Cụ thể, các tổ chức BHTG trong thời gian gần đây đã và đang có những thay đổi về nhiều khía cạnh từ mô hình hoạt động, vai trò của tổ chức BHTG trong hoạt động xử lý, các nghiệp vụ như chi trả, cấp vốn… cho đến các tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống BHTG.
Các tổ chức BHTG mở rộng quyền hạn, chi trả sớm hơn và đóng vai trò quan trọng hơn trong xử lý đổ vỡ
Theo kết quả khảo sát thường niên của Hiệp hội BHTG Quốc tế (IADI), về mô hình hoạt động của các tổ chức BHTG, mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng ngày càng được nhiều tổ chức BHTG áp dụng (46%). Các tổ chức BHTG đóng vai trò ngày càng quan trọng trong quá trình xử lý các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém hay đổ vỡ. Tuy nhiên, mức độ tham gia vào quá trình xử lý của từng loại mô hình tổ chức là khác nhau. Trong đó, chỉ có 28,7% tổ chức BHTG có thẩm quyền trong việc quyết định biện pháp xử lý.
Về thời gian chi trả, số các tổ chức BHTG bắt đầu thực hiện chi trả trong vòng 7 ngày làm việc tăng lên mức 65%. Điều này cho thấy nỗ lực chi trả BHTG cho người gửi tiền sớm nhất có thể của các tổ chức BHTG. Về Quỹ BHTG và hệ thống phí BHTG, cơ chế cấp vốn trước chiếm 96% cơ chế hình thành nguồn quỹ BHTG. Bên cạnh đó, các tổ chức BHTG cũng đang dần chuyển từ phí đồng hạng sang hệ thống tính phí theo rủi ro với khoảng một nửa số tổ chức BHTG đã áp dụng thu phí BHTG phân biệt trên cơ sở rủi ro. Ngoài ra, quy mô quỹ BHTG thể thiện sự phân hóa theo từng châu lục. Trong đó, các tổ chức BHTG ở Châu Phi và Châu Mỹ có quy mô quỹ lớn nhất và các tổ chức BHTG ở Châu Âu có quy mô quỹ nhỏ nhất.
Khảo sát cũng cho thấy hạn mức BHTG trên thế giới duy trì tương đối ổn định trong vòng 5 năm trở lại đây. Kể từ năm 2017, chỉ có khoảng 30% số tổ chức BHTG tham gia trả lời khảo sát tăng hạn mức BHTG. Hầu hết các tổ chức BHTG ở các quốc gia lớn nhất không tăng hạn mức trong vòng hơn một thập kỷ trở lại đây (như Tổng công ty BHTG Liên bang Mỹ, Tổng công ty BHTG Canada…). Bên cạnh đó, tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm trên thế giới đang dao động ở mức trên 40% và đạt mức cao nhất 50% vào năm 2018. Năm 2022, tỷ lệ này đang ở mức 45%.
Các vấn đề chính sách tác động tới hoạt động BHTG trong thời gian tới
Theo Báo cáo về BHTG năm 2023 của IADI về Xu thế toàn cầu và các vấn đề mới nổi, năm yếu tố được đánh giá là sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của các tổ chức BHTG trong năm 2023, bao gồm: Môi trường kinh tế vĩ mô; Tổ chức BHTG và xử lý ngân hàng; Số hóa, đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương, tài sản tiền điện tử và đồng tiền kỹ thuật số ổn định; Biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG); Rà soát và cập nhật Bộ nguyên tắc cơ bản của IADI.
Môi trường kinh tế vĩ mô
Môi trường kinh tế vĩ mô đầy thách thức là vấn đề xuyên suốt và quan trọng nhất đối với tổ chức BHTG trong thời gian tới. Cụ thể, môi trường kinh tế vĩ mô đặt ra hai thách thức lớn đối với các tổ chức BHTG bao gồm: Lạm phát tăng cao đột ngột hoặc liên tục có thể là lý do khiến các tổ chức BHTG đánh giá lại mức độ phù hợp của hạn mức chi trả BHTG; và chính sách thắt chặt tiền tệ cần thiết để giảm lạm phát có thể làm trầm trọng thêm suy thoái kinh tế, kéo theo những rủi ro đối với tổ chức BHTG.
Trong năm 2023, tổ chức BHTG cần theo dõi sát sao ít nhất ba yếu tố gồm:
Thứ nhất, tình trạng lạm phát cao vẫn chưa được khắc phục. Bất chấp các hành động quyết đoán gần đây của các ngân hàng trung ương, rủi ro về việc lạm phát cơ bản quay lại xu hướng tăng vẫn tồn tại. Điều này sẽ làm tăng trưởng kinh tế càng chậm lại và đặc biệt có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến những nền kinh tế có thu nhập thấp, nơi tỷ lệ nợ đang ở mức rất cao.
