Giảm 50% số vụ việc khách hàng bị lừa đảo mất tiền
Ngày 18/12/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (Quyết định số 2345) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, trong đó có quy định từ 1/7/2024, các giao dịch chuyển tiền điện tử của cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền điện tử trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng một trong các biện pháp xác thực sinh trắc học.
Quy định này nhằm bảo đảm người giao dịch ngân hàng trực tuyến là chính chủ nhằm bảo vệ khách hàng, góp phần giảm thiểu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng, cũng như phòng ngừa những vụ việc cho thuê, mượn, mua bán tài khoản thanh toán, ví điện tử sử dụng cho mục đích bất hợp pháp.
Theo NHNN, đến nay, đã có trên 38 triệu lượt khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thành công, trên 1 triệu ví điện tử đã được đối chiếu sinh trắc học. Trong hai tháng 7 và 8/2024, theo báo cáo của Công ty Cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), trung bình mỗi ngày có khoảng 25 triệu giao dịch, trong đó có khoảng 1,6 triệu giao dịch trên 10 triệu đồng. Theo đó, hoạt động thanh toán vẫn diễn ra bình thường.
Cũng theo NHNN, qua theo dõi số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD), số lượng vụ việc lừa đảo mất tiền của khách hàng và số lượng tài khoản có phát sinh nhận tiền lừa đảo ở các đơn vị đã giảm đáng kể. Cụ thể, số lượng vụ việc khách hàng bị lừa đảo mất tiền trong tháng 8/2024 khoảng 700 vụ, giảm khoảng 50% so với số vụ việc trung bình 7 tháng đầu năm 2024; số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo trong tháng 8/2024 khoảng 678 tài khoản, giảm khoảng 72% so với trung bình 7 tháng đầu năm 2024. Đặc biệt, tại một số đơn vị đã không có phát sinh số lượng vụ việc trong thời gian tháng 8 và đầu tháng 9 vừa qua.
Đại tá Hoàng Ngọc Bách - Trưởng phòng 4, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm cao (A05) Bộ Công an cũng đánh giá, qua những thống kê ban đầu từ phía ngân hàng, A05 nhận thấy quy định xác thực sinh trắc học đã có tác dụng hạn chế tội phạm sử dụng công nghệ cao sử dụng tài khoản cá nhân để chuyển tiền.
Thêm hàng rào bảo vệ tài khoản cho khách hàng
Ngoài quy định tại Quyết định 2345, mới đây, NHNN đã ban hành Thông tư 17/2024/TT-NHNN về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ thanh toán (Thông tư 17), trong đó có quy định từ 1/1/2025, khách hàng sử dụng tài khoản ngân hàng thanh toán chỉ được thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử (online) khi đã hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tuỳ thân và thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản hoặc người đại diện (đối với khách hàng cá nhân) hoặc người đại diện hợp pháp (đối với khách hàng tổ chức). Theo NHNN, đối với khách hàng cá nhân áp dụng từ ngày 1/1/2025, đối với khách hàng tổ chức áp dụng từ ngày 1/7/2025. Riêng đối với các ngân hàng kiểm soát đặc biệt thời gian hiệu lực nội dung này đối với khách hàng cá nhân từ ngày 1/7/2025 và khách hàng tổ chức từ ngày 1/1/2026.
Quy định này được bổ sung trên cơ sở kết quả triển khai Đề án 06 (Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030) và nhằm mục tiêu hạn chế, ngăn chặn việc sử dụng, lợi dụng tài khoản thanh toán cho các mục đích bất hợp pháp của các đối tượng dùng giấy tờ tùy thân giả để mở tài khoản thanh toán.
"Điều này không có nghĩa là tất cả giao dịch phải đối chiếu kiểm tra sinh trắc học, nhưng là điều kiện cần để đăng ký mobile banking, internet banking là khách hàng phải hoàn tất đối chiếu sinh trắc học. Việc áp dụng xác thực sinh trắc học không ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng. Thực tế, từ khi áp dụng Quyết định 2345 về xác thực sinh trắc học, lượng giao dịch qua Napas vẫn như trước, chứng tỏ quy định về xác thực sinh trắc học không ảnh hưởng đến thanh toán không dùng tiền mặt, trải nghiệm khách hàng mà lại mang đến hiệu quả tích cực trong phòng chống lừa đảo, gian lận" - ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết.
Bên cạnh đó, liên quan đến việc mở tài khoản thanh toán bằng phương tiện điện tử, Thông tư số 17 quy định ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện đối chiếu khớp đúng thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản thanh toán (đối với khách hàng là cá nhân), người đại diện hợp pháp (đối với khách hàng là tổ chức) với: (i) Dữ liệu sinh trắc học được lưu trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước công dân (CCCD) hoặc thẻ căn cước đã được xác thực chính xác là do cơ quan Công an cấp hoặc thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của người đó do Hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập; hoặc (ii) Dữ liệu sinh trắc học đã được thu thập và kiểm tra (đảm bảo sự khớp đúng giữa dữ liệu sinh trắc học của người đó với dữ liệu sinh trắc học trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ CCCD hoặc thẻ căn cước đã được xác thực chính xác là do cơ quan Công an cấp hoặc với dữ liệu sinh trắc học của người đó thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử do Hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập - Điều 16. Mở tài khoản thanh toán bằng phương tiện điện tử).
