Tới dự Hội thảo có ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; ông Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTV Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội... đại diện thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Chủ trì hội thảo có ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; ông Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc NHNN; ông Đỗ Chí Nghĩa - Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân; ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC.
Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) Ngô Quang Lương tham gia dự hội thảo với tham luận “Để DIV tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) và xử lý nợ xấu”.
Các tham luận được các chuyên gia kinh tế chia sẻ tại Hội thảo tập trung vào một số vấn đề như: Nguồn gốc, nguyên nhân của nợ xấu; Kinh nghiệm xử lý nợ xấu: kinh nghiệm quốc tế và giải pháp đối với Việt Nam; Thực trạng mua bán và xử lý nợ xấu của VAMC, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị để nâng cao hiệu quả xử lý nợ của VAMC...
Hình ảnh tại hội thảo
548.500 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý
Thông tin tại hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết, tính đến thời điểm cuối tháng 8/2016, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 548.500 tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu do các TCTD tự xử lý là 57,2%, còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức cá nhân khác) chiếm 42,8%. Từ 2013 đến nay, VAMC đã mua được 25.062 khoản nợ tại 42 TCTD, với tổng dư nợ gốc 262.054 tỷ đồng, giá mua nợ là 227.848 tỷ đồng.Hầu hết các khoản nợ đã mua đều có tài sản bảo đảm là bất động sản hoặc tài sản hình thành từ vốn vay kể cả bất động sản, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, dự án, trái phiếu doanh nghiệp…Trong đó, bất động sản với giá trị tài sản đảm bảo là 256.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ cao nhất 63,5%.
Về công tác thu hồi nợ, kể từ khi thành lập đến nay, VAMC đã phối hợp với các TCTD tổ chức thu hồi nợ đạt 37.983 tỷ đồng dưới nhiều hình thức thu hồi nợ như: bán nợ, bán TSĐB, … đạt tỷ lệ 15% dư nợ gốc nội bảng. Tốc độ thu hồi nợ so với tổng dư nợ đã mua còn hạn chế song tỷ lệ khách hàng tự trả nợ chiếm tới 70% còn lại 30% là bán nợ, bán TSBĐ. Việc bán TSBĐ bao gồm phát mại TSBĐ, thi hành án để thu hồi nợ chỉ đạt 10.990 tỷ, chiếm tỷ lệ 28,9%.
Tuy đạt được kết quả khả quan, nhưng nhìn chung, việc xử lý nợ xấu của các TCTD và VAMC vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, khối lượng nợ xấu còn tồn tại trên thị trường nhiều. Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, một trong những lý do khiến các ngân hàng, các công ty xử lý nợ xấu khó xử lý nợ xấu là do các quy định pháp luật còn thiếu, nhất là quy định liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm.
Qua các ý kiến trao đổi, chia sẻ và thảo luận của các đại biểu tại Hội thảo cho thấy, những khó khăn vướng mắc trong hoạt động xử lý nợ xấu do nhiều nguyên nhân, trong đó nổi cộm 4 vấn đề chính: Các quy định pháp luật còn thiếu, chưa phù hợp để thúc đẩy hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu, hoạt động xử lý tài sản bảo đảm có nhiều vướng mắc nếu không có sự hợp tác của khách hàng vay, bên bảo đảm. Bên nhận bảo đảm chỉ có thể thực hiện khởi kiện tại Tòa án để thu hồi nợ. Trong khi đó, thời gian giải quyết vụ việc tại Tòa án thường bị kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ của TCTD, VAMC.
Thứ hai, VAMC thiếu những quy định đặc thù để có thể xử lý nhanh nợ xấu. Các quy định pháp luật hiện tại chưa tạo sự thông thoáng cho hoạt động của VAMC, thậm chí còn hạn chế quyền của VAMC khi thực hiện xử lý nợ thông qua các biện pháp như bán nợ, bán tài sản bảo đảm. VAMC không thực hiện được quyền chủ nợ đối với nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt.
Thứ ba, thị trường thiếu những cơ chế điều tiết linh hoạt và hiệu quả trong hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu nợ xấu, dẫn đến hệ quả không thu hút được các tổ chức, nhà đầu tư có tiềm lực tham gia vào hoạt động xử lý nợ tại Việt Nam. Việc bán nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài gặp một số vướng mắc vì theo quy định pháp luật hiện hành, việc nhận thế chấp, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thay đổi mục đích sử dụng đất... đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế.
