Ngoài vai trò BHTG, nhiều tổ chức BHTG còn chịu trách nhiệm thực hiện các chức năng khác của mạng an toàn tài chính. Theo kết quả khảo sát thường niên của IADI năm 2019 tại khu vực APRC, các tổ chức BHTG thực hiện chức năng xử lý (một mình hoặc cùng với Ngân hàng Trung ương hoặc Cơ quan quản lý/ Giám sát Ngân hàng) gồm Tổng công ty BHTG Indonesia, Tổng công ty BHTG Nhật Bản, Tổng công ty BHTG Malaysia, Tổng công ty BHTG Philippines, Tổng công ty BHTG Trung Ương và Cơ quan BHTG Nga. Riêng Tổng công ty BHTG Hàn Quốc thực hiện cả chức năng quản lý và giám sát an toàn và chức năng xử lý cùng với Ủy ban Dịch vụ Tài chính.
Để có cái nhìn thực tiễn, bài viết đề cập tới mạng an toàn tài chính và vai trò của tổ chức BHTG trong Mạng an toàn tài chính tại một số quốc gia khu vực Châu Á Thái Bình Dương (APRC).
Vai trò của tổ chức BHTG trong Mạng an toàn tài chính tại APRC
Theo Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI), mạng an toàn tài chính là một khuôn khổ bao gồm các tổ chức thực hiện các chức năng: quản lý và giám sát an toàn; xử lý; người cho vay cuối cùng và BHTG. Tại nhiều quốc gia, một bộ thuộc Chính phủ (thường là Bộ Tài chính hoặc Kho bạc chịu trách nhiệm hoạch định chính sách tài chính) cũng là một thành viên của mạng an toàn tài chính. Chức năng của mạng an toàn tài chính có thể do nhiều cơ quan thực hiện hoặc do một cơ quan đảm nhận. Các cơ quan tham gia vào mạng an toàn tài chính thường bao gồm:
- Ngân hàng Trung ương: chịu trách nhiệm về chính sách tiền tệ, giám sát hệ thống thanh toán và chức năng người cho vay cuối cùng.
- Cơ quan giám sát: giám sát rủi ro của các tổ chức tài chính và can thiệp khi những rủi ro đó trở nên nguy hiểm quá mức hoặc gây nguy hại đến khả năng tồn tại của các tổ chức tài chính này.
- Cơ quan xử lý: có trách nhiệm xử lý các ngân hàng gặp khó khăn hoặc có vấn đề.
- Tổ chức BHTG: chịu trách nhiệm về hoạt động BHTG, bảo lãnh tiền gửi hoặc các thỏa thuận bảo vệ tiền gửi tương tự.
- Một bộ thuộc Chính phủ (thường là Bộ Tài chính hoặc Kho bạc chịu trách nhiệm hoạch định chính sách tài chính): can thiệp sâu những tình huống khủng hoảng mà có thể cần sử dụng nguồn vốn công để cung cấp cơ chế đảm bảo tài chính.
Mạng an toàn tài chính có vai trò đảm bảo (i) hệ thống tài chính hoạt động một cách an toàn và lành mạnh (ii) nếu một tổ chức tài chính đổ vỡ sẽ được xử lý mà không gây nên gián đoạn nghiêm trọng trong hệ thống tài chính. Khuôn khổ mạng an toàn tài chính rất đa dạng, không có một mô hình hoặc quy định nào phổ biến trên toàn cầu. Tại một số nước, Ngân hàng Trung ương cũng chịu trách nhiệm đối với một số chức năng khác của mạng an toàn tài chính như quản lý và giám sát an toàn, xử lý hoặc thậm chí cả BHTG. Ở một vài nước, chức năng quản lý và giám sát an toàn được thực hiện bởi một cơ quan chuyên môn thường được gọi là cơ quan dịch vụ tài chính. Chức năng xử lý có thể được thực hiện bởi cơ quan quản lý/ giám sát ngân hàng, Ngân hàng Trung ương hoặc tổ chức BHTG.
