Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 27/8/2024 về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực tiêu dùng, tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến; đơn giản hóa thủ tục vay vốn, vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn vay nhằm thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa trong nước sản xuất.
Giúp người dân tiếp cận các khoản vay tiêu dùng từ các kênh tín dụng chính thống
Tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển tài chính tiêu dùng là một trong những chủ trương lớn, có tính xuyên suốt trong hoạt động của hệ thống ngân hàng, đã được khẳng định tại Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/1/2020). Trong đó khẳng định: “Phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng phù hợp với đối tượng vay tiêu dùng, có mức lãi suất hợp lý, góp phần ngăn chặn “tín dụng đen”.
Thời gian qua, NHNN đã ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động tín dụng tiêu dùng phù hợp với hoạt động của từng loại hình TCTD, mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng và hình thức cấp tín dụng, từ đó mở rộng và tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng của người dân.
NHNN đã ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 hướng dẫn hoạt động cho vay phục vụ đời sống của TCTD đối với khách hàng; NHNN đã ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành, triển khai nhiều chính sách thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng, áp dụng công nghệ trong cung ứng dịch vụ ngân hàng (eKYC, Mobile Money, Fintech, thanh toán không dùng tiền mặt), tạo điều kiện thuận lợi giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức, mở rộng tín dụng tiêu dùng. Đồng thời, NHNN đã ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN bổ sung các quy định về cho vay bằng phương tiện điện tử đã tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc tiếp cận tín dụng của khách hàng, vay vốn với thời gian nhanh hơn, thủ tục thuận tiện hơn.
Mới đây, ngày 28/6/2024 NHNN đã ban hành Thông tư 12/2024/TT-NHNN Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng (Thông tư 12), trong đó có quy định về khoản cho vay có mức giá trị nhỏ không vượt quá 100 triệu đồng, không bắt buộc khách hàng phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi. Quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách hàng tiếp cận các khoản vay nhỏ nhanh chóng, thuận lợi và dễ dàng hơn, qua đó góp phần hạn chế tín dụng đen.
Đồng thời, NHNN cũng khuyến khích các TCTD cần chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lí hồ sơ vay vốn của khách hàng, đẩy mạnh rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng vay vốn; triển khai các giải pháp theo Đề án 06 (Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030), trong đó có giải pháp ứng dụng dữ liệu từ CSDLQGvDC trong hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng của người dân; xem xét, quyết định theo thẩm quyền việc áp dụng giải pháp ứng dụng CSDL dân cư trong đánh giá khách hàng vay do Bộ Công an cung cấp, bảo đảm hoạt động cho vay an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Theo số liệu của NHNN, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đã đạt trên 3 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 21% dư nợ của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng bình quân giai đoạn từ 2010 đến nay luôn cao hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung của toàn nền kinh tế.
Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động cho vay tiêu dùng của các TCTD vẫn gặp nhiều khó khăn. Nợ xấu cho vay tiêu dùng tăng. Nhiều công ty tài chính lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao. Khả năng thu hồi nợ cũng rất khó khăn. Một số tổ chức “núp bóng” công ty tài chính để cho vay tiêu dùng với lãi suất “cắt cổ” và đòi nợ kiểu xã hội đen đã ảnh hưởng đến uy tín của các công ty tài chính được NHNN cấp phép. Gần đây, xuất hiện tình trạng tội phạm mạng lợi dụng môi trường mạng xã hội, tổ chức nhiều hội nhóm kín, đăng tải các bài viết, video lôi kéo, hướng dẫn cách “bùng nợ” khi vay qua ứng dụng của các ngân hàng, công ty tài chính khiến không ít khoản vay bị chuyển nhóm nợ xấu, nợ khó đòi.
Ngoài ra, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm đánh bạc, tổ chức đánh bạc và tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” đang có sự chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt là trên môi trường mạng, với phương thức thủ đoạn thay đổi, cập nhật hàng ngày, áp dụng công nghệ hiện đại, thủ đoạn tinh vi, khó truy vết so với cách thức phạm tội truyền thống trước đây. Vì vậy việc đối sánh, làm sạch dữ liệu với ngân hàng, thông tin truyền thông (sim rác) đang đặt ra yêu cầu cấp thiết trong công tác quản lý tài khoản, xóa bỏ tài khoản ảo, tài khoản không có thật.
Dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ là nguồn thông tin tốt trong thẩm định cho vay tiêu dùng
Thời gian tới, ngành Ngân hàng cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai việc ứng dụng, khai thác hiệu quả CSDLQGvDC trong hoạt động nghiệp vụ ngân hàng; phối hợp Bộ Công an triển khai Kế hoạch phối hợp giữa 2 cơ quan trong triển khai Quyết định 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Việc kết nối, khai thác CSDLQGvDC, CSDL căn cước công dân còn giúp các đơn vị trong ngành Ngân hàng làm sạch CSDL khách hàng hiện có, loại bỏ các tài khoản “rác” thường được tội phạm lợi dụng để thực hiện các hành vi bất hợp pháp. Hơn nữa, hoạt động làm sạch dữ liệu khách hàng có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo, cho thuê, mượn tài khoản ngân hàng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, ngăn ngừa tội phạm gian lận, lừa đảo tại các tổ chức tín dụng.
