Thúc tiến độ xử lý nợ xấu
Ngày 19/7, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 32/CT-TTg về thực hiện Nghị quyết xử lý nợ xấu (XLNX). Sau đó một ngày, Thống đốc NHNN đã ký ban hành Chỉ thị 06/CT-NHNN về việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm XLNX. Ngày 21/7, NHNN tổ chức Hội nghị triển khai phổ biến Nghị quyết 42 và Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với XLNX giai đoạn 2016-2020 trong toàn hệ thống NH. Có thể thấy, XLNX là một trong những trọng tâm lớn của ngành NH năm 2017 cũng như giai đoạn 2016 - 2020.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo 89 văn bản quy định chi tiết 13 luật, nghị quyết được Quốc hội khoá XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3. Trong đó, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho NHNN soạn thảo thông tư hướng dẫn, quy định chi tiết thi hành Nghị quyết 42. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành soạn thảo dự thảo các văn bản có liên quan. Theo đánh giá của các chuyên gia, điều này chắc chắn sẽ góp phần tạo thêm hành lang pháp lý để Nghị quyết 42 thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn.Cuối tháng 8/2017, thị trường ghi nhận việc VAMC thu giữ dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP. Hồ Chí Minh thì tiếp sau đó một số NH mới bắt đầu “rục rịch” thu giữ tài sản để xử lý nợ vay.
Nói như Tổng giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng khi chia sẻ với báo giới: Nghị quyết 42 của Quốc hội hay Chỉ thị 32 của Thủ tướng Chính phủ không hề mang lại đặc quyền nào cho NH. Mà đó là khuôn khổ pháp lý để giữa NH và khách hàng có thể thực hiện cam kết ngay khi thoả thuận.
Một chuyên gia NH chia sẻ thêm: sau cả một quá trình có không ít “bài học xương máu và sự đau thương”, điều cốt yếu là chúng ta phải hiểu được rõ trách nhiệm của mình ở đâu, phải làm gì để thực hiện tốt nhất trách nhiệm đó. Việc hướng dẫn chi tiết, cụ thể trong thông tư sẽ giúp cả phía NHTM và khách hàng hiểu được điều này. Bởi khi xảy ra hậu quả, cả hai phía đều sẽ bị gánh chịu chứ không chừa ai cả. Vị này cũng khẳng định, XLNX không phải việc của riêng ai, mà toàn xã hội, các bộ, ban, ngành đều cùng phải chung tay gánh vác.
Đồng quan điểm, ông Dương Quốc Anh, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng nợ xấu hiện nay không chỉ của riêng mình ngành NH, mà là nợ của cả nền kinh tế. Theo đại diện cơ quan này, cố gắng thực hiện đúng nội dung, quy định của Nghị quyết 42 để các đối tượng khách hàng chây ì không có cơ hội lạm dụng, gây rối mất trật tự an ninh xã hội. NHNN phải có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đặc biệt là các cơ quan tư pháp như Toà án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Đồng thời có sự tham gia của phía cơ quan Quốc hội đối với những trường hợp thực hiện thí điểm.
Gỡ từ tài sản đảm bảo
Nghị quyết 42 là điểm mốc quan trọng đánh dấu sự thay đổi so với giai đoạn trước đó trong việc XLNX. Khi ở giai đoạn trước kia, các NH XLNX chưa dứt điểm được, khó khăn trong thu giữ tài sản đảm bảo (TSĐB), hay việc bán nợ xấu cũng không thể bán dưới mệnh giá... nay Nghị quyết 42 có thể xem như là một cuộc cách mạng. Song cũng có ý kiến cho rằng Nghị quyết 42 có hiệu lực nhưng dường như các NH vẫn ở thế cầm chừng.
Lý giải vấn đề này, một chuyên gia cho rằng, đó không chỉ nằm ở sự thay đổi lớn với sự ra đời của Nghị quyết 42 khiến đa phần các NH đang loay hoay rằng sẽ phải thực hiện như thế nào. Mà đó còn là thói quen “cố hữu” của NH, khi có quy định mới thì thông thường sẽ chờ đợi xem cơ quan chủ quản - NHNN sẽ có hướng dẫn cụ thể ra sao.
Thêm nữa, chuyên gia này cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Nghị quyết 42 chỉ là chìa khoá mở cánh cổng thứ nhất. Đằng sau đó còn là những cánh cổng về mặt pháp lý, về thương mại, hay vấn đề xã hội... vẫn đang được chờ để mở, nên các NH mới ở trạng thái nghe ngóng”.
Với Nghị quyết 42, vấn đề quanh quẩn và trăn trở nhất được kỳ vọng sẽ hướng dẫn rõ ràng trong thông tư sắp tới là chuyện thanh lý TSĐB. Các chuyên gia cho rằng, thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 42 tới đây mà NHNN soạn thảo, ban hành cần phải đưa ra những quy định thực sự rõ ràng, cụ thể về một số vấn đề cốt lõi như: việc đấu giá; nếu gặp sự chống đối, bất hợp tác của người đi vay thì sẽ phải ra toà, vậy thủ tục rút gọn khi ra toà như thế nào?... Điều này đòi hỏi NHNN phải làm việc với cơ quan tư pháp để thống nhất thủ tục rút gọn trong bao lâu? Việc thi hành án theo thủ tục rút gọn ra sao?
Phần lớn các chuyên gia khi được tham vấn đều nêu quan điểm rằng thông tư hướng dẫn tất yếu phải cụ thể, song nếu quá cụ thể cũng không phải là không khó khăn. Bởi nếu “chúng ta cột chặt quá trong khi việc thanh lý TSĐB lại cần sự thông thoáng thì cũng khó giải quyết. Nhưng nếu quy định quá mở, thì bản thân các NH lại rối. Mấu chốt là NHNN phải đo được liều lượng cột bao nhiêu là đủ, lỏng bao nhiêu thì vừa?”, một chuyên gia kinh tế cho hay.
Mặt khác, trên nguyên tắc, với Nghị quyết 42 có thể thuận lợi cho giải quyết các dự án bất động sản là TSĐB hiện đang trong tình trạng dang dở. Vì nếu theo quy định tại Nghị quyết 42, khi NH thu giữ được dự án đó thì NH sẽ là chủ của dự án. Từ đó có quyền quyết định bán dự án cho chủ đầu tư khác hay tiếp tục bơm tiền để hoàn thiện dự án. Nhưng trên thực tế, nếu mọi chuyện được giải quyết nhanh chóng, nếu thủ tục rút gọn của toà án trong vòng khoảng 6 tháng thì có thể có tác dụng tốt. Còn nếu rút gọn rồi nhưng vẫn kéo dài 1 năm, hoặc hơn thì sẽ khó mà khả quan. Bởi các NH không dại gì thu giữ một dự án bất động sản dang dở, mà chỉ làm việc này khi họ nhìn thấy “ở cuối đường hầm có tia sáng” - dự án có khả năng thu hồi được vốn.
Với thông tư hướng dẫn sắp tới, theo chia sẻ của lãnh đạo một NHTMCP, đối với các chủ đầu tư họ sẽ nhìn thấy điểm bất lợi của mình nếu như cố tình chống đối. “Nếu chủ đầu tư không muốn ra toà, thì đương nhiên họ sẽ phải có thoả thuận để giải quyết nhanh chóng với NH. Cốt yếu là việc thương thảo giữa hai bên mà thôi”.