Hạn mức trả tiền bảo hiểm là khoản tiền tối đa mà tổ chức BHTG trả cho tất cả các khoản tiền gửi của một người gửi tiền thuộc đối tượng được bảo hiểm tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.
Thông lệ quốc tế về hạn mức trả tiền bảo hiểm
Nguyên tắc 8, Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách phải xác định rõ ràng mức độ và phạm vi BHTG. Hạn mức nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền nhưng phải đảm bảo có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi tuân theo kỷ luật thị trường. Hạn mức trả tiền bảo hiểm cần phù hợp với các mục tiêu chính sách công và các đặc điểm thiết kế có liên quan của hệ thống BHTG. Nguyên tắc này cũng đi kèm với nhiều tiêu chuẩn cơ bản nhằm cụ thể hóa những yêu cầu cần thiết để xây dựng một hạn mức phù hợp tại từng quốc gia, tiêu biểu như: (1) Hạn mức và phạm vi bảo hiểm có giới hạn và được thiết kế đáng tin cậy để giảm thiểu rủi ro rút tiền ngân hàng và không được làm xói mòn kỷ luật thị trường. Hạn mức và phạm vi bảo hiểm được thiết lập sao cho phần lớn người gửi tiền ở các ngân hàng được bảo vệ đầy đủ nhưng phải đảm bảo có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi không được bảo vệ. Hạn mức cần bảo vệ toàn bộ được khoảng 90 - 95% người gửi tiền; (2) Hệ thống BHTG áp dụng hạn mức và phạm vi bảo hiểm công bằng cho tất cả các ngân hàng thành viên; (3) Hạn mức và phạm vi bảo hiểm được đánh giá định kỳ (chẳng hạn ít nhất 5 năm một lần) để đảm bảo có thể đáp ứng các mục tiêu chính sách công của hệ thống BHTG.
Lịch sử điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm tại Việt Nam
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) được thành lập ngày 9/11/1999. Tại Nghị định 89/1999/NĐ-CP về BHTG, Chính phủ quy định số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia BHTG, tối đa là 30 triệu đồng.
Sau 5 năm hoạt động, đến năm 2005, tại Nghị định 109/2005/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 89/1999/NĐ-CP, Chính phủ đã nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm lên 50 triệu đồng để phù hợp với sự thay đổi của kinh tế - xã hội.
Đến năm 2012, cơ sở pháp lý về BHTG được hoàn thiện khi Quốc hội khóa XIII thông qua Luật BHTG số 06/2012/QH13 ngày 18/6/2012. Điều 24, Luật BHTG quy định: (1) Hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức BHTG trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm; (2) Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ.
Năm 2016, nhận thấy hạn mức trả tiền bảo hiểm giữ ở mức 50 triệu đồng trong thời gian dài không còn phù hợp với tình hình thực tế, BHTGVN tiến hành xây dựng Đề án hạn mức trả tiền bảo hiểm, đề xuất Ngân hàng nhà nước trình Thủ tướng chính phủ tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm lên 75 triệu đồng. Ngày 15/6/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 21/2017 về hạn mức trả tiền bảo hiểm có hiệu lực từ 5/8/2017, theo đó hạn mức trả tiền bảo hiểm được nâng lên là 75 triệu đồng. Tại thời điểm năm 2017, với hạn mức 75 triệu đồng, tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm là 87,32%.
Đến năm 2020, căn cứ vào tình hình kinh tế vĩ mô, hệ thống ngân hàng, số liệu về tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ, năng lực tài chính của BHTGVN và kinh nghiệm quốc tế về hạn mức trả tiền bảo hiểm, BHTGVN xây dựng Đề án hạn mức trả tiền bảo hiểm, đề xuất Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm lên 125 triệu đồng. Ngày 20/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 32/2021/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm có hiệu lực từ 12/12/2021. Theo đó, hạn mức trả tiền bảo hiểm được nâng lên là 125 triệu đồng. Tại thời điểm năm 2020, với hạn mức 125 triệu đồng, tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm là 90,72%.
Hình: Lịch sử điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm tại Việt Nam
(đơn vị VND)
Việc điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm lên 125 triệu đồng là phù hợp với năng lực tài chính của tổ chức BHTG tại thời điểm đó. Tính đến cuối năm 2020, Quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTGVN đạt 64,27 nghìn tỷ đồng, tổng nguồn vốn của BHTGVN đạt 70,58 nghìn tỷ đồng. Với hạn mức 125 triệu đồng, Quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTGVN đảm bảo chi trả ngay lập tức cho 100% tổng số quỹ tín dụng nhân dân, hoặc chi trả ngay lập tức cho 1 ngân hàng cuối nhóm lớn, hoặc 3 ngân hàng đầu nhóm trung bình, hoặc 7 ngân hàng ở cuối nhóm trung bình, hoặc 16 ngân hàng đầu nhóm nhỏ. Vì vậy, chưa phát sinh yêu cầu phải tăng phí BHTG đối với tổ chức tham gia BHTG, tránh gánh nặng tài chính đối với các tổ chức tham gia BHTG. Như vậy, BHTGVN đảm bảo có đủ nguồn lực để ứng phó khi rủi ro xảy ra mà chưa phát sinh yêu cầu phải tăng phí BHTG đối với tổ chức tham gia BHTG, tránh gánh nặng tài chính đối với các tổ chức tham gia BHTG.
