Theo tài liệu Hướng dẫn chung về phát hiện sớm và can thiệp kịp thời cho các hệ thống BHTG của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI, 2013), phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các ngân hàng yếu kém là rất quan trọng cho sự hoạt động hiệu quả và ổn định của hệ thống BHTG. Phát hiện sớm các các ngân hàng yếu kém hoặc gặp khó khăn giúp tổ chức BHTG chuẩn bị kỹ lưỡng cho các sự kiện được bảo hiểm dự kiến (các cuộc đổ vỡ ngân hàng), khi tổ chức BHTG sẽ cần phải nhanh chóng tích lũy và phân bổ tài chính, nguồn nhân lực và các nguồn lực khác một cách cần thiết (để thực hiện hiệu quả chi trả cho gửi tiền hoặc thỏa thuận việc chuyển tiền gửi như một phần của giao dịch mua lại và tiếp nhận). Trong khi đó, việc can thiệp kịp thời ở giai đoạn đầu khi tình trạng ngân hàng xấu đi, lúc đó các vấn đề được xác định vẫn có thể được khắc phục sẽ mang lại các kết quả tốt nhất. Can thiệp kịp thời có thể làm giảm khả năng phải xử lý ngân hàng, góp phần duy trì sự ổn định hệ thống ngân hàng và niềm tin công chúng trong khi vẫn bảo tồn giá trị của một ngân hàng gặp khó khăn, bảo vệ người gửi tiền tốt hơn và giảm thiểu thiệt hại cho quỹ bảo hiểm tiền gửi.
Thông thường, cơ quan giám sát ngân hàng (là ngân hàng trung ương hoặc một tổ chức chuyên biệt, độc lập) chịu trách nhiệm phát hiện sớm và can thiệp kịp thời ngân hàng yếu kém. Vai trò của tổ chức BHTG trong phát hiện sớm và can thiệp kịp thời phụ thuộc vào mô hình hoạt động của các tổ chức BHTG và đặc điểm từng quốc gia. Việc trao thêm nhiệm vụ phát hiện sớm các ngân hàng có vấn đề cho tổ chức BHTG sẽ giúp tạo ra cơ chế đối chiếu chéo giữa cơ quan chịu trách nhiệm chính trong hoạt động thanh tra, giám sát và tổ chức BHTG qua đó giúp giảm thiểu sự nhân nhượng, cải thiện hiệu quả giám sát hệ thống và giảm thiểu tác động của rủi ro đạo đức trong thực thi chính sách BHTG. Tại một số quốc gia, tổ chức BHTG cũng được trao quyền thực hiện hành động khắc phục nhanh hoặc các hình thức can thiệp khác. Các mục tiêu chính của việc can thiệp là nhằm yêu cầu các ngân hàng khắc phục những khiếm khuyết, quản lý rủi ro thích hợp lý và tối thiểu hóa các thiệt hại tiềm tàng cho người gửi tiền, hệ thống ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế, do kết quả của vụ đổ vỡ ngân hàng. Theo kết quả khảo sát thường niên IADI năm 2020, 45% tổ chức BHTG tham gia trả lời khảo sát có chức năng giám sát rủi ro liên quan đến việc phân tích và đánh giá mức độ rủi ro của các tổ chức thành viên; 86 tổ chức BHTG tham gia trả lời khảo sát cho biết có biện pháp khắc phục kịp thời trong quốc gia của họ và 33% tổ chức BHTG tham gia trả lời khảo sát có tham gia thực hiện biện pháp khắc phục kịp thời.
