Tin tức cho biết, tại tòa án liên bang Manhattan ở New York (Mỹ) hôm 3/1, ông Otto Bruderer, một quan chức ngân hàng Wegelin, đã thừa nhận tội giúp các công dân Mỹ trốn thuế và trong giai đoạn từ năm 2002-2010, Wegelin đã tiếp tay cho nhiều khách hàng Mỹ trốn thuế.
Chỉ trong 2008 - 2009, Wegelin mở dịch vụ cho hàng chục tài khoản mới tại Mỹ. Nhằm trấn an khách hàng ở Mỹ, Wegelin nói rằng, các tài khoản của họ sẽ không bị tiết lộ do nhà băng này hiện không có chi nhánh nằm ngoài lãnh thổ của Thụy Sĩ, các công tố viên Mỹ cho hay.
Ngoài ra, Wegelin có những biện pháp khác như đặt ra những tên công ty giả, quỹ giả nằm dưới quyền tài phán của một số nước khác, hay sử dụng mật mã để hạn chế nhắc tới tên thật của khách hàng trên giấy tờ.
Wegelin là ngân hàng được thành lập vào năm 1741, cổ xưa nhất ở Thụy Sỹ. Trong một thông báo đưa ra ngày 3/1, Wegelin cho biết, họ sẽ dừng hoạt động ngân hàng vĩnh viễn sau khi hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền phạt. Wegelin đã đồng ý trả 57,8 triệu USD tiền phạt cho Mỹ.
Báo Wall Street Journal cho biết, tổng số tiền lên tới 57,8 triệu USD mà ngân hàng lâu đời nhất Thụy Sỹ đã đồng ý nộp, bao gồm 20 triệu USD được dùng để trả cho các nhà chức trách Mỹ, 15,8 triệu USD tiền phí cho các tài khoản không khai báo và 22 triệu USD tiền phạt.
Tuy nhiên, những người hùn vốn của ngân hàng đã bán lại các tài khoản của khách hàng không phải người Mỹ trong Wegelin, cho ngân hàng Áo Raiffeisen Group vào tháng 1 năm ngoái, ngay trước khi bị buộc tội.
Dù vậy, theo các công tố viên Liên bang Mỹ, lời thú tội của Wegelin là đòn trời giáng vào tính bảo mật nổi tiếng của ngành ngân hàng Thụy Sỹ. Chiến thắng cũng thể hiện sức mạnh của Bộ Tư pháp Mỹ trong việc buộc một công ty nước ngoài không hoạt động ở Mỹ phải nhận tội.
Lời nhận tội bất ngờ của Wegelin xem như đã chấm dứt vụ kiện tụng chống lại ngân hàng này. Tuy nhiên, số phận của ba lãnh đạo ngân hàng vẫn treo lơ lửng. Theo luật tố tụng hình sự Mỹ, các vụ án chống lại ba lãnh đạo Michael Berlinka, Urs Frei và Roger Keller vẫn còn đó.
Ngoài ra, hiện vẫn chưa rõ liệu ngân hàng Thụy Sỹ này có chấp nhận tiết lộ danh tính của các khách hàng trốn thuế cho chính phủ Mỹ hay không. Trong khi, điều này mới là đòi hỏi chính trong cuộc điều tra về nạn trốn thuế thông qua các ngân hàng Thụy Sĩ của Chính phủ Mỹ.
Cựu công tố viên Jeffrey Neiman từng tham gia cuộc điều tra cho hay, “hiện chưa rõ ngân hàng có bị yêu cầu giao danh tính khách hàng mở tài khoản bí mật hay không. Điều rõ ràng là, Bộ Tư pháp đang sốt sắng theo đuổi các ngân hàng giúp người Mỹ trốn thuế ở nước ngoài”.
Hồi tháng 2/2012, Bộ Tư pháp Mỹ đã ra thông cáo buộc ngân hàng Wegelin tiếp tay cho nhiều công dân giàu có của Mỹ trốn thuế. Wegelin đã chống lại các cáo buộc với lập luận rằng, họ chỉ có các chi nhánh tại Thụy Sĩ nên chỉ chịu sự điều chỉnh của luật ngân hàng nước này.
