Để kiểm soát, phòng ngừa rủi ro, các NHTM có hệ thống chấm điểm và xếp hạng khách hàng. Và chính các NHTM cũng đang thuê các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín thế giới đánh giá, xếp hạng tín nhiệm hàng năm. Tuy nhiên, quan trọng nhất đối với các NHTM Việt Nam là kết quả xếp hạng tín nhiệm của NHNN.
Thông tin, kết quả xếp hạng tín nhiệm này NHNN không công bố công khai mà chỉ công bố với các TCTD. Việc xếp hạng này, theo NHNN là để phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, bao gồm hoạch định, thực thi chính sách tiền tệ; thanh tra, giám sát hệ thống các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài…
Thực tế, việc xếp hạng này đã, đang được tiến hành nhiều năm nay nhưng gần đây, khi các TCTD thực hiện tái cơ cấu, đã có ý kiến đề xuất nên công khai đánh giá xếp hạng của NHNN. Song cũng có nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại và cho rằng việc công khai “sức khoẻ” nhà băng phải hết sức thận trọng và cân nhắc, cũng như cần thời gian để NHNN hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đánh giá, phân loại không chỉ với NHTMCP mà cả với NHTMNN, TCTD nước ngoài, TCTD phi NH…
Cùng chung suy nghĩ, TS. Nguyễn Đức Độ chia sẻ: Đối với NHNN, nếu công bố xếp hạng tín nhiệm phải có sự cân nhắc. “Dù sớm hay muộn, sẽ tới lúc hệ thống phải đi đến một điểm: người dân khi chọn NH gửi tiền phải nghiên cứu tình hình của nhà băng đó và chấp nhận chịu một phần trách nhiệm với khoản tiền gửi của mình. Hiện tại có thể tương đối khó công khai, nhưng NHNN nên có lộ trình cụ thể”, chuyên gia này cho biết.
Nếu công bố xếp hạng, sẽ rất dễ xảy ra hiện tượng người dân đổ xô gửi tiền ở những NH có xếp hạng cao. Bản thân những nhà băng nhận được thứ hạng cao không hẳn đã vội mừng, bởi việc sử dụng nguồn vốn đó sao cho hiệu quả còn là cả một vấn đề. Còn những NH bị đánh giá thấp, khách hàng ồ ạt rút tiền thì làm sao đảm bảo được thanh khoản để cho vay. Công bố thông tin là cần thiết, song thẩm quyền công bố hãy để cho NHNN lựa chọn thời điểm, một chuyên gia nêu ý kiến.
Còn với TS. Nguyễn Trí Hiếu, ông cho rằng, NHNN không nên công khai xếp hạng tín nhiệm. Lý giải sâu thêm, vị chuyên gia này bày tỏ: NHNN sử dụng những đánh giá, xếp hạng như vậy để phục vụ cho công tác điều hành, chứ không nhằm mục đích cho tất cả mọi người biết về tình hình tài chính của các NH. “Đó là vấn đề bí mật giữa các cơ quan thanh tra và NH, được nhìn dưới khía cạnh của nhà quản lý. Chính vì thế những thông tin cụ thể của nhà băng mà lọt ra ngoài, khả năng cao sẽ gây ra sự khủng hoảng hệ thống”.
Theo ông, các khách hàng và các cổ đông có thể biết được tình hình tài chính NH qua nhiều phương tiện khác như: báo cáo tài chính, phương tiện truyền thông… Chính phủ, NHNN cũng cần khuyến khích việc thiết lập những công ty thẩm định tín nhiệm độc lập có uy tín. Từ đó, những thông tin do các đơn vị này cung cấp có thể công khai, hoặc được mua trên thị trường tài chính như tại nhiều quốc gia khác.
Phải nói thêm rằng, để xây dựng được những đơn vị xếp hạng tín nhiệm độc lập không phải chuyện dễ dàng. Một công ty chấm điểm tín nhiệm tư nhân phải đảm bảo đội ngũ chuyên gia có năng lực, có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Nhưng đây lại là điều hiện Việt Nam đang rất thiếu. Trao đổi với một chuyên gia kinh tế, ông này cho rằng việc người dân gần như không có khả năng thẩm định tình hình tài chính của một NH, chỉ có cách phải dựa vào NHTW thì đòi hỏi công khai xếp hạng tín nhiệm là nhu cầu chính đáng. Song ở mặt khác, vị chuyên gia này nhận thấy: “Phải thẳng thắn rằng, kể cả NHTW có công bố việc xếp hạng tín nhiệm cùng những chỉ tiêu cụ thể tới cho người dân, thì bản thân họ cũng khó có thể nào dựa vào thẩm định đó để hiểu được chính xác tình trạng tài chính của NH đó như thế nào”.
Quan điểm của người dân là họ gửi tiền vào đâu thì tài sản đó phải được bảo đảm, được trả lãi, sinh lời. Trong khi với các nhà quản lý, sử dụng hệ thống phân tích CAMELS không phải chỉ nhắm vào vấn đề có khả năng bảo đảm an toàn hay không mà cốt lõi là việc quản lý như thế nào, có đủ vốn hay không.
Ở các hệ thống tài chính trên thế giới, việc xếp hạng NH dựa trên phương pháp nào sẽ được công khai, nhưng NH được xếp hạng mức nào lại là thông tin mật. Không chỉ xếp hạng tín nhiệm, một số NH trên thế giới, đơn cử như ở Mỹ sẽ được xếp hạng theo mức độ phù hợp vốn chủ sở hữu. Trường hợp những nhà băng thiếu vốn trầm trọng thì có thể phải chấp hành lệnh “ngưng hoạt động”, thuật ngữ là C&D. “Đây là dấu hiệu cảnh báo lớn cho một NH trong một thời gian ngắn (60 - 90 ngày) buộc phải bổ sung vốn, nếu không sẽ có khả năng bị đóng cửa bất cứ lúc nào”, TS. Hiếu chia sẻ.
Để dung hoà giữa các yếu tố, tránh gây ảnh hưởng, tạo tâm lý hoang mang ở người dân, chuyên gia nhận thấy cơ quan điều hành nên đưa ra những chỉ tiêu mạnh mẽ hơn về: chỉ số thanh khoản, nợ xấu, dư nợ trong từng phân khúc thị trường, huy động của người dân và DN… “Chỉ số công bố thường kỳ phải chi tiết, sâu sát, cập nhật hơn. Khi đó có cơ sở để người dân nhìn nhận được về NH mà mình có giao dịch tài chính để so sánh với chỉ tiêu chung của toàn ngành, nhờ vậy sẽ nắm được NH mà mình chọn đang đứng ở đâu”.