Vai trò của tổ chức BHTG trong việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời
Nguồn: Kết quả khảo sát thường niên IADI 2020
Để tổ chức BHTG tham gia hiệu quả vào việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các tổ chức tham gia BHTG yếu kém thì tổ chức BHTG cần được tiếp cận kịp thời, chính xác các thông tin liên quan và cần phải có cơ chế thích hợp cho việc chia sẻ thông tin và phối hợp hành động hiệu quả với các cơ quan khác chịu trách nhiệm phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Việc chia sẻ thông tin nên được cụ thể hóa bởi luật hoặc các thỏa thuận chính thức. Theo kết quả khảo sát thường niên IADI 2020, 46% tổ chức BHTG tham gia trả lời khảo sát có thỏa thuận với các thành viên khác trong mạng an toàn tài chính, trong đó phổ biến nhất là các thỏa thuận giữa tổ chức BHTG và ngân hàng trung ương; 50% tổ chức BHTG tham gia trả lời khảo sát được tiếp cận thông tin trực tiếp từ các tổ chức thành viên và thông tin từ cơ quan giám sát. Phần lớn các tổ chức BHTG tham gia trả lời khảo sát (54%) được truy cập thông tin người gửi tiền cũng như thông tin tài chính của ngân hàng yếu kém trước khi ngân hàng bị tuyên bố mất khả năng thanh toán.
Vai trò của một số tổ chức BHTG trong quá trình phát hiện và can thiệp sớm
Tại Đài Bắc Trung Quốc, Tổng công ty BHTG Trung ương (CDIC) tiếp cận thông tin giám sát từ cả cơ quan giám sát ngân hàng và trực tiếp từ các tổ chức thành viên. Thông tin được sử dụng cho hệ thống cảnh báo sớm về tài chính nhằm phát hiện sớm tổ chức tham gia BHTG yếu kém. Hệ thống cảnh báo sớm về tài chính của CDIC đánh giá tình trạng hoạt động của tất cả các tổ chức tài chính nhận tiền gửi, bao gồm các ngân hàng, hợp tác xã tín dụng, các hiệp hội tín dụng của nông dân và ngư dân. Qua đó, CDIC đánh giá mức độ nghiêm trọng của trường hợp đổ vỡ ngân hàng (có tính hệ thống hay không) và đưa ra những phương pháp phù hợp để có thể đối phó với những kịch bản có thể xảy ra. CDIC định kỳ cung cấp kết quả cảnh báo sớm cho các cơ quan giám sát theo cơ chế chia sẻ thông tin giám sát, từ đó nâng cao hiệu quả công tác giám sát tài chính. CDIC thực hiện kiểm tra tại chỗ nhằm kiểm tra lại những khác biệt đáng kể về thông tin/dữ liệu của những báo cáo liền kề, hoặc giữa báo cáo đặc biệt và báo cáo kiểm tra định kỳ của tổ chức được bảo hiểm. Đối với các tổ chức tham gia BHTG yếu kém, CDIC thực hiện nhiều biện pháp để can thiệp kịp thời như: (i) Gửi văn bản yêu cầu khắc phục và tiếp tục theo dõi; (ii) Gửi công văn thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền để thảo luận và xem xét; (iii) Theo dõi và đánh giá báo cáo đặc biệt, thường xuyên cập nhật về tình trạng cũng như về kế hoạch hỗ trợ; (iv) Thực hiện thanh tra đặc biệt khi có khác biệt hoặc sai phạm nghiêm trọng; (v) CDIC cử cán bộ đến hướng dẫn tại chỗ hoặc thực hiện tiếp nhận tổ chức đó theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền khi tổ chức tham gia BHTG xảy ra thiếu hụt vốn nghiêm trọng hoặc khủng hoảng…
Tại Indonesia, Tổng công ty BHTG Indonesia (IDIC) đánh giá tình hình hoạt động, phát hiện những rủi ro tiềm ẩn đối với những ngân hàng gặp khó khăn dựa trên các dữ liệu do các ngân hàng gửi trực tiếp cho IDIC hàng tháng. Khi một ngân hàng gặp vấn đề và được đặt dưới sự theo dõi của IDIC, IDIC sẽ tiến hành làm rõ tình hình tài chính của ngân hàng, phối hợp với Cơ quan dịch vụ tài chính để thu thập thông tin liên quan đến tình hình quản lý ngân hàng và các vấn đề quản trị cụ thể. Khi các ngân hàng bị đặt dưới tình trạng giám sát đặc biệt, IDIC có quyền can thiệp sớm bao gồm: (i) Chuẩn bị xử lý ngân hàng có ảnh hưởng hệ thống khi ngân hàng bị giám sát chuyên sâu (IDIC thực hiện kiểm tra tại chỗ nhằm thống kê tài sản và nợ của ngân hàng, đánh giá chất lượng tài sản trước khi ước tính chi phí xử lý); (ii) IDIC có thể tiếp thị ngân hàng cho các giao dịch P&A; (iii) IDIC yêu cầu ngân hàng phải duy trì tình trạng tài chính để ngăn chặn các thay đổi lớn xảy ra. Với việc được can thiệp sớm và chuẩn bị xử lý, bao gồm kiểm tra tại chỗ ngân hàng gặp vấn đề, IDIC có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị kế hoạch dự phòng, không chỉ trong điều kiện bình thường mà còn trong khủng hoảng.
