Hệ thống ngân hàng có nhiều vấn đề cần được xử lý. Khả năng sinh lời của hệ thống ngân hàng suy giảm kể từ quý 1/2011. Tỷ lệ ROE, ROA của toàn hệ thống ở mức thấp trong 6 năm gần đây. Hoạt động kinh doanh ngân hàng không mang lại lợi nhuận tương đương với mức độ rủi ro của ngành. Nợ xấu liên tục gia tăng, gây bất ổn hệ thống tài chính, cản trở dòng vốn tín dụng đổ vào nền kinh tế, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, GDP giảm, tình trạng công ăn việc làm của người lao động bị suy giảm. Một số ngân hàng có tình hình hoạt động kinh doanh rất xấu, thua lỗ kéo dài do khả năng quản trị kém.
Trước diễn biến phức tạp của hệ thống ngân hàng, Đề án cơ cấu lại tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011 – 2015 đã được phê duyệt. Có nhiều giải pháp được đưa ra để cơ cấu lại TCTD, bao gồm TCTD lành mạnh, TCTD thiếu thanh khoản tạm thời, TCTD yếu kém, trong đó, các hành động như hỗ trợ thanh khoản, giám sát đặc biệt, kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt, mua lại vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần, sáp nhập hợp nhất. Trong bối cảnh quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD đang được thúc đẩy, vấn đề bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền càng trở nên cấp thiết.
Theo Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG), tổ chức BHTG bảo vệ quyền và lợi ích người gửi tiền chủ yếu bằng cách sẵn sàng chi trả khi có sự kiện thuộc trách nhiệm bảo hiểm xảy ra và tiến hành giám sát từ xa để bảo đảm sự an toàn hệ thống tài chính. Việc giám sát chỉ dừng lại ở mức kiến nghị Ngân hàng Nhà nước các vi phạm và rủi ro trong hệ thống ngân hàng. Thông tin dùng để giám sát được chia sẻ từ Ngân hàng Nhà nước, không có việc chia sẻ và phối hợp với các cơ quan khác. Tổ chức BHTG có quyền tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt nhưng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Trong khi đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy sự khác biệt lớn về cách thức thực hiện tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng và vai trò của tổ chức BHTG trong bối cảnh đó.
Kinh nghiệm về tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng
Kinh nghiệm nhiều nước thực hiện tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng cho thấy có nhiều nguyên tắc thực hiện nhưng cần đặc biệt lưu ý đến hai nguyên tắc sau:
(1) Phải thực hiện nhanh. Tại Việt Nam hiện nay, nhiều quan điểm cho rằng tái cơ cấu ngân hàng là quá trình lâu dài và liên tục. Tuy nhiên, nếu quá trình tái cơ cấu kéo dài và liên tục sẽ làm gia tăng mức độ trầm trọng của vấn đề, hậu quả và tổn thất để lại khó lường trước. Chính vì vậy, nguyên tắc “Phải thực hiện nhanh” làm giảm chi phí phát sinh trong quá trình tái cơ cấu.
(2) Phải thực hiện quyết liệt. Hệ thống tài chính ngân hàng có nhiều mối quan hệ giữa các bên liên quan. Thậm chí nhiều lãnh đạo cấp cao ngân hàng có mối quan hệ liên quan đến hệ thống chính trị. Do đó để có thể xử lý dứt điểm các vấn đề và các TCTD yếu kém, cần có hệ thống luật pháp rõ ràng giữa các bên liên quan đến quá trình tái cơ cấu và trách nhiệm cụ thể của các cá nhân.
Tái cơ cấu ngân hàng đảm bảo được 3 mục tiêu: (1) Giảm thiểu các rối loạn trong hệ thống thanh toán và khôi phục niềm tin vào hệ thống tài chính, (2) Giảm chi phí phát sinh trong quá trình tái cơ cấu, (3) Có biện pháp tránh tái phát khủng hoảng trong tương lai.
