửi khác theo quy định của pháp luật.
Số tiền gửi của người được bảo hiểm tiền gửi bao gồm tiền gốc và tiền lãi vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm sẽ được giải quyết trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật.
Quá trình áp dụng hạn mức trả tiền bảo hiểm
Nghị định 89/1999/NĐ-CP của Chính phủ về Bảo hiểm tiền gửi ngày 01/09/1999 đã quy định số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tối đa là 30 triệu đồng Việt Nam.
Sau 5 năm hoạt động, đến năm 2005, tại Nghị định 109/2005/NĐ-CP ngày 24/08/2005 sửa đổi Nghị định 89/1999/NĐ-CP, Chính phủ đã nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm lên 50 triệu đồng để phù hợp với sự thay đổi của điều kiện kinh tế - xã hội ở Việt Nam.
Trong bối cảnh nền kinh tế và hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, mức thu nhập của người dân tăng lên, việc điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm phù hợp hơn với thực tế là cần thiết nhằm phát huy hiệu quả của chính sách bảo hiểm tiền gửi, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền.
Theo Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 5/8/2017, hạn mức trả tiền bảo hiểm đã được nâng từ 50 triệu đồng Việt Nam lên mức 75 triệu đồng Việt Nam.
Dù hạn mức trả tiền bảo hiểm được điều chỉnh tăng nhưng phí bảo hiểm tiền gửi vẫn không thay đổi nhằm tránh gây áp lực đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Căn cứ xác định hạn mức trả tiền bảo hiểm
Theo hướng dẫn của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI), hạn mức trả tiền bảo hiểm nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền nhưng phải đảm bảo có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi không được bảo hiểm để góp phần duy trì kỷ luật thị trường và hạn chế rủi ro đạo đức. Hạn mức trả tiền bảo hiểm mới được điều chỉnh là phù hợp với mục tiêu của chính sách bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ đa số người gửi tiền nhỏ, ít thông tin về hoạt động ngân hàng.
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là một thành viên trong mạng an toàn tài chính quốc gia. BHTG là một trong những công cụ của Chính phủ trong việc bảo vệ người gửi tiền và giữ an toàn hệ thống.
Bên cạnh bảo hiểm tiền gửi, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam còn có các công cụ khác nhằm thực hiện mục tiêu chính sách công này như các chính sách kinh tế vĩ mô, ngân hàng trung ương thực hiện vai trò “người cho vay cuối cùng” để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng, chính sách thuế… để đảm bảo cho hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả. Việc điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm là một trong số các động thái chính sách nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ người gửi tiền. Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD đã được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 3 và sẽ tiếp tục được Quốc hội khóa XIV thảo luận và biểu quyết thông qua vào kỳ họp thứ 4 sẽ là tạo ra khuôn khổ pháp lý cho những giải pháp mạnh mẽ nhằm xử lý các vấn đề tồn tại trong hoạt động ngân hàng, tái cấu trúc, đảm bảo sự an toàn, lành mạnh của các TCTD, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền. Chính phủ cũng đã nhiều lần khẳng định: trong mọi trường hợp, tiền gửi của người dân luôn được đảm bảo.
Về Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức tài chính nhà nước, do Chính phủ thành lập năm 1999, hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm 100% vốn điều lệ. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Tính đến nay, có 1271 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, bao gồm các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, các quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô. Các tổ chức này có trách nhiệm nộp phí bảo hiểm tiền gửi, chịu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, phải niêm yết công khai Chứng nhận tham gia Bảo hiểm tiền gửi tại trụ sở chính, các chi nhánh và các điểm giao dịch có nhận tiền gửi của cá nhân.
Việc điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm lên 150% so với trước đây (từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng) thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền./.