Liên hệ với trường hợp Việt Nam
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cơ quan giám sát các tổ chức tín dụng (TCTD) và quyết định áp dụng biện pháp xử lý các TCTD yếu kém. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) có quyền: (i) Theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về BHTG; kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý hành vi vi phạm quy định của pháp luật về BHTG; (ii) Tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin về tổ chức tham gia BHTG nhằm phát hiện và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng; (iii) Tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia BHTG theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Như vậy, NHNN chịu trách nhiệm chính trong việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các TCTD yếu kém, BHTGVN hỗ trợ NHNN quá trình phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các TCTD yếu kém thông qua việc giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ và tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên vai trò, nhiệm vụ của thành viên Ban Kiểm soát đặc biệt là cán bộ của BHTGVN chưa được quy định cụ thể gây ảnh hưởng tới hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của BHTGVN.
Theo quy định tại Luật BHTG, BHTGVN được yêu cầu các tổ chức tham gia BHTG cung cấp thông tin về tiền gửi được bảo hiểm. Đối với các thông tin báo cáo khác phục vụ cho việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của BHTGVN như Báo cáo tài chính, Chỉ tiêu và báo cáo thống kê… của tổ chức tham gia BHTG, BHTGVN được tiếp cận, khai thác từ kho dữ liệu của NHNN theo quy định tại Thông tư 34/2016/TT-NHNN ngày 28/12/2016 quy định việc cung cấp thông tin giữa NHNN và BHTGVN. Cũng theo Thông tư 34/2016/TT-NHNN, chậm nhất sau 10 ngày làm việc sau khi có thông tin về tổ chức tham gia BHTG có nguy cơ mất khả năng chi trả, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng gửi thông tin về tổ chức tham gia BHTG có nguy cơ mất khả năng chi trả cho Trụ sở chính BHTGVN. Tuy nhiên, chưa có quy định về việc phối hợp giữa hai tổ chức khi phát hiện tổ chức tham gia BHTG có nguy cơ mất khả năng chi trả.
Để BHTGVN hỗ trợ hiệu quả NHNN trong việc việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các TCTD yếu kém, trong thời gian tới BHTGVN cần nghiên cứu đề xuất quy định cụ thể vai trò, nhiệm vụ của thành viên Ban Kiểm soát đặc biệt là cán bộ của BHTGVN, cũng như cơ chế phối hợp giữa BHTGVN và NHNN khi phát hiện tổ chức tham gia BHTG có nguy cơ mất khả năng chi trả. Ngoài ra, BHTGVN cần tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp, cung cấp thông tin giữa BHTGVN và NHNN và các cơ quan liên quan, xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu đầy đủ nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao./.
Phòng Nghiên cứu tổng hợp & HTQT - BHTGVN
Tài liệu tham khảo
Hướng dẫn chung về phát hiện sớm và can thiệp kịp thời cho các hệ thống BHTG, IADI, 2013
https://www.cdic.gov.tw/main_en/
https://www.lps.go.id/home