WB cho biết bản dự thảo khung này, được thảo luận trong nhiều năm, là "một bước tiến quan trọng" trong nỗ lực đảm bảo giảm thiểu sự tác động của các dự án đầu tư của WB đối với môi trường cũng như cuộc sống của những người dân nghèo và dễ bị tổn thương trên thế giới.
Cụ thể, thể chế tài chính này yêu cầu các nước đi vay phải mở rộng quyền lao động, bao gồm cả các quyền thương lượng tập thể và tự do liên kết.
Ngoài ra, WB cũng sửa đổi một đề xuất trước đây về tiêu chuẩn môi trường từng khiến các tổ chức phi chính phủ và các nhóm khác bất bình hồi tháng 7 năm ngoái.
Theo đó, WB nhấn mạnh "cơ chế đền bù" - hành động bồi thường cho "những tác động đa dạng sinh học không thể tránh khỏi" do việc phát triển kinh tế - cần được xem là "phương án cuối cùng" và bị cấm trong một số trường hợp nhất định.
Theo WB, một dự án muốn được triển khai trước hết phải có sự đồng ý của người dân địa phương - những người bị ảnh hưởng nhều nhất. Trong trường hợp không có sự chấp thuận của họ, thể chế này sẽ không triển khai các dự án liên quan đến những đối tượng trên.
Những quy tắc mới được WB đưa ra sau khi thể chế tài chính này hồi đầu tháng 3 vừa qua đã thừa nhận những đánh giá nội bộ cho thấy nhiều sai sót trong cách xử lý vấn đề tái định cư của người dân để mở đường cho các dự án phát triển.
Tuy nhiên, dự thảo khung mới của WB vẫn vấp phải sự phản đối của các tổ chức phi chính phủ. Trong một tuyên bố chung, 19 tổ chức xã hội dân sự, trong đó có tổ chức phi chính phủ Oxfam và Tổ chức Giám sát nhân quyền đã chỉ trích dự thảo khung mà WB vừa công bố sẽ hạn chế các công tác bảo vệ môi trường và xã hội.
Họ cho rằng các quy tắc được đề xuất sẽ "làm suy yếu" việc bảo vệ các cộng đồng và môi trường bị ảnh hưởng trong thời gian WB có ý định tài trợ cho các dự án có nguy cơ cao.