Trước đây, do không có dữ liệu chính thống từ CSDLQGvDC nên việc xác định danh tính của khách hàng để ra quyết định cho vay có thể tiêu tốn rất nhiều nguồn lực của các công ty tài chính tiêu dùng. Nhưng đến nay, nguồn dữ liệu từ CSDLQGvDC (đặc biệt trong thời gian tới khi CSDLQGvDC được làm giàu thông tin từ các CSDL của các bộ, ngành) sẽ là nguồn thông tin tốt để các TCTD xác minh nhân thân khách hàng và tra cứu các thông tin để đánh giá khả năng trả nợ (như thông tin về đóng thuế thu nhập, bảo hiểm xã hội…), từ đó có thể đẩy nhanh thủ tục cho vay, góp phần giảm tín dụng đen. Từ “mỏ vàng” dữ liệu, các TCTD sẽ tiết kiệm được chi phí, nguồn lực trong quá trình thẩm định. Đây cũng là điều kiện để giảm lãi vay tiêu dùng, kích thích người dân vay phục vụ nhu cầu đời sống.
Bộ Công an và NHNN cần có hướng dẫn để những đơn vị cho vay tiêu dùng chính thống có thể tiếp cận, khai thác được CSDLQGvDC, CSDL căn cước công dân cho việc chấm điểm tín dụng. Trước đây, do không có dữ liệu chính thống từ CSDLQGvDC nên việc xác định danh tính của khách hàng để ra quyết định cho vay có thể tiêu tốn rất nhiều nguồn lực của các công ty tài chính tiêu dùng.
Hiện nay, một số công ty tài chính đang triển khai ứng dụng kết quả mô hình chấm điểm khả tín của Bộ Công an trong công tác thẩm định và phê duyệt cấp tín dụng. Mô hình này dựa trên CSDLQGvDC, giúp chấm điểm được cả những khách hàng chưa từng có lịch sử tín dụng. Nhờ đó, các TCTD có thể tăng khả năng nhận diện khách hàng và đưa ra các quyết định phê duyệt cấp tín dụng chính xác hơn.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc phát triển các mô hình chấm điểm tín dụng dựa trên phạm vi dữ liệu rộng hơn, bao gồm cả những dữ liệu tín dụng phi truyền thống, sẽ cho phép những khách hàng “under bank” (dưới chuẩn vay ngân hàng) được tiếp cận tín dụng thông qua các công ty tài chính tiêu dùng chính thống.
Điểm tín dụng là căn cứ để các TCTD, công ty tài chính tiêu dùng đưa ra quyết định cho vay đối với mỗi cá nhân. Tại nhiều nước trên thế giới, việc khách hàng có được vay hay không, vay bao nhiêu tiền, lãi suất mức nào... hoàn toàn dựa vào điểm tín dụng.
Ở Việt Nam, NHNN đã xây dựng và phát triển Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) song các chuyên gia đánh giá những thông tin này chỉ là một phần trong cơ cấu chấm điểm tín dụng.
Hiện nay có rất nhiều khách hàng dưới chuẩn ngân hàng là đối tượng phục vụ chủ yếu của các công ty tài chính tiêu dùng. Những người này thường không có lịch sử tín dụng, bởi vậy các công ty tài chính tiêu dùng cần sử dụng những nguồn dữ liệu thay thế để đánh giá khả năng trả nợ của người vay, từ đó đưa ra quyết định cấp tín dụng hay từ chối. Để xây dựng và phát triển hệ thống chấm điểm tín dụng, các công ty tài chính tiêu dùng phải đầu tư nguồn lực rất lớn cho công nghệ và mạng lưới thu thập dữ liệu.
Các Bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu hoàn thiện hành lang pháp lý để các công ty tài chính thu hồi nợ thuận lợi hơn, cần luật hóa để tạo sự công bằng giữa bên vay và cho vay. Có như vậy tín dụng tiêu dùng mới có thể phát triển đúng với tiềm năng.
Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục “làm sạch” tài khoản sim điện thoại trên toàn quốc, loại bỏ sim rác - đây là những loại hình dịch vụ được các đối tượng phạm tội, đặc biệt là đối tượng lừa đảo qua mạng, tổ chức đánh bạc, đánh bạc online sử dụng. Đồng thời, Bộ cần tăng cường quản lý tất cả các ứng dụng liên quan đến các hoạt động cho vay trên môi trường điện tử.
Phía các ngân hàng thương mại, công ty tài chính cần đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân phân biệt được các công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép (được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử NHNN, đến nay có 16 công ty tài chính được NHNN cấp phép) với các công ty tài chính “tự xưng” khác, đồng thời nhận diện được các app cho vay “đội lốt” P2P Lending; hướng người dân tiếp cận vốn qua các kênh chính thức để tránh rơi vào vóng xoáy tín dụng đen.
Thanh Thủy