Vấn đề cuối cùng là việc xử lý nợ chưa có hành lang pháp lý rõ ràng để bảo vệ cán bộ, đảm bảo tính công khai minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện công việc. Hệ lụy dẫn đến những hạn chế không khuyến khích TCTD, VAMC tích cực triển khai công tác xử lý nợ.
Về khó khăn vướng mắc trong hoạt động xử lý nợ xấu, VAMC cũng cho hay, với nguồn lực hạn chế về con người và mạng lưới hoạt động, trong khi số lượng khoản nợ mà cơ quan này đã mua là rất lớn, tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu đa dạng, phân tán tại nhiều nơi nên VAMC chưa thể trực tiếp quản lý để nắm bắt được đầy đủ thực trạng các khoản nợ mua từ TCTD, việc tổ chức thực hiện xử lý tài sản để thu hồi nợ kém hiệu quả. Hiện tại, VAMC chỉ có thể tập trung rà soát, phân loại đối với các khoản nợ có dư nợ lớn, số còn lại VAMC đã thực hiện ủy quyền các nội dung xử lý nợ ngay tại thời điểm mua nợ. Cùng với đó, nguồn vốn của VAMC còn hạn chế và chưa phù hợp với yêu cầu xử lý nợ theo chức năng, nhiệm vụ của VAMC, đặc biệt trong công tác mua bán nợ theo giá trị thị trường.
Những “nút thắt” cần được mở
Từ những góc nhìn đầy đủ, toàn diện và nhất quán về xử lý nợ xấu, Hội thảo đưa ra những giải pháp quan trọng để xử lý nợ xấu được triệt để, hiệu quả theo hướng:Xây dựng khuôn khổ pháp lý điều tiết toàn bộ các hoạt động liên quan đến việc xử lý nợ xấu, tạo lập một môi trường hoạt động minh bạch, bình đẳng, thông suốt; đặc biệt chú ý đến việc hoàn tất thủ tục pháp lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ, thu giữ tài sản, phát mại tài sản, định giá tài sản; phát triển khung pháp lý cho thị trường mua - bán và xử lý tài sản xấu.
Cùng với đó là nâng cao năng lực xử lý nợ xấu của VAMC với những cơ chế đặc thù để VAMC có thể hoạt động hiệu quả trên nguyên tắc xử lý nợ xấu phải được thực hiện nhanh, giảm thiểu những thiệt hại phát sinh do sự chậm trễ trong xử lý nợ xấu. VAMC có thể chủ động quyết định trong việc cơ cấu lại nợ, bán nợ hoặc tài sản đảm bảo mà không phải trao đổi để thống nhất với TCTD, doanh nghiệp có nợ xấu.
Một giải pháp quan trọng nữa là xử lý nợ xấu cần được thực hiện bằng nguồn tiền thực để bảo đảm hiệu quả và nhanh chóng. Các hình thức xử lý nợ xấu phải được đa dạng hóa trên cơ sở bảo đảm tính công khai, minh bạch. Hệ thống thông tin nợ xấu được tổ chức để dễ dàng giới thiệu các khoản nợ xấu hoặc tài sản bảo đảm tới các nhà đầu tư có quan tâm, nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu và tạo tiền đề để xây dựng một thị trường mua bán nợ tại Việt Nam.
Trên cơ sở lý luận, tình hình thực tế về xử lý nợ xấu của các TCTD Việt Nam hiện nay, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội – TS. Nguyễn Đức Kiên còn khuyến nghị lựa chọn phương thức xử lý nợ xấu là chứng khoán hóa nợ xấu thành trái phiếu Chính phủ (TPCP) để đưa vào giao dịch trên thị trường chứng khoán và sử dụng phiếu nợ chuyển đổi của các doanh nghiệp nợ xấu là tài sản đối ứng cho lượng trái phiếu chính phủ đã phát hành.
Theo đó, Nhà nước được thực hiện thông qua phát hành TPCP tức là tiến hành chứng khoán hóa nợ xấu thành trái phiếu chính phủ. Số lượng TPCP được phát hành ra căn cứ vào tổng giá trị nợ xấu và sẽ được đưa vào giao dịch trên thị trường chứng khoán, kể cả giao trên sàn giao dịch và giao dịch trên thị trường liên ngân hàng.Cùng với đó, các doanh nghiệp có nợ xấu và không có khả năng trả nợ sẽ chịu trách nhiệm đối với việc xử lý nợ xấu bằng cách phát hành phiếu nợ chuyển làm tài sản đối ứng với lượng TPCP được Nhà nước phát hành ra căn cứ vào số lượng nợ xấu.