Sản xuất công nghiệp của Nhật đã giảm 3,3% trong tháng 6 so với tháng 5, mức giảm mạnh nhất kể từ sau thảm họa kép động đất và sóng thần tháng 3/2011.
Xuất khẩu hàng hóa của Nhật Bản cũng giảm 2% trong tháng 6 so với một năm trước đó, mặc dù đồng yen giảm giá khoảng 20%, trong khi nhập khẩu hàng hóa lại tăng 8,4%.
Xuất khẩu hàng hóa nước này đã giảm liên tiếp 5 tháng, dấu hiệu mà theo số liệu của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp thì kinh tế quốc gia đang trong giai đoạn tương tự như khi suy thoái hồi giữa năm 2012.
Đồng yen giảm giá lẽ ra là điều kiện thuận lợi cho các nhà xuất khẩu. Tuy nhiên thực tế cho thấy xuất khẩu vẫn sụt giảm trong khi nhập khẩu gia tăng.
Đồ thị tỷ giá USD/JPY một năm qua: Yen giảm giá so với USD trong 2 tháng đầu năm 2014, nhưng ổn định từ tháng 2 tới nay
Chi phí nhập khẩu không ngừng tăng trong những tháng qua do chi phí nhập khẩu năng lượng tốn kém kể từ sau khi ngành sản xuất điện hạt nhân phải tạm dừng hoạt động kể từ năm 2011 sau thảm họa sóng thần.
Nhật Bản cũng đang trong tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt đáng báo động trong một số ngành công nghiệp quan trọng, từ xây dựng tới dịch vụ. Tỷ lệ tăng trưởng dân số ở Nhật dự báo sẽ âm trong vài thập kỷ tới.
Nguồn cung lao động ở Nhật Bản đã tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn hai thập kỷ và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,5% trong tháng 5, song điều đó không thể chứng tỏ rằng nền kinh tế đang sôi động trở lại.
Tiền lương thực tế của người Nhật Bản đã giảm 12 tháng liên tiếp tính tới tháng 6, theo số liệu thống kê của Chính phủ, cho thấy mức tăng lương vẫn thấp hơn mức tăng giá, là lý do khiến người Nhật vẫn thắt chặt chi tiêu, và do vậy nền kinh tế không thể bứt phá dù Chính phủ đã tung ra nhiều chương trình kích thích kinh tế.
Lương thực tế ở Nhật đã giảm 3,8% trong tháng 6 so với cùng tháng năm ngoái, mức giảm mạnh nhất kể từ sau khi giảm 4,3% hồi tháng 12/2009. Do đó, hầu như không có khả năng khuyến khích người tiêu dùng Nhật Bản tăng chi tiêu tùy ý.
Người tiêu dùng Nhật Bản càng thêm khó khăn hơn khi thuế tiêu thụ tăng kể từ tháng 4/2014. Những vấn đề của kinh tế Nhật có vẻ trầm trọng hơn so với những nền kinh tế láng giềng như Hàn Quốc và Đài Loan.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Haruhiko Kuroda hôm 1/8 vừa qua đã tuyên bố sẽ sẵn sàng áp dụng các công cụ chính sách nếu thấy cần thiết để nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa.
Triển vọng đồng Yen giảm giá so với USD càng có cơ sở khi kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng tích cực. Tỷ lệ thất nghiệp Mỹ đã giảm xuống mức 6,1%, tăng trưởng kinh tế quý II đạt tới 4% so với cùng quý năm ngoái.
Trong cuộc họp chính sách hôm 15/7, Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã hạ nhự dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay từ 1,1% xuống 1%, và giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng năm 2015 và 2016 lần lượt ở 1,9% và 2,1%.