Công ty xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Moody's vừa cho biết, kết quả năm 2017 của 14 ngân hàng Việt Nam cho thấy chất lượng tài sản được cải thiện vừa phải so với năm trước. Lợi nhuận cũng được cải thiện nhờ điều kiện kinh tế vĩ mô mạnh mẽ và tăng trưởng thu nhập.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng, Moody's thường dùng các tiêu chí đánh giá tài sản và hoạt động ngân hàng, trước nhất là vấn đề nợ xấu, dư nợ trên tổng tài sản, sự phát triển của tài sản của ngân hàng. Họ xem loại tài sản nào tăng trưởng và những loại tài sản sinh lời đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra lợi nhuận ngân hàng. Qua theo dõi chắc chắn họ thấy các tiêu chí trên đã có sự tích cực trong thời gian qua.
“Về phía lợi nhuận thì họ dùng những chỉ tiêu thông thường như ROA, ROE; họ cũng quan tâm tới thị phần của từng ngân hàng mới đưa ra kết quả trên”, TS .Nguyễn Trí Hiếu cho biết. Theo ông, tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân của các ngân hàng đã tăng lên chắc chắn được Moody's dựa vào các báo cáo của NHNN, của các NHTM và bên cạnh đó họ cũng điều tra riêng. Điều tra riêng ở đây, các công ty hoạt động như Moody thường dựa vào các báo cáo kiểm toán độc lập của những công ty lớn của thế giới để đưa ra kết luận trên.
Một chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nếu nhìn vào các báo cáo về lợi nhuận ngân hàng khởi sắc trong năm 2017 có thể thấy kết luận của Moody là thêm sự ghi nhận cho nỗ lực của hệ thống ngân hàng sau một giai đoạn tái cơ cấu vừa qua.
Đáng chú ý, trong đánh giá của mình, Moody's cho biết có 4 ngân hàng đã mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) để tự xử lý.
Trong khi theo báo cáo tổng kết của VAMC mới đây có thông tin: Triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, đề án tái cơ cấu các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, VAMC đã triển khai ký thỏa thuận hợp tác với 3/6 TCTD được NHNN lựa chọn là các đơn vị làm điểm triển khai thực hiện Nghị quyết 42 gồm BIDV, Sacombank và Agribank.
Ba TCTD còn lại là VCB, Techcombank và ACB hiện không còn dư nợ xấu tại VAMC, đây cũng là 3 đơn vị đầu tiên thực hiện mua lại toàn bộ các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC.
Đối với công tác thu giữ, bàn giao tài sản bảo đảm, sau khi Nghị quyết 42 được ban hành, VAMC đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả XLNX, kể cả việc áp dụng những biện pháp mạnh như thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý nhằm thu hồi nợ.
Quá trình thu giữ tài sản bảo đảm của VAMC đều tuân thủ theo đúng trình tự quy định của pháp luật và diễn ra thuận lợi với sự hỗ trợ, phối hợp tích cực của các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương.
Trước Moody's, một số tổ chức tài chính quốc tế cũng đưa ra đánh giá tích cực đối với hoạt động ngân hàng của Việt Nam và sự điều hành chính sách hiệu quả của Chính phủ và NHNN.
Trong đó, theo ông Jonathan Dunn - Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam (IMF) cho rằng, CSTT và tài khóa trong năm 2017 đều hướng tới hỗ trợ tăng trưởng và ổn định vĩ mô. Điều này giúp lãi suất thị trường liên ngân hàng thấp, thanh khoản hệ thống dồi dào.