Chính sách hạn mức trả tiền bảo hiểm theo định hướng Chiến lược phát triển BHTG
Ngày 30/12/2022 Chiến lược phát triển BHTG được phê duyệt đã nâng cao vai trò của BHTGVN. Đây là dấu mốc quan trọng xác định định hướng trong tương lai cho hệ thống BHTG tại Việt Nam. Những định hướng và mục tiêu được xác định trong Chiến lược phát triển BHTG khẳng định vai trò của tổ chức BHTG trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, đồng thời khẳng định định hướng phát triển hệ thống BHTG tại Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.
Về hạn mức trả tiền bảo hiểm, Chiến lược phát triển BHTG đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm đạt 92 - 95%. Để thực hiện mục tiêu này, Chiến lược phát triển BHTG cũng đưa ra giải pháp định kỳ rà soát, đánh giá mức độ phù hợp và đề xuất điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm.
Mục tiêu cụ thể và giải pháp về hạn mức trả tiền bảo hiểm trong Chiến lược phát triển BHTG phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn tại Việt Nam. Tuy hiện nay tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm tại Việt Nam đã phù hợp với khuyến nghị của IADI (hạn mức cần bảo vệ toàn bộ được khoảng 90 - 95% người gửi tiền) nhưng vẫn còn tương đối thấp so với các nước cùng khu vực. Theo tài liệu Hướng dẫn nâng cao về phát triển hệ thống BHTG hiệu quả - Hạn mức trả tiền bảo hiểm của IADI năm 2013, các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến việc xác định hạn mức trả tiền bảo hiểm, bao gồm nguồn quỹ sẵn có, giai đoạn phát triển kinh tế, mối liên kết với các nước láng giềng, hoặc sự tồn tại của nhiều hệ thống bảo hiểm tiền gửi trong một quốc gia. Nếu dòng vốn lưu thông của các quỹ giữa các quốc gia láng giềng lớn, hạn mức trả tiền bảo hiểm của các quốc gia này cần phải tính đến khi xác định các quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm. Ví dụ, sự khác biệt giữa hạn mức trả tiền bảo hiểm của các nước láng giềng có thể dẫn đến sự tháo chạy của người gửi tiền.
Theo khảo sát thường niên của IADI 2022, hạn mức trả tiền bảo hiểm (theo USD) của Việt Nam thấp thứ 5/18 tổ chức BHTG thành viên Ủy ban khu vực Châu Á Thái - Bình Dương (APRC) tham gia trả lời khảo sát, chỉ cao hơn Bangladesh, Cộng hòa Kyrgyz, Pakistan và Sri Lanka.
Hình: Hạn mức trả tiền bảo hiểm của các tổ chức BHTG thành viên APRC
(đơn vị USD)
Nguồn: Kết quả khảo sát thường niên IADI 2022 (kết quả khảo sát tính đến 31/12/2021)
Về tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm, tại thời điểm 31/12/2021, với hạn mức trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng, hạn mức trả tiền bảo hiểm tại Việt Nam bảo vệ toàn bộ 91% người gửi tiền, thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực như Đài Bắc Trung Quốc (98,10%), Thái Lan (98,02%), Malaysia (96%)...
Hình: Tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm tại một số tổ chức BHTG thành viên APRC
Nguồn: Kết quả khảo sát thường niên IADI 2022 (kết quả khảo sát tính đến 31/12/2021)
Ngoài ra, việc định kỳ rà soát, đánh giá mức độ phù hợp và đề xuất điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm trong giai đoạn triển khai Chiến lược phát triển BHTG là phù hợp với khuyến nghị của IADI (hạn mức và phạm vi bảo hiểm được đánh giá định kỳ (chẳng hạn ít nhất 5 năm một lần) để đảm bảo có thể đáp ứng các mục tiêu chính sách công của hệ thống BHTG). Tài liệu Hướng dẫn nâng cao về phát triển hệ thống BHTG hiệu quả - Hạn mức trả tiền bảo hiểm của IADI năm 2013 cũng khuyến nghị hạn mức trả tiền bảo hiểm nên được xem xét, đánh giá lại thường xuyên và được điều chỉnh một cách thích hợp dựa trên các yếu tố như lạm phát, thay đổi thu nhập của người dân, quy mô tiền gửi của người gửi tiền, kỳ vọng của thị trường và các yếu tố khác tác động tới mục tiêu chính sách công.
Trong thời gian tới, để triển khai Chiến lược phát triển BHTG, BHTGVN cần định kỳ rà soát, đánh giá mức độ phù hợp của hạn mức trả tiền bảo hiểm. Khi xác định cần điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm, BHTGVN tiến hành xây dựng Đề án Hạn mức trả tiền bảo hiểm, trong đó đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô (bao gồm các yếu tố như tốc độ tăng trưởng GDP, GDP bình quân đầu người, lạm phát...), hệ thống ngân hàng, số liệu về người gửi tiền và tiền gửi được bảo hiểm, tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ, năng lực tài chính của BHTGVN, kinh nghiệm quốc tế về hạn mức trả tiền bảo hiểm... Từ đó, BHTGVN đề xuất hạn mức trả tiền bảo hiểm phù hợp, tiến tới tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm đạt 92 - 95% nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Phòng Nghiên cứu tổng hợp và Hợp tác quốc tế