Thuật ngữ "chuyển đổi số" đã xuất hiện phổ biến trên thế giới trong những năm gần đây, tuy nhiên, không có một định nghĩa chung chính xác nào về thuật ngữ này. Theo các chuyên gia công nghệ, hiểu một cách đơn giản, chuyển đổi số (Digital Transformation) là ứng dụng công nghệ số để thay đổi, chuyển đổi cách làm truyền thống. Nói cách khác là tích hợp các giải pháp số vào cốt lõi của một tổ chức để thay đổi sâu sắc cách hoạt động của tổ chức đó bằng cách tạo ra các quy trình kinh doanh mới, trải nghiệm khách hàng tốt hơn và văn hóa tổ chức hiện đại.
Kinh nghiệm về ứng dụng chuyển đổi số trong truyền thông chính sách BHTG
Cùng với sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các công cụ truyền thông BHTG ngày càng được đa dạng hóa, hiện đại hóa, có thể kể đến như phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, phát thanh, báo chí, quảng cáo), tờ rơi, trang tin điện tử và công cụ số hóa v.v. được các tổ chức BHTG vận dụng ngày càng linh hoạt, sáng tạo.
Tổng công ty BHTG Phillipines (PDIC) hiện đang sử dụng công cụ truyền thông số hóa, liên kết với các ngân hàng và chính quyền địa phương. Dịch vụ truyền thông số hóa của PDIC gồm internet, mạng xã hội và dịch vụ tin nhắn tổng đài tự động thông qua 78 trung tâm tại các tỉnh thành. PDIC còn triển khai nhiều hoạt động truyền thông mới như ra mắt công cụ Máy tính điện tử về BHTG (Deposit insurance e-Calculator) giúp người gửi tiền tính toán số dư tiền gửi được bảo hiểm; tài khoản trên mạng xã hội Facebook và Twitter được ra mắt nhân dịp kỉ niệm 53 năm thành lập tổ chức vào năm 2016.
Tổng công ty BHTG Hàn Quốc (KDIC) triển khai các công cụ truyền thông thường xuyên qua các kênh truyền thông đại chúng, giáo dục tài chính toàn diện, tổ chức các hoạt động trên mạng xã hội như Facebook, Twitter, Youtube…Đối với trường hợp xảy ra đổ vỡ tổ chức tham gia BHTG và trả tiền bảo hiểm, KDIC sử dụng hệ thống công nghệ tích hợp thông tin xử lý (IRIS) cho người gửi tiền và các chủ nợ để đòi bồi thường, đồng thời cung cấp dịch vụ tư vấn cho các chủ nợ trực tuyến.
Tại Nga, với mục tiêu kết nối tổ chức BHTG với các chuyên gia và người gửi tiền trên toàn quốc, Cơ quan BHTG Nga (DIA) đã đưa ra Chiến lược phát triển truyền thông với mục tiêu mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ của DIA dưới hình thức điện tử: Tiến hành đổi mới trang web chính thức, phát triển các ứng dụng trên điện thoại di động thân thiện với người dùng, tăng cường các hoạt động phổ cập tài chính cho cộng đồng. Trong đó phải kể đến hai chương trình quy mô mà DIA đã triển khai thành công, đó là chương trình phổ cập tài chính Finoteka và đánh giá độ hài lòng của người sử dụng dịch vụ tài chính đối với tổ chức BHTG.
Chương trình Finoteka nhằm mục đích cung cấp thông tin tài chính cho người gửi tiền trên toàn quốc dưới hình thức các video có nội dung được đơn giản hóa trên trang web chính thức finoteka.ru. Có 3 hình thức là tiểu phẩm dài, tiểu phẩm ngắn và các video trực quan về một tình huống cụ thể. Tính đến tháng 5/2018, đã có 42 triệu lượt xem các video này thông qua các kênh như Youtube, Facebook, các ứng dụng mạng xã hội và trang tin chính thức tại Nga. Theo thống kê, có đến 97,6% lượt phản hồi tích cực, thời gian xem một video cao hơn 40% so với thời gian xem trung bình trên Youtube và lưu lượng truy cập vào trang web của DIA tăng hơn 30% mỗi lần phát video mới. Kết quả bước đầu của chương trình truyền thông này là rất đáng ghi nhận khi các kiến thức về tài chính được minh hoạt một cách hấp dẫn, dễ hiểu, thu hút người xem. Có đến 1/3 số người dùng mạng Internet tại Nga đã xem các video với chủ đề quản lý tài chính cá nhân. Finoteka cũng giành được một số giải thưởng uy tín như Giải thưởng công nghệ số 2018 và Video quảng bá doanh nghiệp xuất sắc nhất 2018.
