Theo đại biểu Trần Văn Lâm, thời gian qua, khi hệ thống ngân hàng gặp khó khăn, nhất là khi đối mặt với các gói nợ xấu thì cả hệ thống chính trị đã góp sức hỗ trợ. Nghị quyết 42 của Quốc hội khóa XIV được cho là khá mạnh mẽ và hiệu quả như Thống đốc vừa đánh giá. Ở chiều ngược lại, trong 2 năm qua, ngành ngân hàng cũng đã có những hỗ trợ rất tích cực cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn trong đại dịch.
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng mức độ chia sẻ của ngân hàng đối với doanh nghiệp, người dân và đất nước chưa tương xứng khi kinh tế đất nước trong 2 năm qua tăng trưởng thấp nhưng hầu hết các ngân hàng vẫn có lợi nhuận cao. Đại biểu Lâm đề nghị Thống đốc đánh giá và chia sẻ về sự đồng hành của ngân hàng đối với doanh nghiệp, nền kinh tế đất nước ta trong thời gian vừa qua và giải pháp nào trong thời gian tới.
Trả lời vấn đề này, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, các tổ chức tín dụng thời gian qua theo sự kêu gọi của NHNN đã tham gia, đồng hành cùng với doanh nghiệp và người dân. “Đặc biệt, từ khi đại dịch xảy ra năm 2020 đến nay, các tổ chức tín dụng đã thực hiện miễn, giảm lãi vay với tổng số tiền giảm đạt gần 48 nghìn tỷ đồng ” – Thống đốc dẫn chứng.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, đây là con số đáng được ghi nhận bởi bản thân hệ thống ngân hàng là trung gian tài chính, hoạt động thu lợi từ lãi vay và các dịch vụ. Do đó, việc chấp nhận giảm lãi vay cho thấy sự đồng hành của các tổ chức tín dụng với người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động ngân hàng cũng gắn liền với rủi ro và nợ xấu có thể thường xuyên phát sinh không thể tránh khỏi. Chính vì vậy, các tổ chức tín dụng cần có dự phòng cho việc xử lý các khoản nợ xấu này.
Theo người đứng đầu NHNN, thời gian vừa qua, NHNN đã ban hành thông tư cho phép các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp, người dân. Các tổ chức tín dụng tham gia rất tích cực và theo đó rất nhiều doanh nghiệp có nợ xấu, lẽ ra không đủ điều kiện để vay vốn, nhưng bằng cách này nhiều doanh nghiệp và người dân có thể vay nợ trở lại.
“Trong 5 tháng đầu năm 2022 tín dụng đã tăng 8%, ở mức rất cao so với chỉ tiêu là 14% của cả năm 2022, cho thấy nhờ Thông tư tái cơ cấu các khoản vay và cho phép giữ nguyên nhóm nợ, các doanh nghiệp có khả năng phục hồi sau đại dịch Covid-19 vẫn có thể tiếp tục được vay vốn” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin thêm .
Liên quan đến vấn đề lợi nhuận cao của hệ thống ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá, trên thực tế, các tổ chức tín dụng cũng là một doanh nghiệp, được thành lập với mục tiêu kinh doanh vì lợi nhuận. Nhưng khác với doanh nghiệp thông thường, số vốn điều lệ và quy mô tài sản của ngân hàng là rất lớn. Nếu đến cuối năm 2020, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tổng tài sản là 14 triệu tỷ đồng, thì đến tháng 3/2022, con số này đã lên đến hơn 16 triệu tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 12 triệu tỷ đồng. Lấy ví dụ tài sản của một ngân hàng thương mại nhà nước khoảng 1,6-1,7 triệu tỷ đồng và lợi nhuận sinh lời là 20.000 tỷ đồng trên tổng tài sản này thì đây cũng không phải là con số lớn.
“Theo số liệu tổng hợp từ một số trang trên thị trường chứng khoán, những chỉ tiêu đánh giá theo tỷ lệ sinh lời trên tổng tài sản hoặc tỷ lệ sinh lời trên vốn của các tổ chức tín dụng so với một số các doanh nghiệp ở các ngành khác là không cao”- Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng – Đoàn Quảng Trị đặt câu hỏi Thống đốc sẽ xử lý thế nào khi mặt bằng lãi suất quốc tế đang và sẽ tiếp tục gia tăng trong khi mặt bằng lãi suất trong nước được yêu cầu phải giữ ổn định, thậm chí phấn đấu để giảm thêm. Trong khi đó, NHNN hiện buộc phải kiểm soát tổng phương tiện thanh toán cho nền kinh tế chủ yếu thông qua việc siết van tín dụng cấp vốn cho nền kinh tế. Đồng thời lại được yêu cầu nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại để triển khai nhanh gói hỗ trợ lãi suất cho vay theo Nghị quyết 43.
Trả lời đại biểu Đồng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước cũng phải chịu rất nhiều áp lực và gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù tình hình lãi suất trên thế giới tiếp tục tăng cao, nhưng trong nước vẫn phải duy trì ổn định, thậm chí phấn đấu giảm hơn nữa. Vậy nên, đây là một thách thức rất lớn đối với NHNN.
“Chắc chắn sẽ cần phải cân đối hài hòa giữa các giải pháp, trong đó phối hợp đồng bộ các giải pháp về tín dụng, lãi suất, tỷ giá và các công cụ khác trong quá trình điều hành của NHNN; đảm bảo phù hợp với diễn biến và có lợi nhất đối với ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, trên tinh thần không chủ quan đối với lạm phát” - Thống đốc nhấn mạnh.
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Quàng Thị Nguyệt - Đoàn Điện Biên về vấn đề nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lý giải, công tác phòng ngừa rất quan trọng và các tổ chức tín dụng phải kiểm soát chặt chẽ rủi ro để tránh gia tăng nợ xấu, đồng thời dự phòng các biện pháp xử lý trong trường hợp xảy ra nợ xấu. Theo Thống đốc, hiện NHNN đã tổng hợp, đánh giá kinh nghiệm các nước cũng như thực tiễn, đồng thời trên cơ sở những vướng mắc, những kết quả đạt được của Nghị quyết 42 để tham mưu, kiến nghị, đề xuất với Quốc hội luật hóa Nghị quyết 42.
Theo Thống đốc, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đòi hỏi sự đồng thuận cao của xã hội, bởi đây là chính sách vô cùng thiết thực đối với doanh nghiệp và người dân. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng mong muốn các đại biểu và Quốc hội sẽ quan tâm, hỗ trợ ngành Ngân hàng trong việc sớm đưa khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu đi vào cuộc sống.