Quá trình tái cơ cấu (xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém) thực hiện theo 3 giai đoạn: Ổn định thị trường tài chính chung (biện pháp của NHTW và tổ chức bảo hiểm tiền gửi); Đưa ra thủ tục quản lý khủng hoảng tài chính như xử lý các doanh nghiệp, TCTD có vấn đề một cách nhanh nhất, kiểm soát nguồn vốn hỗ trợ và các tổ chức được bơm vốn; Xác định nguyên nhân yếu kém của TCTD và doanh nghiệp.
Tái cơ cấu ngân hàng thành công cần thực hiện tái cơ cấu toàn diện gồm tái cơ cấu TCTD và tái cơ cấu doanh nghiệp. Tái cơ cấu ngân hàng cần đi trước một bước, tạo ra hệ thống tài chính ổn định, sau đó thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp. Với bước đi này, hệ thống ngân hàng dự trù trước những tổn thất phát sinh để có kế hoạch phản ứng.
Kinh nghiệm của Bảo hiểm tiền gửi Malaysia (MDIC)
MIDC thành lập tháng 9/2005, là một tổ chức độc lập, không trực thuộc Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM). MDIC có nhiệm vụ: (i) Bảo hiểm tổn thất một phần hoặc toàn bộ các khoản tiền gửi, (ii) Thúc đẩy hoặc góp phần vào sự ổn định của hệ thống tài chính, (iii) Đưa ra cơ chế khuyến khích sử dụng quản lý rủi ro lành mạnh hệ thống tài chính, (iv) Quản lý hệ thống bảo hiểm tiền gửi. Với nhiệm vụ này, MDIC có quyền: thanh/kiểm tra, các hành động trước khi và hành động sau khi BNM ban hành tuyên bố về khả năng không tồn tại được của tổ chức tín dụng.
Khi tổ chức tín dụng đang hoạt động: MDIC thực hiện giám sát, đánh giá rủi ro định kỳ. Tất cả các thông tin về ngân hàng thương mại được MDIC tiếp cận thông qua việc chia sẻ từ BNM. MDIC có hệ thống đánh giá, xếp hạng riêng và chia sẻ nội dung này với BMM. Định kỳ tháng, MIDC và NMB họp chia sẻ thông tin đánh giá, xếp hạng về các tổ chức tín dụng.
Khi tổ chức tín dụng bị NHTW thông báo không thể hoạt động, quyền hạn của MDIC gồm:
Kinh nghiệm của Bảo hiểm tiền gửi Đài Loan (CDIC)
Mạng lưới an toàn tài chính tại Đài Loan gồm: Ủy ban giám sát tài chính (FSC), Bộ tài chính, Ngân hàng Trung ương, Ủy ban nông nghiệp và tổ chức bảo hiểm tiền gửi Đài Loan CDIC. Mạng lưới thực hiện các nhiệm vụ: (1) Thảo luận chính sách hệ thống ngân hàng, (ii) Giải quyết ngân hàng có vấn đề, (iii) Xử lý khủng hoảng hệ thống, (iv) Xử lý khủng hoảng thanh khoản ngân hàng, (v) Chia sẻ thông tin, (vi) Thực hiện các vấn đề khác.
Cơ sở pháp lý cho việc chia sẻ thông tin:
- Luật tổ chức ủy ban giám sát tài chính quy định: Đối với các tổ chức được FSC giám sát, hoạt động quản lý, kiểm tra được kết nối với các hoạt động của Ngân hàng Trung ương hoặc bất kỳ một cơ quan chính phủ liên quan, FSC ban hành các quy tắc chi phối các hoạt động thực hiện. Có phần Hướng dẫn việc kết nối giữa FSC với NHTW và các cơ quan khác.
Luật bảo hiểm tiền gửi Đài Loan quy định:
Trong trường hợp CDIC cần các thông tin tài chính hoặc các thông tin khác liên quan đến kiểm soát rủi ro của tổ chức tham gia BHTG, CDIC sẽ có được thông tin đó thông qua cơ chế chia sẻ thông tin được thành lập bởi các cơ quan có thẩm quyền.
Nếu các thông tin trên là không đủ, CDIC có thể yêu cầu tổ chức tài chính gửi thông tin bổ sung một cách chính xác.
