Hạn mức 125 triệu đồng cơ bản phù hợp với mức gia tăng thu nhập của hầu hết người gửi tiền, đặc biệt là tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh ở Việt Nam. Đồng thời, phù hợp với tốc độ tăng khá nhanh tổng tài sản của các TCTD.
TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia
Hạn mức 125 triệu đồng hoàn toàn tương ứng với các khuyến nghị của IADI và điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Đây là một bước tiến đối với cơ chế hoạt động của BHTGVN để cơ quan này thực sự hoạt động có hiệu quả, có đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền, trở thành một bộ phận quan trọng trong mạng an toàn tài chính quốc gia, phù hợp với thông lệ quốc tế.
TS. Hà Huy Tuấn - Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia
Trong bối cảnh thu nhập của người dân đang tăng lên, tôi đánh giá cao ý nghĩa của việc tăng hạn mức BHTG lên 125 triệu đồng đối với quyền lợi của người gửi tiền. Chính sách BHTG đã và đang dần thể hiện được vai trò quan trọng đối với hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ông Bùi Xuân Chỉnh - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Bình Thuận
Theo số liệu thống kê của NHNN, mức tăng trưởng tiền gửi của dân cư tính đến cuối tháng 6 năm 2021 chỉ tăng 2,94% (5,29 triệu tỷ đồng) so với cuối năm 2020. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất tính từ năm 2012 đến nay (cuối tháng 5 năm 2012, tăng gần 16%). Vì vậy, tôi cho rằng, việc điều chỉnh hạn mức từ 75 triệu đồng lên 125 triệu đồng là hợp lý. Hạn mức chi trả mới này sẽ đem lại nhiều lợi ích, cụ thể: Tăng số lượng người gửi tiền được bảo vệ và tăng khả năng thu hút người gửi tiền vào ngân hàng, khi đang có xu hướng giảm, đặc biệt khi dịch Covid diễn biến phức tạp và khó lường. Đồng thời, hạn mức BHTG mới cũng giúp tăng khả năng chống đỡ của hệ thống ngân hàng, niềm tin và uy tín của ngân hàng được củng cố; thu hút thêm nhiều khách hàng gửi tiền vào ngân hàng, tạo điều kiện có vốn cho phát triển kinh tế.
PGS. TS Nguyễn Thị Mùi - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia
Hạn mức BHTG cần phải vừa nâng cao năng lực quản trị rủi ro cho các ngân hàng, vừa đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người gửi tiền, đồng thời phù hợp với năng lực của BHTGVN. Khi nói tới người gửi tiền, phải hiểu rằng chính sách BHTG hướng tới bảo vệ những người gửi tiền có quy mô tiền gửi nhỏ nhưng chiếm số đông. Có thể nói, hạn mức 125 triệu đồng/người/tổ chức tham gia BHTG đáp ứng được những yêu cầu trên, thể hiện bước phát triển mới của chính sách BHTG.
TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh
Hạn mức BHTG cần có giới hạn để hạn chế rủi ro đạo đức đối với cả người gửi tiền và TCTD. Tuy nhiên, với hạn mức 75 triệu đồng, tôi cho rằng còn thấp so với thông lệ quốc tế. Theo nghiên cứu gần đây của IMF đối với 189 quốc gia thì hạn mức BHTG của Việt Nam tương đối thấp. Ngay trong khu vực ASEAN, sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, các quốc gia khu vực cũng đã áp dụng hạn mức BHTG rất cao. Theo tôi, việc tăng hạn mức từ 75 triệu đồng lên 125 triệu đồng là một mức nâng chừng mực, phù hợp với tình hình thực tế.
TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc Trung tâm đào tạo BIDV
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế và hệ thống ngân hàng, năng lực tài chính của BHTGVN cũng gia tăng đáng kể. Bên cạnh đó, GDP bình quân đầu người liên tục tăng kéo theo quy mô tiền gửi của người dân ngày một lớn hơn, cả về tổng tiền gửi cũng như lượng tiền gửi trên mỗi người gửi tiền trong hệ thống các TCTD. Do đó, việc nâng hạn mức BHTG từ 75 triệu đồng lên 125 triệu đồng đã đáp ứng được nguyện vọng của số đông người gửi tiền.
TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế
Xét về quy mô tiền gửi của người dân tại các TCTD, nhiều khách hàng hiện nay có số tiền gửi hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng trở lên. Vì vậy, việc áp dụng hạn mức bảo hiểm tiền gửi 75 triệu đồng là thấp so với mặt bằng chung của tiền gửi dân cư, có thể ảnh hưởng đến hoạt động tuyên truyền, vận động người dân khi xử lí các biến cố trong hoạt động ngân hàng. Trong giai đoạn nền kinh tế bị tác động mạnh mẽ bởi đại dịch Covid như hiện nay, việc nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi lên 125 triệu đồng giúp tăng niềm tin của người gửi tiền đối với TCTD, từ đó thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư vào hệ thống. Khi đó, nguồn vốn tiết kiệm trong nước cho đầu tư phát triển sẽ tạo ra động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội
Hạn mức trả tiền bảo hiểm hiện nay đã tiến gần hơn tới mặt bằng chung của tiền gửi dân cư. Do đó, chúng tôi không còn e ngại trao đổi về hạn mức BHTG khi tuyên truyền chính sách BHTG đến người dân. Chúng tôi tin rằng hạn mức mới sẽ mở ra những tín hiệu tích cực trong công tác huy động vốn, giúp QTDND Hợp Đức hoạt động vững vàng trong đại dịch, từ đó hỗ trợ người dân tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất và kinh doanh.
Ông Trần Khôi – Giám đốc QTDND Hợp Đức, TP Hải Phòng
Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, hạn mức bảo hiểm tiền gửi đã được điều chỉnh từ 75 triệu đồng lên 125 triệu đồng cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền. Với hạn mức này, người dân sẽ càng thêm yên tâm, giảm bớt tâm lý e ngại khi gửi những khoản tiền mồ hôi công sức của mình vào các TCTD.
Ông Nguyễn Hữu Cường – Chủ tịch HĐQT QTDND Phú Thứ, Kinh Môn, Hải Dương
Người dân trên địa bàn thành phố Hà Giang chủ yếu là tiểu thương, hoạt động đa ngành nghề với mức thu nhập khá dư dả. Theo thống kê tại quỹ, tài khoản tiền gửi có số dư trên 75 triệu đồng hiện chiếm khoảng 70%. Như vậy, hạn mức 125 triệu đồng là phù hợp và đáp ứng được phần đông nhu cầu của người dân. Dưới góc nhìn là một TCTD, tôi đánh giá cao quyết định của Chính phủ trong giai đoạn này. Hạn mức mới đã tạo ra nguồn lực to lớn cho chúng tôi trong cuộc chiến phòng chống đại dịch, đảm bảo cho QTDND Bảo Tín nói riêng và hệ thống các QTDND nói chung phát triển an toàn, hiệu quả.
Ông Ninh Quốc Chính – Giám đốc QTDND Bảo Tín, TP. Hà Giang
Từ khi mới thành lập, BHTGVN đã từng chi trả đầy đủ cho người gửi tiền khi xảy ra đổ vỡ QTDND. Chúng tôi hoàn toàn yên tâm tin tưởng vào chính sách BHTG. Được biết, Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định tăng hạn mức BHTG lên 125 triệu đồng, chúng tôi càng yên tâm khi gửi những đồng tiết kiệm nhiều năm vào QTDND.
Bà Nguyễn Thị Phương - người gửi tiền tại Hưng Yên
Là cán bộ hưu trí, tuổi đã cao, sức khỏe yếu, số tiền tích cóp cả đời đi làm của tôi hiện được gửi tại QTDND. Với hạn mức trả tiền bảo hiểm 125 triệu đồng, tôi cảm thấy nguyện vọng của chúng tôi đã được Nhà nước lắng nghe và đáp ứng.
Ông Hoàng Văn Mạnh – người gửi tiền tại Vĩnh Phúc