Bảng: Cơ quan thực hiện các chức năng của mạng an toàn tài chính tại một số quốc gia thuộc khu vực APRC
Chức năng/ Khu vực pháp lý |
Quản lý và giám sát an toàn |
Xử lý |
Người cho vay cuối cùng |
BHTG |
Indonesia |
Cơ quan Dịch vụ Tài chính |
Tổng Công ty BHTG Indonesia |
Ngân hàng Trung ương |
Tổng Công ty BHTG Indonesia |
Nhật Bản |
Cơ quan Dịch vụ Tài chính |
Tổng Công ty BHTG Nhật Bản |
Ngân hàng Trung ương |
Tổng Công ty BHTG Nhật Bản |
Hàn Quốc |
- Ủy ban Dịch vụ Tài chính - Tổng Công ty BHTG Hàn Quốc |
- Ủy ban Dịch vụ Tài chính - Tổng Công ty BHTG Hàn Quốc |
Ngân hàng Trung ương |
Tổng Công ty BHTG Hàn Quốc |
Malaysia |
Ngân hàng Trung ương |
- Ngân hàng Trung ương - Tổng Công ty BHTG Malaysia |
Ngân hàng Trung ương |
Tổng Công ty BHTG Malaysia |
Philippines |
Ngân hàng Trung ương |
- Ngân hàng Trung ương - Tổng Công ty BHTG Philippine |
Ngân hàng Trung ương |
Tổng Công ty BHTG Philippine |
Đài Bắc Trung Quốc |
- Ủy ban Giám sát Tài chính - Hội đồng Nông nghiệp |
- Tổng Công ty BHTG Trung Ương - Ủy ban Giám sát Tài chính - Hội đồng Nông nghiệp |
Ngân hàng Trung ương |
Tổng Công ty BHTG Trung Ương |
Nga |
Ngân hàng Trung ương |
- Ngân hàng Trung ương - Cơ quan BHTG |
Ngân hàng Trung ương |
Cơ quan BHTG |
Nguồn: Kết quả khảo sát thường niên IADI 2019
Tại Indonesia, mạng an toàn tài chính bao gồm: Cơ quan Dịch vụ Tài chính (FSA), Ngân hàng Trung ương Indonesia, Tổng công ty BHTG Indonesia (IDIC) và Bộ Tài chính. Ngân hàng Trung ương có vai trò là người cho vay cuối cùng trong khi cơ quan xử lý do IDIC đảm nhận, FSA có vai trò là cơ quan giám sát và Bộ Tài chính có vai trò phối hợp quản lý khủng hoảng. Việc xử lý tại Indonesia được chia thành 2 trường hợp: Đối với những ngân hàng đổ vỡ không ảnh hưởng hệ thống sẽ được giao trực tiếp cho IDIC xử lý ; Đối với ngân hàng đổ vỡ mang tính hệ thống sẽ được giao cho IDIC sau khi có sự quyết định của Ủy ban Ổn định Hệ thống Tài chính (FSSC).
Tại Malaysia, mạng an toàn tài chính bao gồm Ngân hàng Trung ương, Tổng Công ty BHTG Malaysia (PIDM) và Bộ Tài chính. PIDM và Ngân hàng Trung ương cùng chịu trách nhiệm là cơ quan xử lý và phối hợp chặt chẽ với nhau trong quá trình giám sát cũng như xử lý TCTD yếu kém thông qua Thoả thuận liên minh chiến lược giữa PIDM và Ngân hàng trung ương Malaysia. Ngoài ra, PIDM và Ngân hàng Trung ương Malaysia đã cùng nhau thiết lập khung chính sách cho việc triển khai kế hoạch phục hồi và xử lý đổ vỡ cho các tổ chức tài chính nhằm đảm bảo việc triển khai kế hoạch phục hồi xử lý đổ vỡ được thực hiện hiệu quả.
