Để dân biết, dân hiểu, dân tin
Tại Việt Nam, nghiệp vụ tuyên truyền chính sách đã được quy định trong Luật BHTG với tư cách một chức năng, nhiệm vụ của tổ chức BHTG. BHTGVN đã bám sát các diễn biến trong hệ thống ngân hàng, thực hiện tuyên truyền chính sách một cách phù hợp với các đối tượng công chúng khác nhau. Xác định trọng tâm tuyên truyền là người gửi tiền tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, BHTGVN triển khai tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức sự kiện tuyên truyền thông qua các tổ chức tham gia BHTG cũng như tuyên truyền trực tiếp tới công chúng. Các chương trình truyền thông của BHTGVN truyền tải thông điệp: BHTGVN bảo vệ người gửi tiền thông qua một hệ thống các mảng nghiệp vụ của BHTGVN như kiểm tra, giám sát, đầu tư nguồn vốn và chi trả tiền bảo hiểm theo hạn mức… Nhìn rộng hơn, người gửi tiền không chỉ có sự bảo vệ của riêng BHTGVN mà còn có cả sự bảo vệ từ chủ trương của Đảng, Chính phủ, từ cơ chế chính sách, từ các cơ quan chức năng trong lĩnh vực ngân hàng…
Thời gian qua, thông qua các sự kiện tuyên truyền chính sách và các kênh ghi nhận ý kiến công chúng, BHTGVN đã nhận được những phản hồi tích cực từ các tổ chức tín dụng cũng như từ người gửi tiền. Theo bà Nguyễn Thị Bích Nga - Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) Bồ Đề (Bình Lục, Hà Nam), Quỹ niêm yết Chứng nhận tham gia BHTG ở nơi dễ thấy nhất tại quầy giao dịch để người gửi tiền được biết. Bên cạnh đó, khi nhận tiền gửi, cán bộ Quỹ cũng giải thích cho bà con về chính sách BHTG hay để tờ rơi về BHTG ở quầy để bà con tìm hiểu. “Việc tuyên truyền chính sách không chỉ giúp người gửi tiền tin tưởng và an tâm khi xảy ra tin đồn thất thiệt, mà bản thân Quỹ cũng tự tin hơn trong quá trình hoạt động. Chúng tôi mong muốn mỗi cán bộ của Quỹ sẽ là một tuyên truyền viên về chính sách BHTG. Đề nghị BHTGVN cung cấp nhiều hơn nữa các nội dung, tài liệu tuyên truyền để chúng tôi có thể đưa chính sách BHTG đến với mọi người dân” – bà Nguyễn Thị Bích Nga bày tỏ.
Ông Lê Đông Nam – người gửi tiền tại Đà Lạt, Lâm Đồng cho biết, nhờ tờ rơi của BHTGVN, ông được biết vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã nâng hạn mức BHTG lên 75 triệu đồng. Điều này cho thấy người gửi tiền đã được bảo vệ ở một mức cao hơn. Ông Nam khẳng định: “Người dân chúng tôi mong muốn hạn mức càng cao càng tốt, nhưng mức tăng 75 triệu đồng cũng đã thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, và quan trọng nhất là người gửi tiền hoàn toàn không phải đóng phí mà vẫn được bảo hiểm tiền gửi.”
Trao đổi tại các sự kiện tuyên truyền chính sách BHTG, các QTDND đều cho rằng, tuyên truyền chính sách BHTG tại các Quỹ thông qua nhiều hình thức khác nhau đã giúp người dân tại địa phương yên tâm khi gửi tiền, qua đó góp phần huy động nguồn lực tại chỗ để phục vụ nhu cầu cho vay tại chỗ, nâng cao hiệu quả kinh tế tại địa phương. Các QTDND mong muốn BHTGVN sẽ thực hiện nhiều hơn các chương trình tuyên truyền chính sách một cách hiệu quả nhằm giúp người gửi tiền hiểu rõ chính sách BHTG, có thêm niềm tin vào hệ thống ngân hàng nói chung và hệ thống các QTDND nói riêng.