Thứ hai, sự tái bùng phát của dịch bệnh Covid-19 và việc các hạn chế được tái áp dụng sẽ một lần nữa khiến các nền kinh tế rơi vào tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng và tác động tiêu cực đến tăng trưởng.
Rủi ro thứ ba và có lẽ là rủi ro nghiêm trọng nhất là các căng thẳng địa chính trị. Sự leo thang của cuộc xung đột Ukraine có thể tiếp tục khiến giá năng lượng và lương thực, thực phẩm tăng cao. Những lo ngại liên quan đến an ninh quốc gia/khu vực và sự cạnh tranh giữa các khối kinh tế có thể gây ra căng thẳng thương mại và sự phân mảnh kinh tế toàn cầu. Điều này có thể sẽ gây ra các tác động rất khác nhau đến các nền kinh tế và lĩnh vực ngân hàng tại các quốc gia.
Tổ chức BHTG và xử lý ngân hàng
Xu hướng các tổ chức BHTG tham gia nhiều hơn vào quá trình xử lý từ các năm trước được đẩy mạnh trong năm 2023 với nhiều cuộc thảo luận và nghiên cứu được được dự kiến tổ chức trên toàn thế giới với sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế có liên quan. Bên cạnh đó, xu hướng cho thấy các tổ chức BHTG có nhiệm vụ chi trả mở rộng có thể thường xuyên phải can thiệp sớm hoặc hỗ trợ tài chính cho các hoạt động xử lý ngân hàng ngoài hoạt động chi trả. Ngoài ra, các quốc gia cần cân nhắc sử dụng các biện pháp để bảo vệ quỹ BHTG thông qua một số biện pháp chẳng hạn như “nguyên tắc chi phí tối thiểu” hay so sánh chi phí của các phương án xử lý.
Số hóa, đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương, tài sản tiền điện tử và đồng tiền kỹ thuật số ổn định
Số hóa là một xu hướng lớn và đang định hình lại các chuỗi giá trị hiện có trên nhiều thị trường bao gồm cả thị trường tài chính. Trong thời gian tới, số hóa, đồng tiền kỹ thuật số và tài sản điện tử chắc chắn sẽ ảnh hưởng cả trực tiếp và gián tiếp đến các tổ chức BHTG. Một số khía cạnh có ảnh hưởng thiết thực nhất đến hoạt động của tổ chức BHTG bao gồm:
Các thách thức hoạt động và vấn đề chính sách;
Rủi ro mới (như sự xuất hiện của các ngân hàng thuần số, hệ thống thanh toán nhanh 24/7 và vai trò của các nền tảng truyền thông xã hội);
Nhận thức công chúng (về chính sách BHTG đối với các sản phẩm và dịch vụ mới nổi);
Vấn đề xuyên biên giới;
Cơ hội đến từ công nghệ mới;
Rủi ro hoạt động trong lĩnh vực an ninh mạng;
Cạnh tranh trên thị trường ngân hàng;
Đồng tiền số của ngân hàng trung ương;
Tài sản điện tử và đồng tiền số ổn định.
Do đó, tổ chức BHTG chú ý nhiều hơn đến các vấn đề này, tăng cường việc thảo luận và đưa ra chính sách BHTG phù hợp.
Biến đổi khí hậu và các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị
Biến đổi khí hậu tiếp tục là thách thức toàn cầu và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của tổ chức BHTG. Năm thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu có khả năng ảnh hưởng đến tổ chức BHTG bao gồm: Thách thức hoạt động; Rủi ro ổn định tài chính; Rủi ro ngân hàng mất khả năng thanh toán và chi phí xử lý; Giám sát và Quản lý quỹ BHTG. Bên cạnh đó, các tổ chức BHTG bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến không chỉ đơn thuần là vấn đề biến đổi khí hậu nói chung mà còn đến ESG. ESG (Environment, social and governance) là một bộ tiêu chuẩn được sử dụng để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững cũng như ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng và đang ngày càng trở nên phổ biến trong thời gian gần đây.
Rà soát và cập nhật Bộ nguyên tắc cơ bản của IADI
Hoạt động rà soát và cập nhật Bộ Nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả năm 2014 của IADI đã đạt được những bước tiến đáng kể trong năm 2022 và sẽ được tiếp tục hoàn thiện trong năm 2023. Dự kiến, phiên bản cập nhật của Bộ Nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả sẽ được xem xét lần cuối và phê duyệt trong năm nay.
Phòng Nghiên cứu tổng hợp và HTQT
Tài liệu tham khảo
1. “Bảo hiểm tiền gửi 2023: Xu thế toàn cầu và các vấn đề mới nổi”, IADI, tháng 2/2023.
2. Khảo sát thường niên của IADI 2022.