Mục tiêu của hệ thống bảo hiểm tiền gửi là nhằm xây dựng niềm tin đối với người gửi tiền và đảm bảo an toàn cho họ tại các tổ chức trung gian tài chính, từ đó tạo sự ổn định trong toàn bộ hệ thống tài chính quốc gia. Mặc dù hạn mức bảo hiểm của Hàn Quốc thuộc phạm vi chuẩn theo hạn mức quốc tế, nhưng theo đánh giá của một số nhà nghiên cứu Hàn Quốc thì hệ thống này vẫn chưa đạt được sự tin tưởng cao đối với người gửi tiền về khả năng chống chọi khó khăn của các công ty tài chính khi lâm vào khủng hoảng mất khả năng thanh toán.
Hiện nay, thời hạn dừng rút tiền gửi ra khỏi các tổ chức tín dụng đang tạm thời đóng cửa ở Hàn Quốc mặc dù đã được rút ngắn nhưng vẫn dài hơn thông lệ quốc tế.
Từ ngày 30/11/2013, thời hạn giao dịch tiền gửi tại Mỹ sẽ là 3 ngày, trong khi ở EU tối đa không quá 20 ngày và thanh toán tiền gửi chỉ được thực hiện trong 7 ngày. Đối với Hàn Quốc, thời hạn thanh toán nợ ngắn hơn và có thể chuyển nhượng hợp đồng nếu công ty bị đóng cửa hoặc phá sản. Đặc biệt đối với các ngân hàng, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Hàn Quốc (KDIC) với tư cách là một thành viên của Cơ quan Giám sát tài chính Hàn Quốc (FSS), sẽ có nhiệm vụ thẩm định công bằng, minh bạch, xác định tình trạng không trả được nợ và có những giải pháp, kế hoạch tăng cường quản lý, thực hiện những cuộc đàm phán sơ bộ nhằm đem lại hiệu quả cao nhất để giải quyết thanh toán nợ cho các ngân hàng gặp khó khăn. Theo đó, việc tạm đình hoãn hoạt động kinh doanh do không thanh toán được nợ của các ngân hàng sẽ được rút ngắn. FSS cùng với KDIC luôn có sự hợp tác chặt chẽ ngay từ những bước triển khai ban đầu để việc thực hiện các thủ tục thanh toán nợ đạt hiệu quả và thiết thực nhất.
Nửa đầu năm 2011, ngành ngân hàng Hàn Quốc dường như rơi vào khủng hoảng khi nhiều ngân hàng buộc phải tuyên bố đóng cửa [1], khiến cho người gửi không thể rút được tiền, đặc biệt đối với những người đã nghỉ hưu, làm cho họ thực sự gặp nhiều khó khăn trong việc trang trải cuộc sống. Còn đối với những chủ cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ thì rơi vào khủng hoảng tài chính trầm trọng. Điều này làm giảm niềm tin đối với hệ thống tài chính ngân hàng, dẫn đến sự sụp đổ của nhiều ngân hàng. Với tư cách là một thành viên trong mạng lưới an toàn tài chính Hàn Quốc, KDIC đã đóng góp tích cực vào quá trình xử lý khủng hoảng tài chính của Hàn Quốc, thông qua việc tạm thời thanh toán một phần tiền gửi ở mức 20 triệu won, nhưng biện pháp này cũng chỉ là giải pháp tình thế.
Xây dựng niềm tin thông qua hệ thống bảo hiểm tiền gửi
Trong giai đoạn khủng hoảng, duy trì và khôi phục niềm tin của công chúng là điều kiện quan trọng giúp hệ thống tài chính ngân hàng vượt qua khó khăn, khủng hoảng. Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đã có những biện pháp mạnh mẽ nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, ổn định tình hình, giảm thiểu hậu quả của khủng hoảng. Vai trò của chính sách bảo hiểm tiền gửi đã được phát huy tối đa để nâng cao niềm tin của công chúng, góp phần ổn định hoạt động của hệ thống tài chính quốc gia. Một trong những biện pháp mà các nước trên thế giới sử dụng trong việc đối phó khủng hoảng tài chính là tuyên bố nâng mức bảo hiểm tối đa hoặc bảo hiểm toàn bộ tiền gửi của người dân tại các ngân hàng nhằm ngăn chặn nguy cơ rút tiền ồ ạt.
Rõ ràng, hệ thống bảo hiểm tiền gửi đóng vai trò tạo sự ổn định cho hệ thống tài chính, hạn chế tối đa các vấn đề nảy sinh từ các công ty tài chính có ảnh hưởng lớn nền kinh tế quốc gia và tránh một cuộc đổ vỡ, khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng khi các công ty tài chính gặp khó khăn về thanh toán nợ.
Hệ thống bảo hiểm tiền gửi phải đủ độ tin cậy, đáp ứng nhu cầu và xây dựng niềm tin vững chắc đối với người gửi tiền, thậm chí khi ngân hàng có dấu hiệu lâm vào trình trạng mất khả năng thanh toán, thì những người gửi tiền cũng sẽ không có tâm lý lo sợ và phải rút tiền đồng loạt ra khỏi ngân hàng.
Hệ thống bảo hiểm tiền gửi sẽ bảo vệ người gửi tiền, giúp họ giảm thiểu sự phiền phức, đồng thời cũng tiến hành thanh toán nhanh cho người gửi tiền hoặc chuyển giao hợp đồng với họ sang cho một công ty tài chính khác. Hơn nữa, hệ thống này cũng sẽ tiếp thêm lòng tin thông qua những nguyên tắc áp dụng cho người gửi tiền. Đây là những nguyên tắc bảo đảm việc cho phép thanh toán khoản tiền gửi ở thời điểm hợp lý, đúng kỳ gửi thông qua việc mở rộng vốn.
Hạn mức bảo hiểm ban đầu áp dụng tiền gửi ngân hàng từ tháng 1/1997 là 20 triệu won/người gửi tiền. Tuy nhiên, tác động của khủng hoảng tài chính và sụt giảm nghiêm trọng niềm tin của công chúng đối với hệ thống tài chính ngân hàng, tháng 1/2003, Hàn Quốc đã chuyển từ bảo hiểm tiền gửi toàn bộ sang bảo hiểm có giới hạn, nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi cho tất cả các khoản gửi ngân hàng từ 20 triệu won lên 50 triệu won, bằng khoảng 2,3 lần thu nhập bình quân đầu người năm 2010 là 20.000 USD, và xấp xỉ 2 lần so với hạn mức tiền gửi của EU.
Tuy nhiên, dù có hệ thống bảo hiểm, nhưng đầu năm 2011, khi có những ngân hàng nhận được lệnh tạm dừng hoạt động, thì ngay lập tức trong vòng vài ngày, số tiền thực tế được rút khỏi ngân hàng đã lên tới 200 - 500 tỷ won.
Ở Hàn Quốc, các cơ quan giám sát quyết định một công ty tài chính có thể đáp ứng được các yêu cầu về tài chính hay không và buộc công ty này phải tạm dừng hoạt động kinh doanh nếu có vấn đề về tài chính. Mọi thủ tục thanh toán nợ sẽ được thực hiện ngay sau khi công ty buộc phải đình chỉ hoạt động kinh doanh, dẫn đến sự tê liệt mọi giao dịch rút tiền trong một khoảng thời gian dài, gây ra áp lực, khó khăn lớn cho các doanh nghiệp và những tổ chức gửi tiền tư nhân. Giai đoạn 8 năm (từ năm 2003 đến năm 2010), Hàn Quốc có khoảng 16 ngân hàng buộc phải đình chỉ hoạt động kinh doanh. Trong thời gian chờ cho những ngân hàng này hoạt động trở lại, các hợp đồng giao dịch được chuyển nhượng sang cho một số ngân hàng khác.
Hiện nay, thời gian phải tạm dừng việc rút tiền được rút ngắn, do kể từ năm 2005, KDIC bố trí các ngân hàng trung gian để chuyển giao hợp đồng từ các ngân hàng bị đình chỉ hoạt động do không có khả năng thanh toán nợ sang cho các ngân hàng khác. Bên cạnh đó, KDIC cũng sẽ mở lại giao dịch thông qua việc chuyển các hợp đồng qua ngân hàng trung gian, điều này giúp cho người gửi tiền thuận tiện hơn, nhưng thời hạn vẫn kéo dài ít nhất là 3 tháng.
KDIC đã áp dụng nhiều biện pháp xử lý nhằm duy trì, nâng cao niềm tin của công chúng vào hệ thống tài chính ngân hàng và hệ thống bảo hiểm tiền gửi, giúp ngăn chặn tình trạng rút tiền hàng loạt, góp phần khôi phục ổn định hệ thống tài chính Hàn Quốc.
Giải pháp chính sách
Trước thực trạng nợ công lan rộng tại nhiều nước trên thế giới, nhưng KDIC vẫn tích cực sử dụng vốn bảo hiểm tiền gửi để thanh toán cho người gửi tiền nhằm mục đích tăng thêm sự thuận lợi cho người gửi tiền và hỗ trợ các ngân hàng buộc phải đóng cửa. Tuy nhiên, khi ngân hàng không có khả năng thanh toán bị bán hoặc phải chuyển nhượng hợp đồng, thì các tổ chức hoặc ngân hàng thu mua hay nhận chuyển nhượng lại phải thanh toán lại cho KDIC số tiền mà KDIC đã ứng ra để thanh toán nợ tạm thời trước khi mọi hoạt động kinh doanh bắt đầu trở lại.
Ở Hàn Quốc, khi một công ty tài chính mất khả năng thanh toán thì việc chuyển nhượng hợp đồng và thanh toán tiền gửi phải được thực hiện trong thời gian ngắn nhất. Đồng thời, Hàn Quốc ban hành quy định về việc rút ngắn thời gian thanh toán nợ. Theo đó, việc đình chỉ hoạt động giao dịch đối với một ngân hàng được tiến hành đồng thời với chuyển nhượng hợp đồng.
Trước thực trạng khủng hoảng kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Hàn Quốc nói riêng, KDIC cũng đã áp dụng một biện pháp tương đối hiệu quả là mở rộng phạm vi bảo hiểm. Để duy trì niềm tin của công chúng, KDIC đã tăng thêm các sản phẩm được bảo hiểm như mở rộng bảo hiểm cho tiền gửi bằng ngoại tệ, chứng chỉ tiền gửi, tiền gửi của Chính phủ, các tổ chức tài chính được bảo hiểm và một số loại hình khác. Do vậy, không những ngăn chặn tình trạng người dân đổ xô đi rút tiền, mà còn duy trì và thu hút tiền gửi vào hệ thống ngân hàng, giúp hệ thống ngân hàng vượt qua khó khăn thanh khoản do tác động của cuộc khủng hoảng gây ra, tránh tình trạng đổ vỡ hàng loạt hay khủng hoảng hệ thống.
Ngày 11/3/2011, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua Luật Bảo hiểm tiền gửi sửa đổi, với việc hình thành một quỹ đặc biệt để hỗ trợ cho các ngân hàng trong giai đoạn khó khăn. Quỹ này ra đời nhằm kịp thời giúp các ngân hàng Hàn Quốc củng cố khả năng vốn trong bối cảnh kinh tế Hàn Quốc có chiều hướng đang tiến dần hơn đến suy thoái, tỷ lệ nợ xấu tăng cao, đồng thời hỗ trợ việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đang bị áp lực từ việc liên quan đến các thành phần kinh doanh bất động sản yếu kém.
Quỹ có thời hạn hoạt động đến 31/12/2026, sẽ được tài trợ một phần bằng 45% từ phí bảo hiểm tiền gửi theo 5 giai đoạn khác nhau gồm: ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư, quỹ tiết kiệm, hãng bảo hiểm và công ty môi giới.
Tuy nhiên, kế hoạch này có điểm khác so với kế hoạch ban đầu của Ủy ban Dịch vụ Tài chính đề xuất, theo đó thì mức hỗ trợ là 50% phí bảo hiểm tiền gửi được thu từ khu vực tài chính sẽ được gộp vào một tài khoản mới và tránh sử dụng quỹ công. Giới chức tài chính Hàn Quốc cho biết, theo kế hoạch ban đầu, mức nâng khoảng 10 nghìn tỷ won (tương đương với 8,97 tỷ USD).
Bên cạnh đó, Hàn Quốc hiện đang nỗ lực trong việc thực hiện tư nhân hoá các ngân hàng thuộc sở hữu của Chính phủ và cơ cấu lại ngành Ngân hàng làm cho vai trò của Chính phủ trong ngành này giảm dần.
Mọi hoạt động kinh doanh (hệ thống quản trị công ty của ngân hàng), mạng lưới an toàn tài chính hiệu quả (bảo hiểm tiền gửi, quy chế an toàn và vai trò của người vay cuối cùng) và nguyên tắc về một thị trường hiệu quả trên cơ sở tài chính minh bạch đang được xem là trụ cột của việc giữ ổn đinh tài chính. Ngoài ra, việc tăng cường chất lượng của các định chế tài chính cũng góp phần làm lành mạnh hóa hệ thống tài chính quốc gia này.
Tài liệu tham khảo:
1/ www.kif.re.kr
2/ Weekly Financial Review
[1] Vụ việc bắt đầu từ việc đình chỉ kinh doanh của ngân hàng tín dụng Samhwa vào đầu năm 2011 để tái cơ cấu những ngân hàng tín dụng kém lành mạnh. Tiếp sau đó là ngân hàng Busan, Hanvit, Peace, Kwangju, Kyongnam và Hanaro cũng bị đình chỉ kinh doanh. Điều này đã gây thiệt hại lớn cho nhiều khách hàng đang gửi tiết kiệm. Quá trình điều tra cho thấy, việc yếu kém của các ngân hàng này bắt nguồn từ các hành động tham nhũng của các cổ đông lớn cũng như những hành động kinh doanh bất hợp pháp và những hạn chế, yếu kém trong giám sát, điều hành của cơ quan tài chính Hàn Quốc.