Nghị quyết 42 đã thông qua việc hỗ trợ pháp lý cho quá trình xử lý khối tài sản bảo đảm đằng sau những khoản nợ xấu; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động mua bán nợ của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); đồng thời cho phép các ngân hàng linh hoạt phân bổ lãi dự thu và chênh lệch khi mua bán nợ xấu.
Các ngân hàng đã chủ động hơn trong xử lý nợ xấu
Theo ông Nguyễn Tiến Đông – Chủ tịch HĐTV VAMC, cái mới ở Nghị quyết 42 là thay đổi tư duy về nợ xấu. Trước đây, suy nghĩ nợ xấu là của ngành ngân hàng, nợ xấu từng gắn với một tư duy như mặc định: nợ xấu ngân hàng, nợ xấu của ngân hàng, do ngân hàng và tự ngân hàng phải trả giá, phải tự chịu trách nhiệm và tự mà xử lý. Tuy nhiên, với Nghị quyết 42, tư duy của nhà lập pháp đã thay đổi khi cho rằng, nợ xấu là của nền kinh tế. Từ nhận thức nợ xấu là của nền kinh tế, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành địa phương đã vào cuộc quyết liệt, hỗ trợ ngành ngân hàng xử lý nợ xấu.
Nghị quyết 42 ban hành và có hiệu lực đã tạo động lực quan trọng cho VAMC và các TCTD chủ động trong xử lý nợ xấu, khẳng định được quyền của chủ nợ trong giao dịch dân sự vay trả.
Ông Nguyễn Tiến Đông khẳng định, từ khi có Nghị quyết 42, những vướng mắc trong xử lý nợ xấu với ngành ngân hàng nói chung được tháo gỡ nhiều. Đầu tiên là vướng mắc về trách nhiệm pháp lý của người cho vay. Lâu nay, khi quan hệ dân sự vay trả tới hồi thu không đủ nợ gốc và cả lãi rất dễ phát sinh chuyển thành quan hệ hình sự. Nghị quyết 42 cho phép bán dưới giá trị và cũng tạo động lực lớn cho các ngân hàng cũng như VAMC tự tin trong xử lý.
Bên cạnh đó, ý thức trả nợ của khách hàng cũng tốt lên rất nhiều. Trước đây, cứ 10 khách hàng thì chỉ được 1-2 khách thiện chí làm việc với TCTD hay VAMC. Tuy nhiên, sau khi có Nghị quyết 42, có một số hành lang pháp lý cho phép VAMC được làm, các TCTD được phép làm, như tiến hành thu giữ tài sản khi anh vi phạm cam kết, khi anh được hỗ trợ trong phạm vi có thể của VAMC mà anh không thực hiện được thì VAMC tiến hành thu giữ tài sản. Điều này được địa phương, các ngành ủng hộ, vì vậy tạo ý thức tốt với khách hàng. “Có khách hàng mới nhận giấy mời lên làm việc đã phải đem tiền đến trả. Nhiều trường hợp, chúng tôi chưa cần làm đến cùng các biện pháp theo các phương án, khách hàng đã tự giác và đã xử lý được nợ. Đây là điều rất tốt trong giai đoạn hiện tại và sau này. Tức là vay trả sòng phẳng hơn rất nhiều và thị trường hơn rất nhiều” –ông Nguyễn Tiến Đông cho biết.
Quyết liệt triển khai Nghị quyết 42
Sau khi Quối hội ban hành Nghị quyết 42, ngành ngân hàng đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện các nội dung của Nghị quyết. Cụ thể, NHNN đã tham mưu cho Thủ tướng ban hành Chỉ thị 32/CT-TTg ngày 19.7.2017, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành triển khai thực hiện Nghị quyết 42 trong đơn vị của mình với lộ trình thực hiện cụ thể bảo đảm tính khả thi, kịp thời. Một ngày sau đó, Thống đốc NHNN ban hành Chỉ thị 06/CT-NHNN, quy định cụ thể các biện pháp, trách nhiệm mà NHNN và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC cần thực hiện để bảo đảm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 42 và Đề án 1058 (Quyết định 1058 của Thủ tướng phê duyệt Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020 - PV).
