Hệ thống Qũy Tín dụng nhân dân (quỹ tín dụng) một mô hình kinh tế tập thể trong lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng, đã trải qua gần 25 năm hình thành và phát triển cả về số lượng thành viên và năng lực tài chính.
Tính đến hết năm 2017, cả nước có 1.177 quỹ tín dụng đang hoạt động ở 57/63 tỉnh, thành phố, hiện diện ở 2.831 xã, phường, thị trấn với hơn 1,6 triệu thành viên.
Điều này, đã khẳng định được vai trò to lớn của nó trong quá trình phát triển kinh tế địa phương, tạo được một kênh tín dụng thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính đối tượng với người nghèo. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, xóa đói, giảm nghèo. Đặc biệt góp phần giảm nạn cho vay nặng lãi, ổn định tình hình trật tự, kinh tế, chính trị, xã hội trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Trong 1.177 quỹ tín dụng đã có những quỹ phát triển vượt bậc, tổng tài sản có lên tới trên 1.000 tỷ đồng, nhiều quỹ hoạt động ổn định hiệu quả. Qua tìm hiểu hoạt động của các quỹ tín dụng có quy mô lớn và tương đối phát triển ổn định, cho thấy nhân tố quyết định cho sự thành công bao gồm: Các quỹ thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của quỹ tín dụng là đặt lợi ích của thành viên lên hàng đầu. Cán bộ của quỹ có tâm huyết nghề nghiệp, có kiến thức nghiệp vụ đi đôi với đạo đức nghề nghiệp.
Có chính sách marketing tốt, có quy chế quản lý tín dụng chặt chẽ, thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ, xây dựng được đội ngũ cộng tác viên tham gia hoạt động cho vay và thu hồi vốn hiệu quả. Hướng tới phong cách làm việc, giao tiếp với khách hàng như một NHTM hiện đại, tạo được lòng tin với người dân địa phương nơi quỹ tín dụng có địa bàn hoạt động.
Tham gia tích cực vào hoạt động an sinh xã hội của địa phương, phát động các phong trào văn nghệ, thể thao có sự tham gia của người dân, các thành viên. Tranh thủ được sự ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước.
Song, một điều không thể phủ nhận, còn có một số quỹ tín dụng hoạt động kém hiệu quả, gây thất thoát vốn, mà nguyên nhân chủ yếu đều do các quỹ tín dụng này hoạt động lệch hướng với tôn chỉ mục đích, đặt lợi ích nhóm lên lợi ích thành viên, thiếu đạo đức nghề nghiệp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của hệ thống quỹ tín dụng, đến an ninh xã hội của địa phương, đòi hỏi phải có biện pháp xử lý, chấn chỉnh kịp thời để khỏi “một con sâu làm rầu nồi canh”.
Từ những bài học thực tế trên có thể thấy, trong bối cảnh trên thị trường tài chính các NHTM đang chú trọng mở rộng thị phần vào các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Họ nắm bắt nhanh những công nghệ ngân hàng hiện đại, ứng dụng công nghệ vào các sản phẩm dịch vụ ngân hàng để thâm nhập sâu vào các khu vực dân cư, đòi hỏi hệ thống quỹ tín dụng không ngừng phát triển an toàn, hiệu quả, duy trì và phát triển thị phần, theo đó các quỹ tín dụng phải tận dụng và phát huy những lợi thế sẵn có của mình.
Trong đó, tính liên kết hệ thống chặt chẽ giữa các quỹ, hỗ trợ giữa các thành viên, tình làng nghĩa xóm, lấy tôn chi mục đích hoạt động của quỹ tín dụng là trụ cột chiến lược phát triển của mình. Ngoài ra, các quỹ tín dụng phải không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ, quản trị điều hành, quản trị rủi ro, đạo đức nghề nghiệp, khẩn trương học hỏi, tìm hiểu và áp dụng công nghệ ngân hàng hiện đại làm trụ cột thứ hai trong chiến lược phát triển của mình. Từ đó, không ngừng đổi mới dịch vụ và phong cách phục vụ khách hàng tốt nhất, mới đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống quỹ tín dụng.