Ngay sau đó, Chính phủ Mỹ đã phong tỏa hơn 16 triệu USD tại ngân hàng ủy quyền của Wegelin là chi nhánh ngân hàng UBS AG tại bang Connecticut. Wegelin thường sử dụng dịch vụ ủy quyền, thông qua chi nhánh trên của UBS AG, để chuyển tiền cho khách hàng tại Mỹ.
4 năm trước, UBS cũng chấp nhận nộp 780 triệu tiền phạt cho Mỹ vì trốn thuế. UBS đồng ý tiết lộ 4.500 chủ tài khoản người Mỹ. Tuy nhiên, UBS không nhận tội cũng không bị kết tội. Ngân hàng và các công tố viên Mỹ đạt được thỏa thuận trả tiền phạt để hủy bỏ cáo buộc.
Dẫu vậy, vụ việc 4 năm trước của UBS cũng đã tác động mạnh tới uy tín của ngành ngân hàng Thụy Sỹ. Lời thú tội lần này của Wegelin cùng thông báo đóng cửa vĩnh viễn, còn có ảnh hưởng lớn hơn, cho thấy tính bảo mật của nhà băng Thụy Sỹ không còn là bất khả xâm phạm.
Công ty Tư vấn tài chính Zeb/Rolfes Schierenbeck của Đức ước tính, đến năm 2016, các khách hàng châu Âu sẽ rút đi hơn 200 tỷ USD, trong tổng số 800 tỷ USD được cho là tài sản trốn thuế mà các ngân hàng Thụy Sĩ đang cất giữ cho nhóm khách hàng giàu có thế giới.
Bộ Tư pháp Mỹ hiện đang điều tra 10 ngân hàng khác của Thụy Sĩ, trong đó có Credit Suisse, Julius Baer và Basler Kantonalbank... đồng thời cảnh báo những ngân hàng này phải công khai thông tin liên quan đến hàng nghìn khách hàng Mỹ có tài khoản tại các ngân hàng này.
Các tin khác
Tổng quan về Tổng công ty BHTG Đài Loan
Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) Đài Loan (CDIC, Trung Quốc) là một trong những mô hình tổ chức BHTG tiến bộ điển hình ở Châu Á. Được thành lập năm 1985 trên một nền tảng pháp lý vững chắc là Luật BHTG, CDIC là thành viên không thể thiếu của mạng an toàn tài chính quốc gia Đài Loan.
Quỹ bảo hiểm tiền gửi Ethiopia chính thức hoạt động
Ngân hàng Trung ương Ethiopia (NBE) chính thức thành lập Quỹ bảo hiểm tiền gửi Ethiopia (EDIF) từ tháng 11/2023 với tư cách là một thành viên của Mạng an toàn tài chính, bảo vệ cho cho người gửi tiền của các ngân hàng và tổ chức tài chính vi mô, phòng ngừa việc rút tiền hàng loạt.
Campuchia: Nghiên cứu thành lập bảo hiểm tiền gửi cho hệ thống tài chính quốc gia
Ngày 31/10/2023, tại Kampong Thom, trong sự kiện “Ngày Tiết kiệm Asian”, Ngân hàng Trung ương Campuchia (NBC) đã giới thiệu về bảo hiểm tiền gửi và vai trò đối với hệ thống tài chính quốc gia nhằm nâng cao niềm tin công chúng và thúc đẩy tiền gửi tiết kiệm bằng đồng Khmer Riel.
Uganda: Quỹ bảo hiểm tiền gửi tăng gấp 3 lần
Chính phủ Uganda vừa công bố tăng Quỹ bảo hiểm tiền gửi (DPF) từ 400 tỷ Shs (tương đương 117 triệu đô la Mỹ) lên 1,3 nghìn tỷ Shs (tương đương 345 triệu đô la Mỹ).
PIDM tổ chức Hội nghị chuyên đề xử lý đổ vỡ quốc gia lần thứ nhất
Vừa qua, tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi (BHTG)...