Đà tăng trưởng đang mạnh dần lên tại các nước đang phát triển được hỗ trợ bởi tăng trưởng nhanh hơn tại các nước thu nhập cao và tăng trưởng tiếp tục mạnh của Trung Quốc. Tuy nhiên, viễn cảnh tăng trưởng vẫn còn bị đe dọa bởi ảnh hưởng của lãi suất tăng cao trên toàn cầu và sự bất ổn tiềm tàng trong luồng chảy vốn khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ bắt đầu giảm gói kích thích tiền tệ khổng lồ.
“Tăng trưởng có vẻ đang mạnh dần lên tại cả các nước thu nhập cao và các nước đang phát triển, nhưng vẫn tồn tại những rủi ro đe dọa quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu,” ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Nhóm WB nói. “Các nước phát triển đang lấy lại đà tăng trưởng và điều đó hỗ trợ tăng trưởng tại các nước đang phát triển trong những tháng tới. Tuy vậy, nếu muốn tăng tốc độ giảm nghèo thì các nước đang phát triển phải tiến hành cải cách cơ cấu để tạo việc làm, cải thiện hệ thống tài chính và đảm bảo mạng lưới an sinh xã hội.”
Dự tính tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ tăng từ mức 2,4% năm 2013 lên 3,2% trong năm nay và ổn định ở mức 3,4% và 3,5% trong các năm 2015 và 2016, chủ yếu do tăng trưởng mạnh tại các nước thu nhập cao.
Tăng trưởng tại các nước đang phát triển sẽ tăng từ mức 4,8% năm 2013 lên 5,3% năm nay, thấp hơn một chút so với dự báo, 5,5% năm 2015 và 5,7% năm 2016. Tuy tốc độ tăng trưởng có kém 2,2 điểm phần trăm so với thời kỳ bùng nổ 2003-07, nhưng đó không phải là điều đáng ngại. Mức khác biệt đó thể hiện sự giảm nhiệt quá trình tăng trưởng nóng và không bền vững thời kỳ trước khủng hoảng, chứ không liên quan đến sụt giảm tiềm năng tăng trưởng tại các nước đang phát triển. Ngoài ra, ngay cả mức tăng trưởng tuy có chậm đi này vẫn còn cao hơn nhiều (60%) so với những năm 1980 và đầu thập kỷ 1990.
Đối với các nước thu nhập cao, tác động làm chậm tăng trưởng của việc thắt chặt tài chính và bất ổn chính sách sẽ giảm đi, giúp tăng trưởng từ 1,3% năm 2013 lên 2,2% năm nay và ổn định ở mức 2,4% năm 2015 và 2016. Trong số các nền kinh tế thu nhập cao thì Hoa Kỳ phục hồi sớm nhất với GDP tăng trưởng liên tục 10 quý vừa qua. Nền kinh tế Hoa Kỳ dự tính sẽ tăng trưởng 2,8% năm nay (năm 2013 là 1,8%), và ổn định ở mức 2,9% năm 2015 và 3,0% năm 2016. Tăng trưởng trong khu vực đồng Euro, sau hai năm sụt giảm, dự định sẽ đạt 1,1% năm nay, và 1,4% và 1,5% trong các năm 2015 và 2016.
“Các chỉ số kinh tế toàn cầu đều cải thiện. Nhưng vẫn có thể nhận thấy còn nhiều nguy cơ ẩn dưới bề mặt đó. Khu vực đồng Euro đã thoát khỏi suy thoái nhưng thu nhập bình quân đầu người tại một số nước vẫn đang giảm. Chúng tôi kỳ vọng các nước đang phát triển sẽ tăng trưởng trên 5% trong năm 2014, trong đó một số nước tăng trưởng mạnh như Angola 8%, Trung Quốc 7,7%,và Ấn Độ 6,2%. Nhưng cần phải tránh tình trạng tê liệt chính sách để làm sao mầm xanh không bị biến thành gốc cây khô héo,” ông Kaushik Basu, Phó Chủ tịch Cao cấp và Kinh tế gia trưởng, WB nói.
Các nước đang phát triển chịu tác động của các lực đối trọng từ các nước thu nhập cao. Kinh tế tại các nước thu nhập cao phát triển một mặt sẽ làm tăng nhu cầu hàng xuất khẩu từ các nước đang phát triển, nhưng mặt khác lại làm tăng lãi suất và làm giảm luồng vốn đầu tư. Báo cáo dự tính thương mại toàn cầu sẽ tăng trưởng từ mức 3,1 % năm 2013 lên 4,6% năm nay và 5,1% năm 2015 và 2016.