DIA đã sử dụng hệ thống đánh giá trực tuyến nhằm đo lường mức độ hài lòng của người sử dụng dịch vụ tài chính đối với các hoạt động về BHTG. Việc trả lời khảo sát được thực hiện trực tuyến, trên cơ sở đánh giá tới các yếu tố như vấn đề hành vi, tâm lý người dùng. Trong số những người đã từng tương tác với DIA, 57% đánh giá các hoạt động của tổ chức BHTG ở mức rất tốt. Các đối tượng được khảo sát cũng được chia thành các nhóm theo nhân khẩu học và xã hội học nhằm đánh giá mức độ hài lòng của mỗi nhóm này đối với hệ thống ngân hàng và BHTG, cũng như để đưa ra phương án truyền thông phù hợp cho từng nhóm sau này.
Có thể thấy rằng vai trò của truyền thông về BHTG là hết sức quan trọng, không chỉ giúp tổ chức BHTG xây dựng hình ảnh của mình với cộng đồng mà còn giúp tăng cường niềm tin và tri thức về tài chính ngân hàng cho người gửi tiền, góp phần duy trì ổn định xã hội. Hoạt động truyền thông về BHTG quốc tế ngày càng có nhiều đổi mới, thích ứng với quá trình hiện đại hóa và phát triển của công nghệ ngày nay. BHTGVN cần học hỏi kinh nghiệm và xu hướng của của các tổ chức BHTG quốc tế trong việc triển khai, cập nhật các chương trình truyền thông với ứng dụng số hóa nhằm đáp ứng với những thay đổi của đời sống kinh tế xã hội do quá trình hội nhập và toàn cầu hóa mang lại.
Khuyến nghị đối với Việt Nam
Đầu năm 2022, tại Chỉ thị số 02/CT-NHNN về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN, các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chủ động triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc NHNN.
Đáng chú ý, Chỉ thị số 02 còn nhấn mạnh việc tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến kiến thức, giáo dục tài chính, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp hiểu rõ và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số một cách an toàn, đúng quy định pháp luật. Thúc đẩy các hoạt động hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng để phát triển, cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện ích, an toàn, tăng cường trải nghiệm khách hàng và đáp ứng tốt nhu cầu và kỳ vọng ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp.
Đối với hoạt động BHTG, thông tin tuyên truyền chính sách BHTG đã được luật hóa, trở thành một trong những nhiệm vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN). Theo đó, BHTGVN có nhiệm vụ “tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHTG; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về BHTG”. Trong suốt hơn 20 năm hoạt động và trưởng thành, BHTGVN đã và đang dần đa dạng hóa, hiện đại hóa các hoạt động tuyên truyền chính sách BHTG tới công chúng, hướng dẫn đào tạo các nghiệp vụ liên quan, trao đổi thông tin phục vụ cho hoạt động của BHTGV, góp phần tác động tới các cơ quan chức năng nhằm hoàn thiện chính sách BHTG.
Qua những kinh nghiệm bổ ích về việc thực hiện truyền thông BHTG cũng như thực tế triển khai nghiệp vụ, BHTGVN có thể rút ra những bài học nhằm chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện công tác truyền thông theo hướng áp dụng chuyển đổi số vào hoạt động.
Trước hết, cần xây dựng Chiến lược truyền thông tổng thể cho từng giai đoạn phù hợp với Chiến lược phát triển BHTG và Chiến lược phát triển ngành ngân hàng theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa mới.