Để từng bước hoàn thiện khung pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu, NHNN đã ban hành Thông tư 09/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 19 năm 2013 về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC cho phù hợp với Nghị quyết 42. NHNN cũng đã có công văn gửi Bộ Tư pháp đề xuất danh mục văn bản quy định chi tiết Nghị quyết 42. Ngoài ra, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực triển khai thực hiện và quán triệt Nghị quyết 42 trong toàn hệ thống. Căn cứ thực trạng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, đánh giá khả năng thu hồi nợ xấu, các ngân hàng đã xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 phù hợp từng thời kỳ. NHNN cũng tăng cường chỉ đạo VAMC triển khai các giải pháp về mua nợ xấu theo giá thị trường và nâng cao năng lực tài chính cho VAMC...
Kết quả, Nghị quyết 42 có hiệu lực chỉ hơn 1 quý trong năm 2017 nhưng kết quả thu hồi nợ xấu về mặt thực chất của năm 2017 đã tăng hơn rất nhiều so với năm 2016 và những năm trước đây. “Sau Nghị quyết 42, năm 2017,VAMC cùng với các TCTD đã thu hồi nợ xấu được 37 ngàn tỷ đồng, gần bằng một nửa so với 3 năm trở lại đây” – ông Nguyễn Tiến Đông thông tin thêm.
Một số vướng mắc cần tháo gỡ
Hiện nay, mặc dù đã có Nghị quyết 42 nhưng việc xử lý tài sản bảo đảm tại ngân hàng vẫn còn gặp một số khó khăn. Ví dụ, khách hàng thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng hợp tác đầu tư với chủ đầu tư để thực hiện dự án bất động sản không phải trực tiếp là chủ dự án. Trong khi đó, dự án lại chưa được hoàn thiện nên ngân hàng không thể áp dụng biện pháp thu giữ tài sản để xử lý. Việc xử lý phải thông qua biện pháp khởi kiện, trong trường hợp có bản án thì việc thi hành án để phát mại tài sản là quyền tài sản cũng khó khăn. Một ví dụ khác, khách hàng thế chấp dự án đầu tư, tuy nhiên các dự án đầu tư chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý, không đủ điều kiện để áp dụng Điều 10 của Nghị quyết 42 về xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản.
Đối với các tài sản bảo đảm không đủ điều kiện áp dụng biện pháp thu giữ, bán nợ hoặc áp dụng thủ tục rút gọn thì ngân hàng buộc phải khởi kiện theo trình tự thông thường. Tuy nhiên, việc này mất rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, một số khoản vay, khách hàng của TCTD có liên quan đến các vụ án và đang trong quá trình điều tra, xét xử nên việc xử lý tài sản bảo đảm, khoản nợ cần phải có sự chấp thuận của cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an.
Bên cạnh đó, điều kiện tài sản đảm bảo được xử lý phải không là tài sản tranh chấp, nhưng cho đến nay chưa có hướng dẫn thế nào là tài sản đang tranh chấp. Điều này dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau, gây khó khăn khi xử lý tài sản theo Nghị quyết 42.
Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để xử lý nợ xấu hiệu quả
Trong năm 2018, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN tập trung chỉ đạo các TCTD triển khai hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”; Theo dõi, giám sát chặt chẽ tiến độ, kết quả thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 của các TCTD; đặc biệt là việc thực hiện các giải pháp về nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, chuyển đổi mô hình kinh doanh, quản trị, điều hành, nâng cao năng lực cạnh tranh và các giải pháp về xử lý nợ xấu, nhất là các giải pháp theo Nghị quyết 42.
Các TCTD tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nội dung, giải pháp tại phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 đã được phê duyệt, đảm bảo theo đúng lộ trình đề ra; Xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh việc triển khai áp dụng chuẩn mực vốn Basel II, các nguyên tắc quản trị rủi ro theo thông lệ, chuẩn mực quốc tế đi đôi với việc đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin; Tăng cường tính minh bạch, công khai trong hoạt động; Tổ chức triển khai áp dụng toàn diện các biện pháp quy định tại Nghị quyết số 42 để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, bảo đảm thực hiện mục tiêu xử lý nợ xấu theo phương án đã được phê duyệt.
Ngoài ra, để xử lý nợ xấu được hiệu quả hơn, các chuyên gia cũng gợi ý về sự cần thiết phát triển thị trường mua bán nợ thực sự. TS. Cấn Văn Lực cho rằng, muốn phát triển thị trường nợ xấu hay nợ bình thường sau này mà theo giá thị trường thì phải có thị trường. Hiện chúng ta chưa có một thị trường mua bán nợ thực sự.