Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) là một tổ chức tài chính Nhà nước có nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển và ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động. Ứng dụng CNTT tại BHTGVN là những giải pháp mang tính đột phá để có thể giải quyết những khó khăn, nút thắt trong các hoạt động nghiệp vụ, giúp BHTGVN phát triển hiệu quả, thực hiện tốt vai trò là công cụ chính sách bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, giữ vững ổn định hệ thống tài chính và nâng cao lòng tin của công chúng vào hệ thống tài chính quốc gia. Theo đó, BHTGVN đã ứng dụng CNTT vào các hoạt động nghiệp vụ để thích nghi với những thay đổi trong ngành công nghệ tài chính và nâng cao hiệu quả hoạt động. Mọi hoạt động nghiệp vụ đều được triển khai trên cơ sở ứng dụng CNTT hiệu quả, đặc biệt là hoạt động giám sát đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG).
Khối lượng thông tin báo cáo bằng điện tử của hoạt động giám sát rất lớn
Về hoạt động giám sát, khoản 10, Điều 13 Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 quy định:“Tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin về tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nhằm phát hiện và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng”. Theo đó, thông tin để thực hiện giám sát các tổ chức tham gia BHTG bao gồm: Thông tin, báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm, thông tin về tổ chức tham gia BHTG mà BHTGVN tiếp nhận từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các thông tin khác. Khối lượng thông tin báo cáo bằng dữ liệu điện tử mà BHTGVN tiếp nhận từ NHNN rất lớn với số lượng tổ chức tham gia BHTG gồm: 97 ngân hàng với hơn 50 mẫu biểu báo cáo với mỗi tổ chức, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân với 17 mẫu biểu báo cáo mỗi tổ chức, 4 tổ chức tài chính vi mô với 12 mẫu biểu báo cáo mỗi tổ chức. Các mẫu biểu báo cáo được tiếp nhận đa dạng về các kỳ dữ liệu như ngày, 3 kỳ/tháng, tháng, quý, 6 tháng, năm…
Để có thể khai thác sử dụng hiệu quả khối lượng thông tin dữ liệu trên cần có giải pháp ứng dụng CNTT hiệu quả để khai thác một cách toàn diện khối lượng dữ liệu được tiếp cận với đặc điểm: Khối lượng thông tin, dữ liệu lớn; tính không đồng nhất, tính phức tạp của mỗi mẫu biểu, đặc tính thời gian của dữ liệu và vấn đề bảo mật thông tin, dữ liệu được tiếp nhận.
Ứng dụng CNTT trong hoạt động giám sát tại BHTGVN
Để giải quyết những thách thức trên, BHTGVN đã từng bước ứng dụng CNTT một cách hiệu quả để khai thác theo từng quy trình của hoạt động giám sát. Các cách thức ứng dụng CNTT bao gồm công nghệ, tiêu chuẩn hóa và kết hợp việc sử dụng các công cụ phân tích, các hàm toán học…
Sơ đồ 1: Ứng dụng CNTT trong hoạt động giám sát
Quá trình ứng dụng CNTT trong hoạt động giám sát có thể tóm tắt thành 3 bước chính:
Bước 1: Chuẩn hóa dữ liệu đầu vào (quản lý đầu vào)
Trên cơ sở dữ liệu thô thu thập được (là các thông tin, mẫu biểu báo cáo của các tổ chức tham gia BHTG) qua quá trình chuyển đổi dữ liệu bằng cách sử dụng các quy ước, định nghĩa và hàm… các dữ liệu thô này được chuyển thành một định dạng chung thống nhất. Từ đó, đảm bảo dữ liệu được nhất quán và có thể so sánh được giữa các chỉ tiêu của các báo cáo theo thời gian và không gian.
Sơ đồ 2: Quy ước trong việc chuẩn hóa dữ liệu thông tin đầu vào
Kết quả của quá trình chuẩn hóa dữ liệu có thể cải thiện chất lượng dữ liệu được sử dụng bằng cách giảm các sai sót liên quan đến việc nhập thủ công của cán bộ, đảm bảo cho thông tin tiếp nhận đạt được độ chính xác. Ngoài ra, cho phép liên kết lớn hơn các bộ dữ liệu, đảm bảo tính đầy đủ; cho phép việc kết xuất dữ liệu một cách nhanh nhất, đảm bảo tính kịp thời, từ đó, tạo ra khối dữ liệu chất lượng cao hơn, giảm thời gian của cán bộ cho việc làm sạch, giải thích và xác thực dữ liệu.
Bước 2: Tổng hợp, xử lý thông tin dữ liệu đầu vào đã được chuẩn hóa
Trên cơ sở kho dữ liệu đã được chuẩn hóa, việc ứng dụng CNTT thông qua việc sử dụng các hàm đã cho phép cán bộ giám sát có thể lưu trữ, phân tích dữ liệu một cách độc lập. Thông qua việc sử dụng các thông tin đa chiều về không gian và thời gian, thường là một chuỗi các ký tự chữ và số được liên kết với nhau để tạo ra một chỉ tiêu cho một mục đích cụ thể của người sử dụng.
