Trong quá trình thảo luận, các Thống đốc NHTW đã thống nhất tăng tỉ lệ vốn phụ đối với những ngân hàng qui mô lớn và có tầm quan trọng chiến lược mà sự đổ vỡ của nó có thể gây ra khủng hoảng tài chính mới, trong đó mối liên kết giữa vấn đề nợ công và hệ thống ngân hàng đang là hiểm họa lớn nhất đối với sự ổn định tài chính toàn cầu. Trước mắt, tối đa 30 ngân hàng lớn nhất thế giới phải chịu khoản phụ phí 1-2,5 điểm phần trăm đối với vốn lõi cấp 1, thấp hơn mức 3-3,5 điểm phần trăm do Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng đề xuất tại cuộc họp vào ngày 23-24/6.
Cách đây một năm, Ủy ban Ổn định tài chính (FSB) đã triệu tập các quan chức tài chính, các nhà điều chỉnh và lãnh đạo NHTW các nước G20, đã giao cho Ủy ban Basel dự thảo yêu cầu bổ sung vốn đối với những ngân hàng quá lớn, nhưng kế hoạch tăng vốn trên đây đã bị lùi lại do tranh cãi giữa các nước G20 trong việc xác định nhóm ngân hàng quan trọng chiến lược và những biện pháp thay thế cho vốn cơ bản.
Báo cáo thường niên khẳng định, việc yêu cầu tăng vốn lõi cấp 1 từ 2% trên tổng tài sản có rủi ro theo qui định trước đây lên 7% kể từ năm 2013 là phản ứng điều chỉnh cơ bản sau khi nhiều vấn đề được phát hiện trong khủng hoảng tài chính vừa qua và là tiêu chuẩn chính cho sự ổn định của một ngân hàng, riêng nhóm 30 ngân hàng quan trọng chiến lược trên đây phải chịu tỉ lệ tối đa là 9,5%. Việc đáp ứng các qui định Basel 3 được phân theo các giai đoạn từ năm 2013 đến 2019 và tỉ lệ phụ phí sẽ tăng dần để tránh ảnh hưởng đến việc mở rộng qui mô hoạt động ngân hàng.
Kế hoạch chi tiết sẽ được FSB công bố sau cuộc họp 18/7 tới, làm cơ sở để lãnh đạo G20 thông qua vào cuối năm. Kế hoạch này sẽ đưa ra cho mỗi ngân hàng một mức phụ thu riêng dựa trên quy mô của ngân hàng, mức độ tiếp cận toàn cầu và sự phức tạp trong cơ cấu tổ chức. Trong quá trình thực hiện, các ngân hàng có thể điều chỉnh cơ cấu vốn khi có sự thay đổi trong quy mô, cấu trúc và mức độ rủi ro.
Theo tính toán của Ủy ban Basel, ít nhất 8 ngân hàng (bao gồm, Citigroup, Bank of America, JP Morgan, Deutsche Bank, HSBC, BNP Paribas, Ngân hàng Hoàng gia Scotland và Barclays) đang là mục tiêu cho việc tính phụ phí vốn 2,5% so tài sản có rủi ro. Như vậy, những ngân hàng này sẽ phải duy trì tỷ lệ vốn cấp một 9,5%. Các ngân hàng Goldman Sachs, Morgan Stanley, UBS và Credit Suisse sẽ nằm trong danh sách tiếp theo với mức phụ phí 2% và tỷ lệ vốn cấp 1 là 9%. Số còn lại, khoảng 10-15 ngân hàng sẽ phải chịu các mức phụ phí 0,5-2%.
BIS cho rằng, các nước nên vận động nhanh hơn nếu các ngân hàng có lợi nhuận và có khả năng áp dụng qui định vốn mới mà không phải hạn chế tín dụng, nghiên cứu kỹ tiêu chuẩn vốn tối thiểu (gọi là Basel 3) và đề ra qui định cao hơn tùy theo khả năng tài chính của các ngân hàng trong nước. Việc trì hoãn hay hạ thấp các qui định Basel 3 có thể đe dọa sự ổn định tài chính và khả năng phục hồi bền vững trong dài hạn, điều này cần đến nỗ lực của các ngân hàng và cơ quan giám sát. Trên thực tế, qui định Basel 3 chỉ thiết lập “yêu cầu vốn tối thiểu” và nhiều nước có thể đưa ra tiêu chuẩn vốn cao hơn.
Thống đốc NHTW Anh (BoE) và một số bộ trưởng tài chính EU khẳng định, các nhà điều chỉnh quốc gia có thể đưa ra qui định khắt khe hơn đối với các ngân hàng trong nước. Lập trường này tương phản với dự thảo kế hoạch của EU cho rằng, việc áp dụng Basel 3 tại châu Âu có thể hạn chế tính linh hoạt của các nhà tạo lập chính sách quốc gia trong việc đưa ra qui định về phụ phí cho từng trường hợp cụ thể.
BIS cho rằng, các nhà điều chỉnh cũng nên đóng vai trò mạnh hơn trong việc giám sát ngân hàng để đảm bảo chắc chắn là các ngân hàng hoạt động trong mức vốn thỏa thuận, dự phòng thanh khoản và quản lý rủi ro, nhất là đối với những ngân hàng lớn và phức tạp nhất. Đồng thời, cấm các ngân hàng tạo lợi thế để tăng tiền lãi cổ phần trong thời gian 2013-2019, nếu vẫn có dấu hiệu mất cân đối và rủi ro kinh tế vĩ mô.
Cuộc họp ngày 25/6 vừa qua là thành công quan trọng của Ủy ban Basel với sự nhất trí cao của các nhà lãnh đạo tài chính hàng đầu trên thế giới, cho thấy sự cần thiết phải nhanh chóng áp dụng các qui định Basel nhằm nhanh chóng đưa kinh tế thế giới thoát khỏi suy thoái và phục hồi bền vững.