Theo NHNN, quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục mở tài khoản thanh toán thực hiện theo quy định mới và việc áp dụng các quy định nội bộ về quản lý rủi ro trong mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thực hiện từ ngày 1/10/2024.
Quy định này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kết quả triển khai Đề án 06 và nhằm đảm bảo xác thực chủ tài khoản thanh toán (đối với khách hàng cá nhân), người đại diện hợp pháp (đối với khách hàng là tổ chức) góp phần hạn chế việc sử dụng giấy tờ tùy thân giả mạo để mở tài khoản thanh toán.
Để đảm bảo an toàn, bảo mật trong mở, sử dụng tài khoản thanh toán, Thông tư số 17 còn bổ sung quy định trách nhiệm của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải ban hành quy định nội bộ về quản lý rủi ro trong quá trình mở, sử dụng tài khoản thanh toán. Quy định nội bộ về quản lý rủi ro của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bao gồm một số nội dung như: (i) Ban hành Bộ tiêu chí nhận diện dấu hiệu nghi ngờ gian lận, lừa đảo vi phạm pháp luật; (ii) Quy định về phạm vi, hạn mức giao dịch theo các mức độ rủi ro phân theo đối tượng khách hàng; trong đó có quy định cụ thể biện pháp quản lý rủi ro với đối tượng khách hàng chưa đủ 18 tuổi,...); (iii) Theo dõi thời hạn hiệu lực giấy tờ tùy thân của chủ tài khoản và người liên quan trong quá trình sử dụng tài khoản; thông báo cho khách hàng tối thiểu 30 ngày trước ngày hết hiệu lực của giấy tờ tùy thân để kịp thời yêu cầu khách hàng cập nhật, bổ sung thông tin; tạm dừng giao dịch thanh toán, rút tiền trên tài khoản thanh toán đối với các trường hợp giấy tờ tùy thân của khách hàng hết hiệu lực hoặc hết thời hạn sử dụng....
Với Thông tư số 17/2024/TT-NHNN, NHNN tiếp tục siết thêm một vòng bảo mật nữa để bảo vệ tài khoản của khách hàng khi đây được xem là một trong những biện pháp mạnh tay để xử lý tài khoản "rác" vốn đang bị lợi dụng cho hoạt động lừa đảo. Phạm vi hoạt động của đối tượng lừa đảo bị thu hẹp khi loại bỏ tài khoản ngân hàng “rác”. Như vậy, những quy định mới tại Thông tư này sẽ góp phần đảm bảo an ninh, an toàn trong mở, sử dụng tài khoản thanh toán, góp phần hạn chế việc lợi dụng, sử dụng tài khoản thanh toán cho các mục đích bất hợp pháp.
Tiếp tục ứng dụng dữ liệu dân cư làm sạch dữ liệu khách hàng
Để đảm bảo an ninh, an toàn và phòng, chống tội phạm trong hoạt động ngân hàng thời gian tới, về phía NHNN cần tăng cường phối hợp giữa các đơn vị chức năng thuộc NHNN và các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân; chỉ đạo các TCTD, trung gian thanh toán tiếp tục chú trọng triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân; chủ động, tích cực phối hợp, cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan chức năng theo quy định pháp luật, góp phần phòng chống tội phạm gian lận, lừa đảo. Đồng thời, NHNN tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các TCTD, trung gian thanh toán tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư, làm sạch dữ liệu để đảm bảo 100% khách hàng cá nhân của các TCTD, trung gian thanh toán được đối chiếu với thông tin sinh trắc học trong thẻ CCCD gắn chip hoặc thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử theo quy định về hoạt động thanh toán tại các Thông tư hướng dẫn Nghị định số 52/2024/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt.
Về phía người dân, để tránh trở thành nạn nhân của các vụ việc mua bán tài khoản ngân hàng cho mục đích lừa đảo, người dân cần có biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân của mình; không chia sẻ thông tin tài khoản ngân hàng, dữ liệu cá nhân với bất kỳ ai, đặc biệt, qua số điện thoại, hoặc qua mạng xã hội. Người dân không sử dụng giấy tờ tùy thân của mình để mở hộ hoặc bán tài khoản thanh toán, thẻ cho người khác. Việc cho mượn tên, giấy tờ để làm thẻ, mở tài khoản hiểu theo góc độ nào đó cũng là một hình thức tiếp tay cho đối tượng lừa đảo, vì tài khoản mua được trở thành phương tiện cho các đối tượng lừa đảo nhận tiền của các phi vụ lừa đảo và kéo theo nhiều hệ lụy.
Nghị định 143/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định: Phạt tiền 40-50 triệu đồng những hành vi như thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản, mua bán, thông tin tài khoản thanh toán từ một tài khoản cho đến dưới 10 tài khoản thanh toán chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Người dùng có thể bị phạt tiền 50-100 triệu đồng về hành vi thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán; mua bán tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản trở lên mà chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự; thậm chí, có thể bị điều tra, truy tố về hành vi liên quan đến các giao dịch vi phạm pháp luật ngay cả khi không tham gia trực tiếp vào hoạt động lừa đảo họ vẫn có thể bị coi là đồng phạm hoặc có thể coi hành vi đó là tiếp tay cho tội phạm.
Hà Linh