Theo kết quả giám sát của Chi nhánh BHTGVN khu vực ĐBSCL, trên địa bàn quản lý của Chi nhánh có khoảng 4,5% QTDND hoạt động yếu kém (xếp loại mức 4, 5). Tại thời điểm 31/12/2021 có 7 QTDND đang trong tình trạng hoạt động có vấn đề, trong đó 4 QTDND được NHNN đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng yếu kém bắt nguồn từ những vi phạm, sai phạm của lãnh đạo, cán bộ làm việc tại chính các QTDND đó. Những vi phạm, sai phạm phổ biến gồm có:
Vi phạm, sai phạm liên quan đến hoạt động cho vay
Vi phạm này chủ yếu do:
Thứ nhất, QTDND cho vay tập trung chủ yếu vào một nhóm khách hàng có liên quan đến lãnh đạo QTDND. Theo đó, ngay từ khi mới thành lập, lãnh đạo QTDND đã có ý đồ lợi dụng hoạt động của quỹ để phục vụ mục đích cá nhân. Khi QTDND đi vào hoạt động có phát sinh huy động tiền gửi từ khách hàng, lãnh đạo của quỹ một mặt nhờ người thân, cán bộ nhân viên làm việc tại doanh nghiệp do mình quản lý có trụ sở đóng trên địa bàn hoạt động của QTDND tham gia làm thành viên và đăng ký nhu cầu vay vốn tại chính QTDND do mình lãnh đạo, mặt khác chỉ đạo cán bộ làm việc tại quỹ xem xét đề xuất cho vay đối với những hồ sơ xin vay vốn của các đối tượng nêu trên không đúng theo quy định của pháp luật, như: không cần thẩm định hoặc thẩm định phương án vay vốn sơ sài, không cần xem xét tính hợp pháp của tài sản thế chấp, định giá tài sản thế chấp cao hơn nhiều lần so với giá trị thực tế và cho vay với số tiền gần bằng giá trị tài sản thế chấp do mình định giá. Các khoản vay này sau khi được giải ngân, các đối tượng trên giao lại cho chính lãnh đạo của quỹ này để sử dụng cho mục đích kinh doanh bên ngoài. Theo thời gian, khi hoạt động kinh doanh bên ngoài của cá nhân lãnh đạo QTDND có vấn đề và không còn khả năng thanh toán cho những người mà mình nhờ vay thì những người này cũng không có nguồn để thanh toán cho QTDND và bắt đầu phát sinh nợ quá hạn. Khi QTDND đem tài sản thế chấp của những đối tượng này để xử lý thì phát sinh vấn đề pháp lý không thể xử lý hoặc có xử lý được (rất ít) cũng không thu đủ so với số tiền cho vay do trước đó đã định giá quá cao so với giá trị thực tế. Khi cơ quan chức năng vào cuộc xác minh cụ thể, hầu hết dư nợ cho vay tại quỹ đều tập trung vào cá nhân lãnh đạo của quỹ và không có khả năng thu hồi.
Thứ hai, lãnh đạo QTDND cố ý lách quy định về hạn chế tín dụng bằng cách nhờ hoặc thuê người khác đứng tên lập hồ sơ vay vốn tại chính QTDND mình đang làm việc, sau đó lợi dụng vị trí, chức vụ của mình tác động đến cán bộ tín dụng để xem xét cho vay. Sau khi những người được nhờ hoặc thuê đứng tên vay vốn tại QTDND nhận được tiền vay thì giao lại cho lãnh đạo QTDND đó sử dụng. Qua thời gian, khi các khoản vay được tập trung quá nhiều và không có khả năng để cung cấp tài chính cho những người mà mình nhờ hoặc thuê vay hộ để trả cho QTDND sẽ phát sinh nợ quá hạn và được phát hiện khi Thanh tra giám sát ngân hàng NHNN chi nhánh tiến hành xác minh trong quá trình thanh tra trực tiếp tại quỹ.
Thứ ba, khi thành viên đến vay vốn tại QTDND, trong quá trình tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, xét duyệt để cho vay thì lãnh đạo, cán bộ QTDND đặt vấn đề vay ké bằng cách đề nghị thành viên nâng mức vay lên cao hơn so với nhu cầu để cho mình vay lại phần vượt nhu cầu hoặc xin vay lại khoản vay của thành viên với lãi suất cao hơn lãi suất cho vay của chính QTDND. Việc này được phát hiện khi những người vay ké mất khả năng thanh toán và thành viên vay vốn không thanh toán đủ số tiền vay theo hợp đồng tín dụng đã ký với QTDND.
Thứ tư, lập hồ sơ tất toán khống đối với khoản vay khách hàng không có khả năng trả nợ, sau đó lập hồ sơ cho vay mới với số tiền bằng với số tiền nợ của khách hàng, kéo dài qua nhiều kỳ, nhiều năm nhằm che giấu nợ xấu để đối phó với các cơ quan quản lý, với thành viên của quỹ.
Thứ năm, lãnh đạo, cán bộ QTDND lợi dụng thông tin của thành viên đã từng giao dịch hoặc đang giao dịch tại quỹ tự mình giả làm thành viên lập hồ sơ vay vốn tại quỹ để chiếm đoạt tiêu xài cá nhân.
