Kết quả trên tiếp tục dựa trên ba tiêu chí để xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại chính, cụ thể là: Thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ; thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài.
Tại Báo cáo này, BTC Hoa Kỳ đưa 7 nền kinh tế vào Danh sách giám sát, bao gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Malaysia, Singapore, Thụy Sĩ và Đài Loan. Đồng thời, BTC Hoa Kỳ kết luận không có đối tác thương mại lớn nào của Hoa Kỳ thao túng tiền tệ trong giai đoạn từ tháng 01-12/2022. Trong giai đoạn nêu trên, Việt Nam vượt ngưỡng 1 tiêu chí về thặng dư thương mại hàng hoá và dịch vụ với Hoa Kỳ, do đó BTC Mỹ tiếp tục không đưa Việt Nam vào Danh sách giám sát.
Tại các cuộc làm việc song phương với NHNN Việt Nam, BTC Hoa Kỳ tiếp tục đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá thời gian qua đã duy trì được sự ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, kinh tế vĩ mô trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức. NHNN luôn khẳng định điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu xuyên suốt là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống các TCTD.
NHNN cho biết thời gian qua đã và đang nỗ lực từng bước hiện đại hóa và minh bạch khung khổ chính sách tiền tệ và điều hành tỷ giá. Đồng thời, NHNN điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với trình độ phát triển của thị trường ngoại tệ và các yếu tố kinh tế; không sử dụng chính sách tỷ giá nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại không công bằng; đảm bảo hoạt động ổn định, thông suốt của thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá theo định hướng nêu trên nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống các TCTD; đồng thời, sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các Bộ, ngành để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà phía Hoa Kỳ quan tâm trên tinh thần hợp tác, thiện chí.