Phát biểu tại cuộc họp thường niên Kansas City Fed giữa các nhà kinh tế và quản lý Ngân hàng Trung ương (NHTW), bà Kristin Forbes – chuyên gia kinh tế tại Viện nghiên cứu công nghệ Massachusetts cho hay giải pháp ưu tiên hàng đầu hiện nay là giảm tỷ lệ đòn bẩy trong hệ thống ngân hàng. Bà nhấn mạnh các quốc gia nên hỗ trợ nỗ lực về đa dạng hóa đầu tư và đầu tư ra nước ngoài, đồng thời không tiến hành ưu đãi hoạt động huy động vốn vay.
Các nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực biến thị trường tài chính trở nên linh hoạt hơn đối với các cú sốc bên ngoài nhằm ứng phó với dư âm của việc tín dụng đóng băng đã hủy hoại tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2008 và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu đang làm suy yếu mọi nỗ lực hồi phục. Theo báo cáo tại cuộc họp diễn ra trong tháng 8 vừa qua, chuyên viên của Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) khẳng định tình hình chao đảo của khu vực Châu Âu có thể dẫn đến “rủi ro đi xuống rõ rệt” trong triển vọng kinh tế Mỹ.
Bà Forbes chỉ ra một số nguyên nhân chính dẫn tới các cú sốc tài chính xuyên quốc gia, trong đó có thể kể đến đường ngân hàng, thương mại và thông qua các nhà đầu tư chịu thua lỗ khi bán tài sản tại quốc gia khác.
Trong khi nhiều biện pháp tái cơ cấu dài hạn đang được áp dụng, cụ thể là việc giảm tỷ lệ đòn bẩy ngân hàng, thì các nhà quản lý cũng đưa ra một số đề xuất nhằm giảm thiểu nguy cơ “hiệu ứng lan tỏa tiêu cực” .
Vấn đề củng cố niềm tin công chúng
Trước tình hình hiện nay, việc củng cố niềm tin công chúng về an toàn tiền gửi trong ngân hàng là nhu cầu trọng yếu. Bà Forbes cho rằng giải pháp tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ lây lan rủi ro đối với Khu vực đồng Euro đó là thiết kế một hệ thống Bảo hiểm tiền gửi hiệu quả kết hợp với các quy định chặt chẽ về giám sát ngân hàng. Bà cũng nhấn mạnh, tâm điểm Châu Âu về vấn đề chia sẻ trách nhiệm thông qua Ngân hàng Trung ương EU, Quỹ cơ cấu ổn định Châu Âu (ESM) và Quỹ ổn định tài chính Châu Âu (EFSSF) có thể làm tăng nguy cơ lây lan khi các nhà đầu tư quan ngại về khả năng thanh toán của các quốc gia cung cấp Quỹ cứu trợ tài chính.
Theo bà Forbes, các nhà quản lý không nên áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn hay tiến hành nới lỏng các quy định về ngân hàng, vì đó có thể khiến các quốc gia trở nên nhạy cảm trước mọi cú sốc, đồng thời nên tránh áp dụng những chính sách làm tăng gánh nặng nợ công.