2017 đánh dấu là một năm thành công trong hoạt động xử lý nợ xấu, nhất là mua bán nợ xấu theo giá thị trường khi VAMC đã mua được 3.100 tỷ đồng nợ xấu gấp 3 lần mục tiêu đề ra từ đầu năm. Vậy, năm 2018 kế hoạch mua bán nợ xấu của VAMC ra sao, khi Nghị quyết 42 đi vào cuộc sống có tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho con đường xử lý nợ xấu hay không? Phóng viên Thời báo Ngân hàng có cuộc trao đổi với Tổng giám đốc VAMC TS. Đoàn Văn Thắng để hiểu rõ hơn về hoạt động này.
Ông có thể chia sẻ đâu là yếu tố thúc đẩy quá trình mua bán nợ xấu của VAMC nhanh hơn?
Ngay từ đầu năm 2017, VAMC đã triển khai và hoàn thành việc rà soát, phân loại và dự kiến biện pháp xử lý đối với các khoản nợ có dư nợ hơn 30 tỷ đồng với tổng dư nợ gốc được rà soát là 160.474 tỷ đồng. Trên cơ sở đánh giá phân loại biện pháp xử lý nợ, VAMC lựa chọn các khách hàng, khoản nợ có khả năng xử lý với các biện pháp phù hợp hoặc chuyển sang mua nợ theo giá trị thị trường. Đặc biệt, VAMC đã thành lập 4 Tổ xử lý nợ thuộc các ban nghiệp vụ nhằm huy động toàn bộ nguồn lực để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42 và công tác mua, bán và xử lý nợ.
Năm 2017 cũng là năm ghi nhận kết quả bán đấu giá thành công một số tài sản bảo đảm và khoản nợ của VAMC cũng như mua bán nợ xấu theo giá thị trường. Trong năm qua VAMC đã mua nợ theo giá thị trường hơn 3.100 tỷ đồng. Bước sang năm 2018 chúng tôi đang tiếp tục lựa chọn một số khoản nợ để có thể mua theo giá thị trường. Triển khai Luật Đấu giá và Nghị định 61 của Chính phủ về thực hiện bán đấu giá đối với các tài sản và khoản nợ của VAMC, ngay trong tháng 4 này, VAMC đã trực tiếp đấu giá thành công một khoản nợ của một công ty trước đây vay vốn tại BIDV chi nhánh Tây Quảng Ninh, một khoản nợ ở Bình Dương, một khoản nợ là một khách sạn ở Vũng Tàu…
Nói như vậy, có vẻ việc mua bán nợ xấu theo giá thị trường đang thuận lợi. Nhưng hiện tại một số NH kêu gặp khó trong việc bán nợ, đấu giá tài sản bảo đảm đến lần thứ 5 vẫn chưa bán được. Ông nghĩ sao về việc này?
Về tổng thể, bức tranh mua bán nợ xấu đang tiến triển thuận lợi hơn. Nhưng thị trường cũng muôn hình vạn trạng. Đấu giá tài sản hay khoản nợ thì cũng có cái dễ, có cái khó. Có tài sản VAMC chỉ đấu giá 1 lần là được như khoản nợ ở Bình Dương. Hay một khoản nợ ở Quảng Ninh cũng chỉ qua một lần đấu giá VAMC là bán thành công. Tuy nhiên, cũng có tài sản phải đấu giá 7 - 8 lần, thậm chí là 10 lần vẫn chưa có người mua. Do vậy, việc đấu giá tài sản đến lần thứ 5 cũng là bình thường. Nó còn phụ thuộc nhiều yếu tố từ thị trường, chất lượng khoản nợ ra sao, giá cả thế nào…
Khoản nợ lớn nhấ là Saigon One Tower mà VAMC mua đã được xử lý chưa, thưa ông?
Dự kiến, trong tháng 6/2018, VAMC thực hiện phiên đấu giá đầu tiên đối với khoản nợ này với giá khởi điểm là 6.110 tỷ đồng. Để thực hiện đấu giá đối với tài sản bảo đảm của khoản nợ này, chúng tôi đã thực hiện thu giữ tài sản ngay sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực và thống nhất với các bên liên quan thực hiện bán tài sản theo phương thức bán đấu giá. Đồng thời lựa chọn tổ chức định giá độc lập, tổ chức đấu giá chuyên nghiệp… để đảm bảo bán tài sản bảo đảm công khai, minh bạch, thu hồi được nợ ở mức cao nhất, tuân thủ các quy định của pháp luật.
Hiện nay, đang có một số nhà đầu tư rất quan tâm đến tài sản bảo đảm này. Chúng tôi hy vọng khoản nợ này được xử lý trong năm 2018.
Ông có thể cho biết thêm những kế hoạch của VAMC thời gian tới?
VAMC đang nỗ lực thực hiện kế hoạch đã đăng ký với NHNN. Những giải pháp, kết quả mua bán, xử lý nợ xấu năm 2017 sẽ là động lực giúp VAMC hoàn thành kế hoạch trong năm 2018. Song, để việc mua bán, xử lý nợ xấu đạt hiệu quả cao hơn, VAMC mong muốn được tháo gỡ những khó khăn vướng mắc từ nội tại cũng như khung pháp lý.
Hiện tại, VAMC đã được NHNN cấp đủ 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ. Tuy nhiên, với kết quả thực hiện đến hết 31/12/2017, vốn điều lệ của VAMC chưa tương xứng với khối lượng và khả năng tiếp tục triển khai mua nợ thị trường của VAMC trong những năm tiếp theo. Vì vậy, VAMC rất mong trong năm nay sẽ được cấp vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng theo Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ.
Mặt khác, VAMC cũng đang gặp những khó khăn nhất định liên quan đến khung pháp lý. Về cơ bản, Nghị quyết số 42 của Quốc hội là cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong xử lý nợ xấu thời gian qua. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, VAMC nhận thấy có một số quy định pháp lý cần tiếp tục được nghiên cứu điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát sinh.
Chẳng hạn như Nghị quyết 42 cho phép áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, VAMC tại toà án. Nhưng, tại Khoản 3 Điều 317 và Khoản 4 Điều 323 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 có quy định trong giai đoạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục rút gọn, nếu xuất hiện tình tiết mới mà các bên đương sự không thống nhất làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn thì toà án phải ra quyết định chuyển sang giải quyết theo thủ tục thông thường. Như vậy, thời gian giải quyết vụ việc lại phải kéo dài đồng nghĩa với xử lý nợ xấu bị chậm trễ…
Vì vậy, nếu không có hướng dẫn cụ thể đối với các quy định trên, việc áp dụng các thủ tục rút gọn được quy định tại Nghị quyết 42 có thể khó thực hiện trong thực tế. VAMC đề nghị các bộ, ngành có liên quan sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về các nội dung để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42. Đơn cử, Toà án Nhân dân tối cao hướng dẫn việc áp dụng các thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Toà án. Bộ Tài nguyên – Môi trường hướng dẫn các thủ tục chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án BĐS đang dở dang; thủ tục nhận thế chấp, đăng ký thế chấp sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất…
Xin cảm ơn ông!
Kế hoạch hoạt động năm 2018 của VAMC + Mua bán nợ theo giá trị thị trường: 3.500 tỷ đồng. + Thu hồi nợ: 24.890 tỷ đồng. Trong đó: thu hồi từ khoản nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt là 20.000 tỷ đồng; thu hồi từ khoản nợ mua theo giá thị trường: 4.890 tỷ đồng. |