Một số cách kết hợp các thông tin phổ biến như: Chuỗi chỉ tiêu theo thời gian, chuỗi chỉ tiêu theo tổ chức, nhóm tổ chức, kết hợp đa dạng các chỉ tiêu đã được chuẩn hóa tại một hay nhiều mẫu biểu báo cáo thành một, một số chỉ tiêu. Việc tính toán các chỉ tiêu theo nhu cầu của người dùng giúp cán bộ tìm kiếm thiết kế tối ưu theo nhu cầu bằng việc thay đổi các chỉ tiêu đầu vào trong quá trình tính toán chỉ tiêu giám sát.
Sau khi sử dụng các hàm tính toán sẽ được kết quả là các chỉ tiêu giám sát bao gồm 2 hệ thống chỉ tiêu chính:
Một là hệ thống chỉ tiêu vi mô: Đây là hệ thống chỉ tiêu giám sát của một tổ chức, như các chỉ tiêu về nguồn vốn, tài sản, tín dụng, kết quả kinh doanh, chỉ tiêu về vi phạm quy định an toàn trong hoạt động ngân hàng…
Hai là hệ thống chỉ tiêu giám sát của nhóm tổ chức, như nhóm chỉ tiêu theo quy mô, theo địa bàn, theo chi nhánh, theo loại hình tham gia BHTG, hệ thống các tổ chức tham gia BHTG…
Bước 3: Quy trình tạo báo cáo từ các chỉ tiêu giám sát đã được tính toán (quản lý đầu ra)
Thông qua hệ thống Oracle, giúp người dùng linh hoạt hơn trong việc sử dụng các dữ liệu chi tiết, dễ dàng tạo báo cáo từ các chỉ tiêu đã được thiết lập. Hệ thống hỗ trợ người dùng tạo ra hệ thống mẫu biểu báo cáo dưới 2 dạng:
Mẫu biểu báo cáo cố định: Là các mẫu biểu báo cáo theo quy định của BHTGVN và các mẫu biểu của các tổ chức tham gia BHTG tiếp nhận từ NHNN.
Mẫu biểu báo cáo theo yêu cầu của người sử dụng: Tùy theo nhu cầu của người sử dụng, hệ thống hỗ trợ việc gắp, nhóm chỉ tiêu vào một báo cáo. Từ đó, giúp người dùng dễ dàng trong việc truy xuất thông tin cũng như hỗ trợ trong quá trình đưa ra nhận xét đánh giá về tổ chức tham gia BHTG.
Từ những phân tích nêu trên, có một vài vấn đề đặt ra trong việc ứng dụng CNTT đối với hoạt động giám sát trong thời gian tới. Cụ thể:
Một là, tiếp tục triển khai ứng dụng CNTT vào hoạt động giám sát thông qua việc nghiên cứu ứng dụng cách mạng công nghệ 4.0 như Big data (dữ liệu lớn), máy học (API), ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)… để nâng cao hiệu quả thu thập dữ liệu và chất lượng dữ liệu giúp đẩy nhanh quá trình xử lý và ra quyết định. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị trong hệ thống để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả trong việc xây dựng hệ thống báo cáo khai thác từ kho dữ liệu lưu trữ theo hướng tạo chủ động cho người dùng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của hoạt động giám sát.
Hai là, đối với người sử dụng tại các đơn vị, cần thường xuyên khai thác, sử dụng phần mềm giám sát đảm bảo tuân thủ theo đúng quy trình nghiệp vụ đã ban hành để giảm thiểu các sai sót trong quá trình sử dụng. Đồng thời, trong quá trình sử dụng cần phản hồi các khó khăn, vướng mắc khi khai thác, sử dụng phần mềm ứng dụng để nghiên cứu, chỉnh sửa xử lý dứt điểm các vấn đề còn tồn tại của hệ thống CNTT, đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả. Bên cạnh đó, phối hợp các đơn vị thuộc BHTGVN và nhà thầu triển khai tốt hoạt động bảo trì, vận hành.
Ba là, để có thể khai thác ứng dụng CNTT hiệu quả trong hoạt động giám sát, yếu tố con người đóng vai trò vô cùng quan trọng. Do vậy, BHTGVN cần tổ chức nguồn nhân lực CNTT của BHTGVN đáp ứng nhu cầu phát triển CNTT cho hoạt động giám sát, cũng như tổ chức các lớp tập huấn về CNTT cho cán bộ làm công tác giám sát.
Bốn là, vấn đề về bảo mật thông tin. Hiện nay, khối lượng thông tin dữ liệu mà BHTGVN được tiếp nhận là khá lớn và phần mềm giám sát được sử dụng chung cho toàn hệ thống. Vì vậy, cần xây dựng tài liệu về các phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin đồng thời với các yêu cầu kỹ thuật, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, xem xét có phương án kiểm tra, xác minh hệ thống được bảo đảm an toàn thông tin như bổ sung các cấu phần về bảo mật.
Phòng Giám sát BHTGVN
Tài liệu tham khảo
Luật Công nghệ thông tin năm 2017.
IADI (2021), Fintech Briefs No.2, Data Standardisation.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (2021), Bản tin BHTG quý IV, kinh nghiệm quốc tề về ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động nghiệp vụ của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (2021), Bản tin BHTG quý IV, chuyển đổi số đối với hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
BIS (2018): “ECB data for analysis and decision-making: data governance and technology”, August.