Không chỉ phát triển về số lượng, tổng tài sản của hệ thống ngân hàng cũng liên tục tăng trưởng, cùng với đó là số lượng người gửi tiền và số dư tiền gửi. Như vậy, vấn đề hoàn thiện cơ chế, chính sách cho hoạt động bảo hiểm tiền gửi, qua đó cụ thể hóa chủ trương bảo vệ người gửi tiền của Đảng, Chính phủ ngày càng trở nên cấp thiết.
Đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đã xác định: Phát triển Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan đại diện chủ sở hữu; thực hiện mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Bên cạnh đó, tăng cường năng lực tài chính, nâng cao năng lực hoạt động, hoàn thiện mô hình tổ chức, nâng cao trình độ cán bộ, áp dụng công nghệ hiện đại nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, tham gia kiểm soát đặc biệt, phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; tham gia tái cơ cấu có hiệu quả đối với các tổ chức tín dụng yếu kém; tính và thu phí bảo hiểm tiền gửi, quản lý nguồn vốn đầu tư, tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi, chi trả bảo hiểm theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam. Xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ngoài ra, theo Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần phát huy vai trò Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong việc liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính và xử lý khó khăn của các quỹ tín dụng nhân dân, tăng cường vai trò tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các quỹ tín dụng nhân dân.
Nhìn ra thế giới, có thể thấy tăng cường vai trò cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi cũng là xu hướng của nhiều quốc gia, đặc biệt là vai trò trong xử lý tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi yếu kém. Thông lệ quốc tế và các hướng dẫn kinh nghiệm quốc tế về vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém và các phương pháp xử lý tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là tương đối đầy đủ. Cụ thể, Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI) ban hành Bộ nguyên tắc phát triển bảo hiểm tiền gửi hiệu quả, công bố các hướng dẫn cơ bản và nâng cao về các nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi liên quan đến vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém như phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, xử lý ngân hàng, chi trả bảo hiểm tiền gửi, thông tin tuyên truyền.
Khoản 1, Điều 13, Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định tổ chức bảo hiểm tiền gửi có quyền và nghĩa vụ xây dựng chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.
Bối cảnh kinh tế quốc tế và kinh tế trong nước đặt ra cho ngành ngân hàng Việt Nam nói chung và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam nói riêng nhiều cơ hội và thách thức. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần xác định những định hướng trong tương lai nhằm hướng đến đáp ứng tốt hơn Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả.
Trong thời gian tới, khi Luật Bảo hiểm tiền gửi được xem xét sửa đổi, bổ sung, việc xác lập tầm nhìn chiến lược đối với hoạt động bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam là cần thiết, nhằm vạch rõ mục tiêu, giải pháp, từ đó hoàn thiện cơ chế bảo vệ người gửi tiền, nâng cao vai trò của chính sách bảo hiểm tiền gửi trong hệ thống ngân hàng.