Xây dựng các chương trình tuyên truyền gần gũi, thiết thực
Bên cạnh việc tuyên truyền chính sách BHTG để trực tiếp bảo vệ người gửi tiền, nhiều tổ chức BHTG trên thế giới còn đẩy mạnh các chương trình giáo dục kiến thức tài chính. Cụ thể, Tổng công ty BHTG liên bang Mỹ (FDIC) có chương trình “Đồng tiền thông minh” nhằm nâng cao nhận thức công chúng về các dịch vụ ngân hàng nói chung với các phiên bản được xây dựng riêng biệt cho từng đối tượng cụ thể như: thanh niên, người cao tuổi, doanh nghiệp nhỏ và vừa… Tại Hàn Quốc, Tổng công ty BHTG Hàn Quốc (KDIC) đã sớm xác định mục tiêu phổ biến kiến thức tài chính từ sau cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008 và bắt đầu các chương trình của mình từ năm 2010 với nội dung bao gồm cả kiến thức, kỹ năng sử dụng các dịch vụ tài chính, phòng tránh bị lừa đảo, gian lận tài chính, lồng ghép cùng các thông tin về BHTG. Ngay trong khu vực Đông Nam Á, tại Malaysia, Tổng công ty BHTG Malaysia (PIDM) cũng đang triển khai chương trình “Đồng tiền thông minh 123” nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng các dịch vụ tài chính. Chương trình “Đồng tiền thông minh 123” gồm 3 trụ cột chính: giúp công chúng hiểu về các sản phẩm tài chính; giúp công chúng hiểu về các rủi ro tài chính; và giúp công chúng hiểu được các quyền lợi về tài chính của mình. Tổng công ty BHTG Philippines (PDIC) cũng có một loạt các chương trình phổ biến kiến thức tài chính, đặc biệt là chương trình phối hợp các trường học để lồng ghép nội dung giáo dục tài chính cho học sinh. Tháng 6 hàng năm, PDIC cũng tổ chức Tuần lễ nâng cao nhận thức và bảo vệ người gửi tiền lần thứ 15, tập trung tuyên truyền về vai trò, chức năng của tổ chức BHTG, đồng thời khuyến cáo công chúng về việc gửi tiền tiết kiệm một cách khôn ngoan, tránh khỏi các rủi ro lừa đảo.
Bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền là mục tiêu hàng đầu của chính sách BHTG và BHTGVN. Trong khuôn khổ chức năng, nhiệm vụ, nguồn lực của mình, BHTGVN cần tập trung vào những nội dung đơn giản, gần gũi với người gửi tiền như: khi giao dịch với nhân viên ngân hàng, người gửi tiền cần lưu ý những gì? Làm thế nào để gửi tiền một cách an toàn? Những yếu tố pháp lý nào quy định gửi tiền đúng pháp luật? Nên gửi tiền vào đâu cho an toàn?... Như vậy, người gửi tiền có thêm hiểu biết và niềm tin vào hệ thống ngân hàng, có kiến thức nhằm bảo vệ bản thân trước các nguy cơ sai sót, thậm chí gian lận, vi phạm pháp luật từ phía các cá nhân, tổ chức nhận tiền gửi. Ngược lại, người gửi tiền cũng đồng thời đóng một vai trò tích cực trong việc duy trì kỷ luật thị trường và góp phần lành mạnh hóa hệ thống các TCTD.
Nâng cao nhận thức của công chúng về tài chính-ngân hàng nói chung và về chính sách BHTG nói riêng là một quá trình dài hơi, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. Duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng là trách nhiệm của tổ chức BHTG, song cũng là trách nhiệm của tất cả các bên có liên quan, kể cả các tổ chức tín dụng và người gửi tiền./.