CDIC có quyền thiết lập cơ chế phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền, với mục đích xử lý cuộc khủng hoảng kinh doanh của các tổ chức tham gia bảo hiểm hoặc bất kỳ vấn đề có tính chất nghiêm trọng ảnh hưởng đến trật tự tài chính.
Hệ thống quản lý rủi ro, gồm phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. CDIC xây dựng hệ thống cảnh báo sớm gồm: Hệ thống chuyển internet trực tuyến (hàng ngày), hệ thống xếp hạng báo cáo (hàng quý), hệ thống xếp hạng kiểm tra (6 tháng), hệ thống phân tích tài chính (liên tục).
Sau khi có kết quả của quá trình quản lý rủi ro, CDIC có quyền cảnh báo các tổ chức thành viên về:
- Vi phạm luật và quy định
- Vi phạm các cam kết về BHTG
- Tham gia vào các hoạt động kinh doanh không an toàn.
Các bước can thiệp sớm gồm: kiểm tra tại chỗ, tự hỗ trợ, hướng dẫn từ xa, hướng dẫn tại chỗ, tiếp quản. Trong đó việc tiếp quản được thực hiện nếu %Bis <2, lỗ vượt quá 1/3 vốn và không thể cải thiện trong khung thời gian quy định.
Các phương pháp xử lý của CDIC gồm: Chi trả, chuyển tiền gửi, P&A, ngân hàng bắc cầu, hỗ trợ ngân hàng mở. Nguồn vốn thực hiện của CDIC từ phí bảo hiểm, vay từ chính phủ và thị trường, thu phí đặc biệt trong điều kiện khủng hoảng hệ thống.
Kinh nghiệm từ CDIC và MDIC cho thấy, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có quyền tiếp cận và được chia sẻ thông tin đầy đủ về tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, có quyền giám sát, kiểm tra trong toàn bộ quá trình hoạt động và có quyền xử lý đổ vỡ đối với tổ chức thành viên đó.
Yêu cầu đặt ra…
Để đáp ứng yêu cầu tái cấu trúc hệ thống tài chính ngân hàng hiện nay và phù hợp với xu hướng chung trên thế giới, tổ chức bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam cần được trao thêm quyền để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ giám sát, kiểm tra tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; và tham gia, phối hợp vào quá trình xử lý các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi gặp khó khăn. Cụ thể, tổ chức bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam cần được bổ sung thêm các quyền sau:
- Quyền chủ động tiếp cận thông tin. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có quyền yêu cầu cung cấp bất kỳ thông tin nào về/hoặc liên quan tới tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi từ tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi hoặc các cơ quan liên quan phục vụ cho hoạt động giám sát rủi ro của mình.
- Quyền kiểm tra. Khi phát hiện rủi ro cao hoặc nghi ngờ tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có dấu hiệu không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có quyền thực hiện kiểm tra tại chỗ hoặc đề xuất phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra.
- Quyền cảnh báo. Ngoài việc kiến nghị, báo cáo với các cơ quan liên quan, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có quyền cảnh báo các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi về các rủi ro hoặc có quyền từ chối bảo hiểm nếu các vấn đề cảnh báo đưa ra không được cải thiện.
- Quyền xử lý các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi yếu kém, có vấn đề. Xác định rõ trách nhiệm của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam không chỉ là chi trả mà cần đảm bảo nguyên tắc chi phí thấp nhất theo thông lệ quốc tế thông qua áp dụng các biện pháp xử lý đổ vỡ hiện đại. Việc thanh lý và chi trả cần hạn chế tối đa nhằm tối giản tổn thất của người gửi tiền và đảm bảo niềm tin nơi công chúng.
Để thực hiện được các nội dung trên, cần rà soát và điều chỉnh các văn bản pháp lý liên quan đến bảo hiểm tiền gửi, đảm bảo hệ thống cơ sở pháp lý đồng bộ và khả thi cao để nâng cao tính hiệu quả của hoạt động bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng cần nâng cao sức mạnh tài chính cũng như năng lực chuyên môn để sẵn sàng áp dụng các biện pháp xử lý đổ vỡ hiện đại theo thông lệ quốc tế.