Tại Đài Bắc Trung Quốc, mạng an toàn tài chính bao gồm Tổng công ty BHTG Trung ương (CDIC), Ngân hàng Trung ương, Ủy ban Giám sát Tài chính (FSC) và Hội đồng Nông nghiệp. Ngân hàng Trung ương có vai trò là người cho vay cuối cùng trong khi cơ quan xử lý do CDIC, Ủy ban Giám sát Tài chính và Hội đồng Nông nghiệp đảm nhận, cơ quan giám sát do Ủy ban Giám sát Tài chính và Hội đồng Nông nghiệp đảm nhận. Khi xảy ra đổ vỡ ngân hàng riêng lẻ, CDIC có đầy đủ thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý ngân hàng đổ vỡ bao gồm: P&A, chi trả tiền gửi, ủy quyền chi trả. Còn trong khủng hoảng có hệ thống, CDIC sẽ được cơ quan có thẩm quyền giao cho việc hỗ trợ ngân hàng mở hoặc áp dụng phương thức ngân hàng bắc cầu. Trong cả hai trường hợp, CDIC đều được FSC giao nhiệm vụ tiếp nhận các tổ chức được bảo hiểm gặp vấn đề, bước đầu tiên trong quá trình xử lý sớm tổ chức bị đổ vỡ sau khi tổ chức đó bị FSC buộc đóng cửa.
Tại Hàn Quốc, mạng an toàn tài chính bao gồm Ủy ban dịch vụ tài chính (FSC - hoạt động như một cơ quan hoạch định chính sách hợp nhất cho tất cả các vấn đề liên quan đến giám sát của ngành công nghiệp tài chính Hàn Quốc), Ủy ban Giám sát Tài chính (FSS - hoạt động như cơ quan giám sát điều hành cho FSC và chủ yếu thực hiện kiểm tra của các tổ chức tài chính cùng với việc thực thi và giám sát các hoạt động khác theo chỉ đạo hoặc giao bởi FSC), Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK), Tổng Công ty Bảo hiểm tiền gửi Hàn Quốc (KDIC), và Bộ Chiến lược và Tài chính (MOSF). Theo Luật Bảo vệ người gửi tiền, KDIC thực hiện giám sát rủi ro đối với các tổ chức tài chính được bảo hiểm nhằm phát hiện sớm các rủi ro và ngăn chặn đổ vỡ xảy ra. KDIC giám sát rủi ro trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với BOK và FSC thông qua biên bản ghi nhớ về chia sẻ thông tin và phối hợp kiểm tra. Theo Luật Tái cơ cấu tổ chức tín dụng, FSC và KDIC là hai cơ quan thực hiện việc xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, và FSC đóng vai trò là cơ quan đầu mối trong việc xử lý. FSC quyết định chiến lược và hành động xử lý, sau đó cùng KDIC thực thi các biện pháp này.
Liên hệ với Việt Nam
Hiện nay khái niệm “mạng an toàn tài chính” chưa được xác định chính thức tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có đầy đủ các cơ quan này gồm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) (chịu trách nhiệm thực hiện chức năng người cho vay cuối cùng, quản lý và giám sát an toàn, xử lý), Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) (thực hiện chức năng BHTG) và Bộ Tài chính (thực hiện bơm vốn vào thị trường và thanh tra, giám sát hoạt động thị trường và công ty chứng khoán, bảo hiểm).
Tuy nhiên, từ kinh nghiệm quốc tế có thể thấy, Việt Nam cần có những quy định cụ thể về mạng an toàn tài chính cũng như việc phối hợp giữa các cơ quan trong mạng an toàn tài chính nhằm đảm bảo (i) hệ thống tài chính hoạt động một cách an toàn và lành mạnh, (ii) nếu một tổ chức tài chính đổ vỡ sẽ được xử lý mà không gây nên gián đoạn nghiêm trọng trong hệ thống tài chính. Đồng thời, các nhà hoạch định chính sách có thể cân nhắc để tổ chức BHTG thực hiện chức năng khác trong mạng an toàn tài chính cùng với NHNN nhằm giúp BHTGVN tham gia tái cơ cấu có hiệu quả đối với các TCTD yếu kém theo định hướng tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tài liệu tham khảo
Kết quả khảo sát thường niên IADI 2019
Tài liệu Vai trò của BHTG trong việc lập kế hoạch dự phòng, quản lý và chuẩn bị ch3o khủng hoàng trên toàn hệ thống, IADI 2019