Vi phạm trong hoạt động huy động vốn
Trong quá trình công tác, lợi dụng mối quan hệ quen biết, tin tưởng của khách hàng, lãnh đạo QTDND trực tiếp đến nhà khách hàng để nhận tiền gửi, tuy nhiên sau khi nhận tiền thay vì nộp vào quỹ, lãnh đạo QTDND đã chiếm đoạt khoản tiền này nhưng vẫn phát hành thẻ tiết kiệm giao cho khách hàng.
Lợi dụng khách hàng truyền thống có quan hệ gửi tiền nhiều kỳ tại QTDND, khi khoản tiền gửi của khách hàng đến hạn thanh toán nhưng khách hàng chỉ có nhu cầu rút lãi và gửi lại gốc theo kỳ hạn mới. Để chiếm đoạt khoản tiền gốc theo kỳ hạn mới của khách hàng, lãnhđạo QTDND chỉ đạo kế toán, thủ quỹ thực hiện các thủ tục tất toán gốc và lãi sổ tiết kiệm cũ, đề nghị khách hàng ký nhận trên các chứng từ chi, thu sau đó phát hành thẻ tiết kiệm kỳ hạn mới cho khách hàng. Người gửi tiền nhận lãi với sổ tiết kiệm kỳ hạn mới mang về, còn lại phần gốc ở phiếu chi thì lãnh đạo QTDND chiếm đoạt.
Ngoài ra còn có vi phạm khác trong quá trình hoạt động như lợi dụng pháp nhân QTDND phát hành chứng thư bảo lãnh cho cá nhân làm việc tại QTDND mua hàng hóa của doanh nghiệp đem bán tiêu xài cá nhân. Khi doanh nghiệp mang chứng thư đến QTDND để đề nghị thanh toán mới vỡ lẽ là QTDND không có chức năng phát hành chứng thư bảo lãnh theo quy định của pháp luật. Đây là trường hợp hy hữu đã xảy ra tại một QTDND trên địa bàn quản lý của Chi nhánh và đã được các cơ quan có thẩm quyền xử lý cá nhân vi phạm.
Những vi phạm, sai phạm này luôn có tính hệ thống, kéo dài và một cá nhân không thể thực hiện được mà phải có sự nể nang, bàn bạc, đồng thuận, giúp sức của một số cá nhân, bộ phận làm việc tại quỹ. Mặt khác, những người vi phạm hầu hết là lãnh đạo của QTDND nên có điều kiện tác động để tìm cách che giấu, đối phó nhằm tránh bị phát hiện. Để xảy ra tình trạng dẫn đến QTDND hoạt động yếu kém từ những vi phạm, sai phạm nêu trên không thể không tính đến trách nhiệm của Ban kiểm soát tại chính QTDND đó.
Ban kiểm soát với nhiệm vụ, quyền hạn của mình có vai trò quan trọng trong việc thay mặt thành viên thực hiện việc kiểm tra, giám sát và phát hiện vi phạm, sai phạm của QTDND trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, thực tế tại các QTDND yếu kém, Ban kiểm soát chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình. Trưởng ban kiểm soát, kiểm soát viên chuyên trách không thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nhiệm vụ được giao, lơ là công tác kiểm tra, giám sát hoạt động hằng ngày của quỹ, cuối kỳ căn cứ các báo cáo, hồ sơ, sổ sách tại quỹ xây dựng báo cáo mà không thực hiện kiểm tra, giám sát nên không phát hiện sai phạm. Qua thực tế khi phân tích các sai phạm tại các QTDND yếu kém, phát hiện có sự nể nang, không ngăn chặn, không báo cáo đối với những hành vi vi phạm, sai phạm của lãnh đạo, cán bộ làm việc tại quỹ; đặc biệt có nhiều trường hợp trưởng Ban kiểm soát, kiểm soát viên chuyên trách cùng tham gia bàn bạc, cùng thực hiện sai phạm, như bàn bạc nhờ hoặc thuê người khác vay hộ, lập hồ sơ vay khống, vay ké với thành viên. Do đó, các hành vi vi phạm, sai phạm được che giấu, kéo dài dẫn đến QTDND hoạt động ngày càng yếu kém.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Chi nhánh luôn quán triệt đến các bộ phận nghiệp vụ chú trọng đến việc theo dõi, kiểm tra, xử lý thông tin nhằm sớm phát hiện và kiến nghị NHNN xử lý kịp thời những vi phạm về an toàn hoạt động ngân hàng của các QTDND. Trong hoạt động giám sát, ngoài việc xem xét, phân tích, đánh giá theo các tiêu chí chung tại quy chế giám sát còn tập trung phân tích, đánh giá đối với một số QTDND có sự thay đổi về cơ cấu lãnh đạo, QTDND có tài khoản lãi dự thu chiếm tỷ lệ cao so với cơ cấu dư nợ; QTDND có nợ xấu cao, kéo dài và lưu ý một số QTDND không có nợ quá hạn qua nhiều kỳ. Hoạt động kiểm tra chú trọng xem xét việc tuân thủ quy trình huy động tiền gửi, đặc biệt kiểm tra việc quản lý, sử dụng ấn chỉ trắng tại QTDND đảm bảo ấn chỉ trắng được sử dụng đúng mục đích, số lượng./.
Tấn Lập
Chi nhánh BHTGVN khu vực ĐBSCL