Thứ hai, cần đa dạng hóa và cụ thể hóa các đối tượng truyền thông mục tiêu và các công cụ, giải pháp tương ứng. Ứng dụng công nghệ thông tin, các công cụ số hóa và hệ thống thông tin của dự án FSMIMS vào việc tuyên truyền đến công chúng, tiến tới xây dựng hệ thống hỗ trợ trực tuyến cho người gửi tiền, sử dụng các công cụ trực tuyến như thư điện tử, tin nhắn trên điện thoại di động, tư vấn về BHTG trực tuyến, mạng xã hội như Facebook, Zalo v.v. một cách hợp lý, có kiểm soát.
Thứ ba, cần xây dựng các phương án truyền thông mô phỏng trực tiếp và trực tuyến cho các sự kiện như đổ vỡ tổ chức tham gia BHTG, người gửi tiền rút tiền hàng loạt v.v. nhằm đào tạo, hướng dẫn cho cán bộ.
Thứ tư, đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, tuyên truyền chính sách BHTG và tài chính toàn diện phối hợp với các cơ quan trong ngành tài chính – ngân hàng và đề xuất tham gia vào kế hoạch hành động triển khai Chiến lược tài chính toàn diện ngành ngân hàng trong thời gian tới. Trong đó, nghiên cứu xây dựng và triển khai các chương trình giáo dục tài chính theo hình thức trực tuyến, số hóa dưới dạng các clip ngắn gọn, thú vị, dễ hiểu, phù hợp với thị hiếu công chúng.
Thứ năm, tổ chức đánh giá định kỳ hiệu quả của hoạt động tuyên truyền chính sách BHTG thông qua nhiều hình thức như khảo sát, phỏng vấn trực tiếp, trực tuyến, qua điện thoại v.v nhằm sửa đổi, bổ sung các giải pháp cho hoạt động truyền thông về BHTG. Từ kết quả đánh giá hoạt động tuyên truyền chính sách BHTG định kỳ và thường xuyên, cũng như triển khai khảo sát về nhận thức của công chúng, BHTGVN có thể xây dựng kho dữ liệu số về người gửi tiền và công chúng nói chung. Trên cơ sở đó, tổ chức BHTG có thể nắm bắt được các đặc điểm, nhu cầu, thói quen của từng đối tượng công chúng, qua đó có những giải pháp tuyên truyền thích hợp.
Ngoài ra, BHTGVN có thể áp dụng các công cụ lắng nghe xã hội (social listening) để tích cực, chủ động theo dõi dư luận nhằm xác định phương hướng, thông điệp truyền thông. Trong tương lai, với việc sử dụng Bigdata và AI, tổ chức BHTG có thể tổng hợp, xử lý, phân tích dữ liệu trên cơ sở các thuật toán, qua đó tự động hóa các nghiệp vụ truyền thông số, giảm bớt chi phí nhân lực, đồng thời tăng hiệu quả truyền thông.
Trong xu thế hiện đại hóa của hoạt động truyền thông về BHTG trên thế giới và ảnh hưởng không nhỏ của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 và Chuyển đổi số đối với ngành tài chính – ngân hàng – BHTG tại Việt Nam, BHTGVN cần nỗ lực hoàn thiện hoạt động tuyên truyền chính sách BHTG nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền, góp phần ổn định tài chính - ngân hàng và an sinh xã hội.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi số cần được thực hiện theo từng bước trong một chiến lược dài hạn và phải liên tục được cập nhật để theo kịp các tiến bộ về khoa học công nghệ hiện đại, đồng thời kiểm nghiệm, đánh giá hiệu quả đối với những hoạt động đã triển khai để kịp thời cải tiến, khắc phục. Đồng thời, chuyển đổi số trong truyền thông chính sách là cần nhưng chưa đủ để đáp ứng mọi vấn đề trong thực tiễn triển khai. Cần phải phối hợp truyền thông số với các biện pháp truyền thông nhằm tiếp cận tới mọi đối tượng công chúng mục tiêu như: tờ rơi, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức sự kiện...Việc thực hiện chuyển đổi số trong tuyên truyền chính sách BHTG là cần thiết, song trong bối cảnh hiện nay, vẫn cần duy trì một hàm lượng đáng kể các hoạt động truyền thông truyền thống để đảm bảo hiệu quả tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTG.