Quy định chung với ngân hàng chính sách
Đối với các ý kiến cần có một chương hay một phần riêng quy định về ngân hàng chính sách, bao gồm Ngân hàng Phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, về thực tiễn luật hiện hành trao quyền cho Chính phủ quy định cụ thể tổ chức quản trị và điều hành hai ngân hàng này.
Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của quốc tế, Ban soạn thảo thấy rằng các nước thành lập các ngân hàng chính sách để phục vụ mục tiêu xã hội, phát triển bền vững. Nguồn vốn của các ngân hàng này chủ yếu do Chính phủ tài trợ. Nhiều nước ban hành luật riêng về các ngân hàng này, có nước trao quyền cho các cơ quan quản lý để hướng dẫn, có một số nước quy định trong hệ thống luật chung.
Trên tinh thần ý kiến của một số đại biểu và qua các cuộc hội thảo, tọa đàm, Ban soạn thảo đã thiết kế Điều 17 với 5 khoản theo hướng các quy định chung nhất.
Về ý kiến đề nghị có một chương riêng hoặc một phần riêng quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, hoạt động, thậm chí về xử lý nợ xấu cũng như tái cơ cấu các ngân hàng này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu. Tuy nhiên, trên thực tế một luật chung khó có thể quy định cụ thể cho từng ngân hàng riêng, do đó sẽ cố gắng có những quy định chung nhất đối với các ngân hàng này trong dự án luật.
Hạn chế thao túng, sở hữu chéo
Liên quan đến giảm giới hạn về sở hữu của cổ đông và người có liên quan, giới hạn về cấp tín dụng cho một khách hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thiết kế hướng đến hạn chế, chống thao túng và sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng. Đây là yêu cầu của Bộ Chính trị, trong Nghị quyết của Quốc hội.
Làm rõ khái niệm người có liên quan, Thống đốc cho biết, dự thảo luật đã mở rộng phạm vi người có liên quan so với quy định người có liên quan tại Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở Luật Doanh nghiệp cũng có điều khoản cho rằng, tùy theo tính chất đặc thù, các luật khác có thể quy định về phạm vi người có liên quan.
“Với tính chất đặc thù của ngành Ngân hàng liên quan đến tiền, dự thảo luật đã quy định theo hướng mở rộng người có liên quan” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Thống đốc nhấn mạnh, đi đôi với quy định trong luật, khâu tổ chức thực hiện rất quan trọng. Thực tế, quy định về sở hữu cổ đông, sở hữu chéo không cho phép và trên thực tiễn, tỷ lệ sở hữu, sở hữu chéo cơ bản được khắc phục. Tuy nhiên, để kiểm soát vấn đề này đòi hỏi rất nhiều công cụ và giải pháp và từ nhiều cơ quan khác nhau, như minh bạch hóa cơ sở dữ liệu các giao dịch của dân cư, cơ sở dữ liệu các giao dịch về vốn, các giao dịch của các doanh nghiệp…
Về quy định giảm tỷ lệ sở hữu với khách hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, dự án luật quy định rất rõ, đối với khách hàng và người có liên quan nếu vay vượt 15 % vốn tự có vẫn có cơ chế để các tổ chức tín dụng đồng tài trợ với nhau.
Theo Thống đốc, nếu doanh nghiệp có nhu cầu vốn lớn, mức độ tập trung rủi ro tín dụng cũng sẽ lớn hơn. Do đó, việc đồng tài trợ sẽ là giải pháp chia sẻ rủi ro giữa các ngân hàng khi doanh nghiệp gặp rủi ro. Trong trường hợp các ngân hàng không đồng tài trợ, vẫn có cơ chế do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
“Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát để quy định phù hợp và đảm bảo nguyên tắc không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, nhưng vẫn đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng” - Vị tư lệnh ngành Ngân hàng thông tin.
Can thiệp sớm để bảo đảm an toàn hệ thống
Can thiệp sớm là điểm mới trong dự thảo luật lần này, được xây dựng trên cơ sở thực tiễn vướng mắc trong quá trình tái cơ cấu thời gian qua, đặc biệt là tham khảo kinh nghiệm xử lý các ngân hàng tại Mỹ gần đây.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, các tổ chức tín dụng sẽ có những thời điểm gặp khó khăn. Trong quá trình thanh tra, giám sát, cơ quan quản lý cũng sẽ cảnh báo rủi ro và để các tổ chức tín dụng chấn chỉnh kịp thời.
Nếu các tổ chức tín dụng có những diễn biến xấu hơn và có nguy cơ mất khả năng chi trả cho người dân, cơ quan quản lý cần có biện pháp mạnh hơn và thông qua quá trình can thiệp sớm.
Trong quá trình can thiệp sớm, trước hết là trách nhiệm của các cổ đông và chủ sở hữu ngân hàng phải có phương án khắc phục những khó khăn, cơ quan quản lý sẽ đưa ra hạn chế trong hoạt động của các đơn vị này; và đây là giai đoạn cần sử dụng đến các giải pháp hỗ trợ.
Tuy nhiên, Thống đốc chỉ rõ, Luật hiện hành có quy định can thiệp sớm, nhưng thời hạn chỉ 1 năm, rất ngắn và không quy định các biện pháp hỗ trợ, dẫn đến việc rất khó triển khai trên thực tiễn.
Vì vậy, dự thảo luật trình Quốc hội lần này có các biện pháp hỗ trợ từ phía NHNN với vai trò là người cho vay cứu cánh cuối cùng khi các tổ chức tín dụng gặp khó khăn về thanh khoản, đáp ứng nhu cầu chi trả cho người dân, đồng thời cũng quy định huy động nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức khác, trong đó có Bảo hiểm tiền gửi và từ ngân hàng Hợp tác xã…
“Việc thiết kế theo hướng huy động nguồn lực như vậy cũng là để tăng trách nhiệm của các bên đối với an toàn hệ thống nói chung và giúp giảm chi phí tài chính cho cơ quan quản lý trong việc xử lý những vấn đề sự cố của các tổ chức tín dụng nói riêng” - lãnh đạo NHNN nhấn mạnh.
Cũng theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, thực tế kinh nghiệm của quốc tế vừa qua cho thấy, không phải chờ đến khi các tổ chức tín dụng khó khăn về thanh khoản mới cần phải xử lý. Thay vào đó, cần các giải pháp can thiệp sớm để đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Luật hóa quy định thu giữ tài sản bảo đảm
Vấn đề luật hóa Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, Nghị quyết 42 ra đời khi nợ xấu ở mức cao vào năm 2017 và thực tiễn triển khai cho thấy, nợ xấu đã giảm rất nhanh. Đồng thời, thông qua Nghị quyết đã tăng cường trách nhiệm trả nợ của người đi vay, qua đó làm tăng tính kỷ luật trong hoạt động đi vay và cho vay.
Thống đốc cũng chỉ rõ, trên thực tế, trong quá trình xử lý nợ xấu, thu giữ tài sản bảo đảm nổi lên là vấn đề rất quan trọng.
Do vậy, dự thảo luật đã quy định việc thu giữ tài sản bảo đảm phải gắn với thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng trong hợp đồng bảo đảm. Khi khách hàng không trả được nợ, tổ chức tín dụng mới thu giữ tài sản bảo đảm. Các nội dung về thu giữ tài sản bảo đảm cũng cần được thực hiện theo các quy định của pháp luật.
“ Nếu không có quy định về thu giữ tài sản bảo đảm sẽ gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong quá trình cấp tín dụng, từ đó ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân” - Thống đốc chỉ rõ.
Về kiến nghị của một số đại biểu cho rằng nên thông qua dự án Luật này ở 3 kỳ họp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Nghị quyết 42 được gia hạn đến ngày 31/12/2023. Do đó, nếu thông qua ở 3 kỳ thì sẽ có khoảng trống pháp lý về xử lý nợ xấu đối với hoạt động ngân hàng.
Từ lý do trên, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật trong 2 kỳ. “Đây cũng là đòi hỏi của thực tiễn hiện nay, bởi hoạt động ngân hàng đang chịu nhiều tác động từ các biến động của kinh tế thế giới và trong nước, có thể cần thiết phải sử dụng các biện pháp can thiệp” - người đứng đầu NHNN bày tỏ.
PV